Thứ sáu, 26/04/2024 | 22:51

Thứ sáu, 26/04/2024 | 22:51

Tin Đề án

Cập nhật 08:12 ngày 22/10/2020

Từ bã men bia tạo thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa peptide có hoạt tính sinh học

Ngày 15/10, Bộ Công Thương đã thẩm định dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất thử nghiệm chế phẩm Protease tái tổ hợp từ E.colo BL 21DE3 ứng dụng thủy phân bã nấm men bia tạo Peptide có hoạt tính sinh học” thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020.
Tham dự buổi thẩm định có TS. Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), các chuyên viên của Vụ, chuyên gia thẩm định độc lập cùng nhóm thực hiện dự án đến từ Viện Nghiên cứu và ứng dụng sinh học công nghệ cao (Hibioteck).
TS. Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN phát biểu mở đầu buổi làm việc.
Mở đầu buổi làm việc, TS. Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN cho biết, buổi làm việc nhằm giúp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của đơn vị thực hiện và nhóm nghiên cứu theo đúng tinh thần công việc đã được thoả thuận và ký kết giữa hai bên.
"Đây cũng là cơ hội để nhóm nghiên cứu nhận được góp ý chuyên môn sâu hơn từ các chuyên gia, từ đó hoàn thiện sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh khi thương mại hoá", Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN nhấn mạnh.
Bã men bia: nguồn cung Peptide dồi dào đang bị bỏ ngỏ  
Peptide là chất được sử dụng rộng rãi trong hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến tăng huyết áp do nó có đặc tính ức chế ACE, tác nhân gây co mạch rất nguy hiểm đối với người có nguy cơ mắc bệnh lý trên. Ngoài ra nó cũng được ứng dụng làm thực phẩm chức năng giúp tăng cường đề kháng, nâng cao sức khỏe.
Thông thường để tạo protease, enzym có khả năng cắt peptide thành các amino acid hoặc peptide phân tử thấp giúp cơ thể con người hấp thụ được, các nhà sản xuất sẽ tổng hợp từ động, thực, vi sinh vật (nấm men, nấm mốc, xạ khuẩn…). Tuy nhiên cách làm này chỉ cho ra protease hoạt lực thấp. Protease tái tổ hợp hoạt lực cao hơn chủ yếu chỉ được sản xuất trong phòng thí nghiệm.
Ở khía cạnh khác, bã men bia là nguồn cung cấp peptide dồi dào nếu biết tận dụng. Theo thống kê từ Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam, mỗi năm ngành công nghiệp này thải bỏ hơn 70 nghìn tấn bã men bia. Phần lớn số bã này chỉ được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, hoặc làm phân bón. Chỉ một số ít được sử dụng cho ngành công nghiệp thực phẩm nhưng chưa triệt để. Điều này không chỉ gây lãng phí nguyên liệu, mà còn làm ô nhiễm môi trường xung quanh các cơ sở sản xuất bia.
ThS. Phạm Thị Thu Hiền - Chủ nhiệm dự án thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả thực hiện
Nhận thấy tiềm năng sản xuất peptide có hoạt tính sinh học cao từ nguồn nguyên liệu dồi dào này, Viện Hibioteck và ĐH Bách Khoa Hà Nội đã phối hợp nghiên cứu điều kiện thủy phân bã nấm men bia từ chế phẩm protease tạo peptide hoạt tính sinh học.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu trên, hai đơn vị đã tiếp tục hợp tác trong dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất thử nghiệm chế phẩm Protease tái tổ hợp từ E.colo BL 21DE3 ứng dụng thủy phân bã nấm men bia tạo Peptide có hoạt tính sinh học” với mục tiêu sản xuất thành công peptide quy mô thương mại.
Hướng đi tiềm năng cho sản xuất peptide quy mô thương mại
Bộ sản phẩm của dự án
Theo báo cáo của ThS. Phạm Thị Thu Hiền - Chủ nhiệm dự án, sau gần 2 năm nghiên cứu, hiện nhóm thực hiện đã xây dựng hoàn thiện quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất protease tái tổ hợp quy mô 100l/mẻ.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn được chủng E.coli BL21DE3 mang gen mã hóa protease để hoạt hóa với điều kiện môi trường thích hợp. Sau đó tiến hành lên men, ly tâm lạnh, lọc và tạo chế phẩm protease tái tổ hợp.
Từ kết quả thu được, nhóm tiếp tục tạo peptide sinh học với các công nghệ tiên tiến. Quá trình này trải qua 04 bước cơ bản, bao gồm: thủy phân giới hạn bã nấm men bia, ly tâm nhiệt độ thấp, lọc qua màng siêu lọc, và thu peptide. Sản phẩm thu được là peptide sinh học ≤ 10kDa có khả năng ức chế ACE, chống oxi hóa, kháng khuẩn và ức chế ung thư.
“Hiện tại dự án đã sản xuất thử nghiệm thành công hơn 22kg chế phẩm protease, thu được 200kg bột peptide. Thành phẩm là 50.000 viên nang thực phẩm chức năng và 360.000 lít nước uống tăng lực chứa peptide hoạt tính sinh học >60%”, chủ nhiệm dự án cho biết.
Sản phẩm dự án: nước uống và viên uống hỗ trợ tăng cường sức khỏe chứa peptide có hoạt tính sinh học
TS. Đặng Tất Thành, Chuyên viên chính Vụ KH&CN, nhận xét sản phẩm của dự án có tiềm năng thương mại tốt, có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập trên thị trường”. Đại diện Vụ KH&CN cũng đánh giá cao sự đầu tư nghiêm túc vào việc thiết kế, hoàn thiện bao bì, nhãn mác và hình ảnh chỉnh chu của sản phẩm.
“Đây sẽ làm một điểm cộng khi tiếp thị sản phẩm ra thị trường”, TS. Thành nhấn mạnh.
Về mặt kỹ thuật, các chuyên gia nhận định trên cơ sở tiếp thu thành quả từ các nghiên cứu trước, dự án đã hoàn thiện quy trình công nghệ với quy mô thương mại và bước đầu tiến tới sản xuất thành công. Các chuyên gia cũng ghi nhận nhóm thực hiện đã có những nỗ lực hoàn thành các công việc theo hợp đồng dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Tuy vậy, trong thời gian, nhóm vẫn cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các nội dung còn lại, hồ sơ, giấy tờ để kịp tiến độ nghiệm thu vào cuối năm 2020.
Thay mặt nhóm thực hiện dự án, ThS. Phạm Thị Thu Hiền gửi lời cảm ơn tới đoàn thẩm định Bộ Công Thương vì những nhận xét thiết thực và hỗ trợ dự án tháo gỡ các vướng mắc. Chủ nhiệm dự án cam kết đơn vị và nhóm triển khai sẽ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ theo hợp đồng đã ký với Bộ Công Thương.
Vụ Khoa học và Công nghệ
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 7
  • 0
  • 6
  • 7
  • 7
lên đầu trang