Thứ năm, 18/04/2024 | 14:35

Thứ năm, 18/04/2024 | 14:35

An toàn thực phẩm

Cập nhật 09:08 ngày 12/11/2019

Hiệu quả từ mô hình quản lý an toàn thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh

Là mô hình thí điểm đầu tiên trong cả nước, chỉ trong 3 năm ngắn ngủi nhưng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa công tác kiểm soát an toàn thực phẩm của Thành phố Hồ Chí Minh dần đi vào quỹ đạo. Tích cực "chống" thực phẩm bẩn, song song với "xây" thực phẩm sạch, làm thay đổi nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và cả người tiêu dùng là mục tiêu mà đơn vị này hướng tới.
“Tuyên chiến” với thực phẩm bẩn 
Xuất phát từ thực tế công tác quản lý lĩnh vực an toàn thực phẩm còn “manh mún”, tháng 3/2017, với sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm trên cơ sở hợp nhất bộ máy nhân sự từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế và Sở Công thương - 3 đơn vị chia nhau “trấn giữ” vấn đề quản lý an toàn thực phẩm của Thành phố từ nhiều năm trước.
Thanh tra Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra tại Chợ Kim Biên. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Việc thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm là lời “tuyên chiến” đanh thép của Thành phố Hồ Chí Minh với tình trạng thực phẩm bẩn, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.
“Trước đây việc quản lý an toàn thực phẩm giao cho 3 sở cùng quản lý khiến đôi lúc xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc chưa phối hợp tốt trong quản lý, tuy nhiên với Ban Quản lý an toàn thực phẩm, vấn đề an toàn thực phẩm là lẽ sống, là duy nhất và chúng tôi quyết tâm làm tốt”, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
 
Kể từ khi ra đời, Ban Quản lý an toàn thực phẩm liên tục đưa ra các chương trình hành động thiết thực nhằm hạn chế thực phẩm bẩn xâm nhập vào thị trường, có lẽ thành công nhất là triển khai hiệu quả mô hình các đội quản lý an toàn thực phẩm đến tận từng quận, huyện.
Hiện Ban đã xây dựng được 10 đội quản lý an toàn thực phẩm gồm 2 đội quản lý 2 chợ đầu mối là chợ Bình Điền và chợ Hóc Môn được phân công kiểm soát toàn bộ thực phẩm về chợ mỗi đêm. Cùng với đó là 8 đội quản lý ở 24 quận, huyện.
 
Bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay: “Đây được xem là những “cánh tay nối dài” của Ban đến tận các ngóc ngách của Thành phố. Ban đã sử dụng 300/400 nhân sự hiện có để cơ cấu vào các đội này cũng như vào lực lượng thanh tra. Đây là lực lượng chủ chốt trong công tác thanh kiểm tra, giám sát vấn đề an toàn thực phẩm tại các địa phương”.
Từ khi có các đội quản lý an toàn thực phẩm, công tác kiểm soát an toàn thực phẩm trở nên hiệu quả hơn bởi các đội bám rất sát địa bàn. Chỉ trong 3 năm, lần lượt các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến và phân phối thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đều được tập huấn, thanh tra, hậu kiểm… đầy đủ.
“Việc thanh tra thường xuyên giúp các cơ sở có ý thức hơn trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm bởi họ luôn canh cánh nỗi lo có thể kiểm tra bất cứ lúc nào”, ông Nguyễn Minh Hải, Phó Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm chia sẻ.
 
Liên tục thanh tra, tích cực lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm và xử phạt nghiêm khắc nếu có vi phạm nhằm đẩy lùi thực phẩm bẩn, không đảm bảo an toàn là những hoạt động xuyên suốt được Ban Quản lý an toàn thực phẩm thực hiện trong thời gian qua. Chỉ trong 3 năm, việc lấy mẫu, thanh kiểm tra, xử phạt vi phạm đều tăng hơn gấp nhiều lần so với những năm trước.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm, kiểm tra tại Chợ Phú Lâm (Quận 6). Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Đặc biệt, lực lượng thanh tra của Ban Quản lý an toàn thực phẩm còn rất linh động trong xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm bằng cách áp dụng các quy định về hàng lậu, hàng giả của ngành Công thương, tiêu hủy tại chỗ các thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc thay cho việc lấy mẫu kiểm nghiệm như trước đây.
“Chúng tôi kiên quyết bằng mọi giá xử lý nhanh gọn thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo, bởi nếu chờ đến khi có kết quả kiểm nghiệm thì toàn bộ thực phẩm này đã nằm gọn trong… bụng của người dân”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay.
 
