Mới đây, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TP. HCM đã có Báo cáo về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm 9 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn. Theo đó, việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đã được các cơ quan quản lý chú trọng trên nhiều phương diện.
Cụ thể, trong công tác chỉ đạo điều hành, toàn thành phố đã chủ động xây dựng kịp thời các kế hoạch đảm bảo ATTP và tổ chức triển khai quyết liệt, nghiêm túc trong công tác tổ chức, nắm tình hình, xác định được đối tượng, địa bàn trọng điểm cần tập trung ngay từ đầu năm.
Bên cạnh đó, công tác liên kết các tỉnh và triển khai thực hiện Chương trình, Đề án đảm bảo ATTP cũng được đẩy mạnh. Trong 9 tháng đầu năm, TP. HCM đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh ký kết triển khai công tác phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm bảo đảm ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, bộ phận thường trực của Ban Quản lý Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” đã tổ chức thẩm định và cấp 96 giấy chứng nhận (cấp lại 70 giấy, cấp mới 26 giấy) cho 96 cơ sở sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và kinh doanh sản phẩm chuỗi; Ban Quản lý Đề án đã cấp giấy chứng nhận cho 424 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh đạt chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn… Ngoài ra các công tác phát triển chuỗi thực phẩm an toàn; Truy xuất nguồn gốc; Công tác xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP … cũng được chú trọng.
Các xe loa tuyền truyền phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” trên các tuyến đường chính trên toàn Thành phố. (Ảnh: doanhnhantrevietnam.vn/)
Đối với công tác thông tin, tuyên truyền, Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thông tin kịp thời, đầy đủ các thông tin với nội dung tích cực, rõ ràng, chính xác, nhất quán và minh bạch các vấn đề về ATTP; đồng thời xử lý kịp thời các thông tin trái chiều, thiếu chính xác gây hoang mang cho cộng đồng.
Theo đánh giá từ Báo cáo, nhìn chung, công tác truyền thông kịp thời, đầy đủ đã cung cấp các thông tin với nội dung tích cực, rõ ràng, chính xác, nhất quán và minh bạch các vấn đề về ATTP, từ đó xử lý kịp thời các thông tin trái chiều, thiếu chính xác gây hoang mang cho cộng đồng. Cũng trong hoạt động tuyên truyền về bảo đảm ATTP, Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm đã tập trung truyền thông nhắm đến 04 đối tượng chính là người nội trợ (người trực tiếp chọn mua, chế biến thực phẩm cho gia đình); người tiêu dùng thực phẩm; người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; chính quyền các cấp, các nhà quản lý.
Đặc biệt, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TP. HCM đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý vi phạm trong 9 tháng đầu năm. Theo đó, trong giai đoạn này toàn thành phố đã tập trung kiểm tra có trọng điểm theo chuyên đề Tết, Tháng hành động, Tết Trung thu và kiểm tra theo các chuyên đề nổi trội về công tác đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể, đơn vị cung cấp suất ăn sẵn tại các Khu chế xuất – Khu công nghiệp, các nhóm sản phẩm nguy cơ cao…
Kiểm tra ATTP tại chợ đầu mối Bình Điền (Phường 7, Bình Chánh, TP. HCM). (Ảnh:
Kết quả đã thanh tra, kiểm tra 26.005 cơ sở, phát hiện 2.602 cơ sở vi phạm, xử phạt 633 cơ sở với tổng số tiền 9.619.553.000 đồng, tịch thu/tiêu hủy 12.797 kg và 33.971 đơn vị sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng/không rõ nguồn gốc xuất xứ, đình chỉ hoạt động có thời hạn 02 cơ sở; tước quyền sử dụng giấy phép 01 cơ sở; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp 7.130.000 đồng; buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm 02 cơ sở; buộc thu hồi, tiêu hủy: 35 sản phẩm; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn 2039 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe; chuyển cơ quan điều tra xử lý 04 cơ sở, đang tiếp tục xử lý 01 cơ sở, nhắc nhở 1.883 cơ sở chủ yếu kinh doanh thức ăn đường phố.
Đồng thời, việc thực hiện rà soát việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên các trang mạng xã hội cũng được thực hiện liên tục. Đến nay, đã rà soát 10.460 sản phẩm thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các Trang web kinh doanh và phát hiện 53 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm chuyển Thanh tra theo dõi, xử lý theo quy định. Ngoài ra, tiến hành giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại các lễ hội, sự kiện; các cơ sở chế biến suất ăn sẵn cũng được đảm bảo. Từ đầu năm đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Báo cáo cũng chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong quý 3 năm 2022. Theo đó, cần tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới; Tiếp tục duy trì xây dựng và triển khai các đề án, dự án đảm bảo an toàn thực phẩm như: đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”, đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm”, mô hình “Chợ truyền thống đảm bảo ATTP”; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về ATTP mới có hiệu lực đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về ATTP cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý ATTP các cấp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các sản phẩm của các cơ sở có nguy cơ cao gây mất an toàn, lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm nhằm đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường, từ đó có hướng xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm cũng như có cảnh báo ATTP kịp thời đối với người tiêu dùng. |
Phương Loan