Thứ hai, 14/10/2024 | 16:32

Thứ hai, 14/10/2024 | 16:32

An toàn thực phẩm

Cập nhật 04:47 ngày 13/09/2024

TP. Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu

Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn đến ngộ độc thực phẩm, nhiều vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến người dân.
Trên địa bàn TP.HCM, tình hình vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, đặc biệt dịp Tết Trung thu đang đến gần, đây là thời điểm nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm, bánh, kẹo, nước ngọt… tăng cao, dẫn đến tình trạng các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, vận chuyển, buôn bán thực phẩm, nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm nguy cơ gia tăng.
Để tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) Tết Trung Thu, năm 2024, Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đề nghị các Sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm ATTP.
Cụ thể, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố... Kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Lực lượng QLTT vừa phát hiện và xử lý một cơ sở sản xuất bánh Trung thu không đảm bảo chất lượng (Ảnh: Tạp chí QLTT)
Tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu. Trong đó, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần tuyên truyền việc thực hiện các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, quy định về điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.
Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cũng lưu ý người dân nên lựa chọn các nhà sản xuất đáp ứng được các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Ngoài ra, các sở, ban, ngành, UBND TP. Thủ Đức và các quận huyện cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Chỉ thị số 17/CT-TW ngày 21 tháng 10 năm 2022 của Ban Bí thư về tăng cường đảm bảo an nình an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 03 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về  việc ngăn ngừa xử lý ngộ độc thực phẩm; Văn bản số 2487/BYT-ATTP ngày 11 tháng 5 năm 2024 của Bộ Y tế về việc ngăn ngừa xử lý ngộ độc thực phẩm và Văn bản số 3113/BYT-ATTP ngày 07 tháng 6 năm 2024 về việc tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hoá chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.
Tuệ Lâm
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 3
  • 1
  • 2
  • 1
  • 8
  • 8
  • 7
lên đầu trang