Bà Trần Thị Minh, tiểu thương chợ Phú Lâm (Quận 6) cho biết, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thường xuyên tiến hành tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm cho tiểu thương trong chợ, cũng như liên tục kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm.
“Dù ban đầu chúng tôi có hơi khó chịu nhưng lâu dần cũng quen và nếu mình tuân thủ đúng các quy định thì cũng không sợ bị kiểm tra như trước nữa. Tuy nhiên, tôi mong Ban Quản lý an toàn thực phẩm kiểm soát nghiêm cả thực phẩm buôn bán ở chợ tự phát bên ngoài nhằm đảm bảo công bằng cho chúng tôi”, bà Minh chia sẻ.
 
Bà Phạm Khánh Phong Lan thừa nhận, các chợ tự phát là vấn đề “đau đầu” trong công tác quản lý an toàn thực phẩm bởi nếu hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, 236 chợ truyền thống đang dần đi vào chuẩn hóa thì vấn đề an toàn thực phẩm tại hàng ngàn chợ tự phát trên địa bàn vẫn đang bị bỏ ngỏ.
 
Cần cơ chế để kiểm soát an toàn thực phẩm tốt hơn
 
Giáp Tết Nguyên đán năm 2018, thời điểm khá “nhạy cảm” về an toàn thực phẩm khi nhiều doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị tích trữ thực phẩm chuẩn bị sản xuất hàng Tết. Thông qua theo dõi, Đội quản lý An toàn thực phẩm số 4 (quản lý 3 địa bàn Hóc Môn, Củ Chi, Quận 12) đã phát hiện 2 container chứa hơn 20 tấn thịt lợn, thịt bò không rõ nguồn gốc tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Được biết nguồn hàng này chuẩn bị được chế biến thành giò, chả… phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Do chủ hàng không chịu ký nhận vi phạm buộc Ban Quản lý an toàn thực phẩm phải lưu kho, lấy mẫu kiểm nghiệm. Đến khi kết quả kiểm nghiệm xác định toàn bộ số thực phẩm này không đạt yêu cầu thì chủ hàng bỏ trốn.
“Khi chủ hàng bỏ trốn, việc tiêu hủy toàn bộ 20 tấn thịt này đều thuộc trách nhiệm của chúng tôi và chúng tôi rất vất vả trong xử lý do vướng các thủ tục hành chính”, bà Phạm Khánh Phong Lan nhớ lại. 
Thanh tra Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Đây là một trong những khó khăn mà trong thời gian thí điểm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh phải đối mặt. Được chỉ định ngồi lên chiếc “ghế nóng” - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm thí điểm đầu tiên của cả nước, bà Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bà gặp vô vàn khó khăn và áp lực.
Trong thời gian thí điểm, Ban Quản lý được giao nhiệm vụ của một cơ quan tương đương cấp sở, có chức năng giúp UBND Thành phố tổ chức thực thi pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố, nhưng các cơ chế và quy định pháp luật trong một số trường hợp lại không có hướng dẫn cụ thể cho mô hình thí điểm này, nên còn nhiều lúng túng. Vấn đề xử phạt trong vi phạm an toàn thực phẩm vẫn còn khá nhiêu khê, phức tạp, khiến đơn vị này nhiều khi rơi vào tình huống bị động, không biết phải xử trí ra sao.
 
Bên cạnh đó, dù hoạt động hiệu quả nhưng hệ thống các đội quản lý an toàn thực phẩm thuộc Phòng Thanh tra lại đang thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ vượt quá chức năng, nhiệm vụ của Phòng Thanh tra. Trong khi đó, nguồn nhân lực lại chưa đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng.
“Dù có nhiều khó khăn, thách thức, song anh em chúng tôi luôn bảo nhau phải nỗ lực hơn nữa để xây dựng hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm, vì sức khỏe của người dân. Chúng tôi hy vọng, sau thời gian thí điểm 3 năm sẽ được chấp thuận chuyển đổi thành Sở Quản lý an toàn thực phẩm, nhằm tạo điều kiện cho chúng tôi có đầy đủ cơ sở pháp lý, phát huy hiệu quả công tác, phù hợp với thực tế hoạt động”, bà Phạm Khánh Phong Lan kiến nghị. 
Thanh tra Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra thực phẩm nhập khẩu tại kho lạnh Công ty Transimex (Quận 9). Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Đồng tình với kiến nghị này, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, khi mà quy mô, chủng loại hàng hóa và mức độ trao đổi thương mại ngành thực phẩm ngày càng lớn, đa dạng như hiện nay, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm càng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Các doanh nghiệp ngành rất cần một cơ quan tương đương cấp sở đưa ra những giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, cũng như đề xuất Nhà nước xây dựng chế tài xử lý mang tính răn đe mạnh hơn nữa, tạo điều kiện bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Một đầu mối để quản lý, một cơ quan để chịu trách nhiệm với vấn đề an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người dân là nhu cầu cấp thiết của một đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguồn: Báo Dân tộc miền núi 

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 5
  • 9
  • 3
  • 4
  • 8
  • 7
lên đầu trang