Thứ hai, 14/10/2024 | 14:56

Thứ hai, 14/10/2024 | 14:56

Tin tổng hợp

Cập nhật 04:44 ngày 13/09/2024

Trường Đại học Cần Thơ đề xuất nội dung xây dựng: “Đề án phát triển Công nghiệp Sinh học ngành Kinh tế - Kỹ thuật lĩnh vực Công thương”

Sáng ngày 12/7/2024, tại Nhà Điều hành, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) phối hợp cùng Bộ Công thương tổ chức buổi Tọa đàm đề xuất một số nội dung liên quan đến phát triển công nghệ sinh học (CNSH), công nghiệp sinh học phục vụ xây dựng: “Đề án phát triển Công nghiệp Sinh học ngành Kinh tế - Kỹ thuật lĩnh vực Công thương”.
Toạ đàm có sự tham dự của các chuyên gia đại diện Bộ Công Thương. Về phía Trường ĐHCT, có sự tham dự của các Phó Hiệu trưởng: GS. TS. Trần Ngọc Hải, PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung, đại diện lãnh đạo các đơn vị; cùng đại diện các sở, ban, ngành, doanh nghiệp tại Thành phố Cần Thơ.
 Buổi Tọa đàm diễn ra tại Hội trường Ban Giám hiệu, Nhà Điều hành, Trường ĐHCT.
Buổi Tọa đàm có 03 nội dung chính: (1) các chuyên gia đến từ Bộ Công thương khái quát thông tin liên quan đến thực trạng phát triển CNSH trong lĩnh vực công nghiệp chế biến và dự thảo xây dựng “Đề án phát triển Công nghiệp Sinh học ngành Kinh tế - Kỹ thuật lĩnh vực Công Thương”; (2) tham luận về phát triển công nghệ sinh học của Trường ĐHCT trong đào tạo và nghiên cứu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); (3) các đại biểu đại diện các sở, ban, ngành, doanh nghiệp Thành phố Cần Thơ thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng, phát triển đề án.
Thay mặt Tổ soạn thảo Đề án, TS. Đặng Tất Thành, Vụ Khoa học và Công Nghệ, Bộ Công Thương đã báo cáo một số thông tin liên quan đến các nội dung cần tham luận nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách (sửa đổi, bổ sung quy định, thu hút chuyên gia, nhà khoa học) để phục vụ phát triển công nghiệp sinh học lĩnh vực công thương; Phát triển nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng và năng lượng; Phát triển sản xuất sản phẩm CNSH từ các nguồn nguyên liệu đặc thù vùng, miền; Phát triển năng lực thiết kế, chế tạo thiết bị công nghệ, tự động hóa, công nghệ 4.0 trong lĩnh vực công nghiệp sinh học; Đầu tư tăng cường năng lực các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, ứng dụng; Xây dựng trung tâm kết nối hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp CNSH (khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ); Phát triển thị trường ngành công nghiệp sinh học; Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế; Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông.
TS. Đặng Tất Thành chia sẻ tại buổi Tọa đàm.
TS. Nguyễn Thị Pha, Phó Viện trưởng Viện CNSH và Thực phẩm, Trường ĐHCT chia sẻ, tại ĐBSCL ngành CNSH phát triển mạnh mẽ nhất ở lĩnh vực Nông nghiệp với nhiều ứng dụng và thành công nhất định trong thời gian qua; thu hút được sự quan tâm của nhiều bộ, ban, ngành nhằm thúc đẩy và tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Riêng Trường ĐHCT đã có nhiều đơn vị phụ trách nghiên cứu về CNSH từ rất lâu như: Viện CNSH và Thực phẩm, Trường Nông nghiệp, Trường Thủy sản, Khoa Khoa học Tự nhiên, Khoa Sư phạm và Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên; lĩnh vực CNSH được Trường ĐHCT đào tạo trong nhiều ngành như: CNSH, Công nghệ Thực phẩm, Công nghệ sau Thu hoạch, Sinh học, Sinh học Ứng dụng trải dài từ bậc đào tạo đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Đặc biệt, Trường ĐHCT đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ cho địa phương, doanh nghiệp; ví dụ như: xử lý các chế phẩm, phụ phẩm trong nông nghiệp thành phân hữu cơ phục vụ nông nghiệp tuần hoàn...
TS. Nguyễn Thị Pha trình bày tham luận tại buổi Tọa đàm.
Đại diện các đơn vị Trường ĐHCT; đại diện Bộ Công thương cùng các sở, ban, ngành, doanh nghiệp thuộc Thành phố Cần Thơ chia sẻ ý kiến tại chương trình.
Phát biểu tổng kết Tọa đàm, GS. TS. Trần Ngọc Hải chia sẻ, Trường ĐHCT luôn định hướng phát triển ngành CNSH trong các lĩnh vực thế mạnh của Nhà trường theo mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh và phát triển hơn nữa ngành CNSH, ứng dụng chuyên sâu vào nghiên cứu khoa học, tạo ra nhiều kết quả nghiên cứu tích cực phục vụ chuyển giao công nghệ cho cả vùng ĐBSCL. Trường ĐHCT đã liên kết đào tạo với Đại học Michigan (Hoa Kỳ), Đại học Ghent (Bỉ) nhằm phối hợp và tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên đang theo học các ngành liên quan đến CNSH được trải nghiệm, trang bị những kiến thức hiện đại, tiên tiến nhất.
GS. TS. Trần Ngọc Hải phát biểu tổng kết Tọa đàm.
Trường ĐHCT luôn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời, Nhà trường đã đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm, trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu nghiên cứu của sinh viên về khoa học về công nghệ trong lĩnh vực CNSH. Trường ĐHCT mong muốn được phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và có nhiều chương trình hợp tác cụ thể nhằm góp phần vào sự phát triển ngành CNSH và phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL và cả nước.
Ảnh lưu niệm.
Qua buổi Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến hữu ích nhằm xây dựng đề án một cách hiệu quả nhất. Các ý kiến trao đổi trong buổi làm việc đã được Tổ soạn thảo tiếp thu, làm cơ sở hoàn thiện Đề án phát triển Công nghiệp Sinh học ngành Kinh tế - Kỹ thuật lĩnh vực Công thương sao cho phù hợp và sớm trình Chính phủ trong năm 2024.
Theo Đại học Cần Thơ
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 3
  • 1
  • 1
  • 8
  • 4
  • 3
  • 5
lên đầu trang