Thứ sáu, 29/03/2024 | 16:29

Thứ sáu, 29/03/2024 | 16:29

Tin Đề án

Cập nhật 03:35 ngày 21/09/2018

Sản xuất thực phẩm chức năng có arabinoxytan từ cám gạo thay thế sản phẩm nhập ngoại

Nhóm nghiên cứu trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa hoàn thành dự án “Sản xuất thực phẩm chức năng có arabinoxytan từ cám gạo”. Dự án thuộc Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương trù trì điều phối.
Cám gạo thường chiếm từ 10-20% trọng lượng hạt thóc. Cám gạo có nhiều dưỡng chất quan trọng như  vitamin E, B1, B3, B6, sắt và chất xơ. Đặc biệt, thành phần cấu thành nên chất xơ trong cám gạo có lượng lớn arabinoxylan (AX). 
Thực phẩm chức năng năng có arabinoxytan từ cám gạo sản xuất trong nước có giá bằng 1/7 so với sản phẩm nhập ngoại
Hợp chất arabinoxylan được thủy phân từ cám gạo là hợp chất có thể kích thích hệ thống miễn dịch mạnh và an toàn. Theo các nghiên cứu, AX dưới dạng thực phẩm chức năng có tác dụng điều trị hỗ trợ tăng miễn dịch cho bệnh nhân ung thư và suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, virut gây bệnh viêm gan và cúm). AX ở dạng cao phân tử hòa tan trong nước có khả năng hoạt hóa các tế bào ung thư.
Chế biến cám gạo thô thành dạng thực phẩm chức năng được tinh chế giàu arabinoxylan dạng hòa tan giúp việc bổ sung chất kích thích miễn dịch và các thành phần vi lượng có ích đang là hướng nghiên cứu được nhiều nhà khoa học và các công ty dược phẩm quan tâm.
Cơ hội điều trị cho bệnh nhân nghèo
Thực phẩm chức năng có chứa arabinoxylan rất phổ biến tại Nhật Bản và Mỹ với tên gọi là Lentin plus 1000 hay biobran. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu, chưa có thực phẩm chức năng nào có chứa arabinoxylan được sản xuất bằng công nghệ enzyme thân thiện môi trường. Trước đây, các thực phẩm chức năng chứa arabinoxylan đều phải nhập khẩu với chi phí rất cao. Giá thành sản phẩm Lentin plus 1000 của Nhật Bản từ 200-400 nghìn/ngày điều trị với liều lượng 2-4/gói/ngày (tương đương 100 nghìn/gói). Đây là mức chi phí khá cao với đa số bệnh nhân tại nước ta.
Trước thực trạng đó, trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã chủ động đề xuất và được Bộ Công Thương phê duyệt thực hiện dự án “Sản xuất thực phẩm chức năng có arabinoxytan từ cám gạo”. Dự án bắt đầu triển khai từ tháng 7/2016, vừa hoàn thành vào tháng 8/2018. 

Đoàn công tác do Bộ Công Thương thành lập tham quan dây chuyền sản xuất của dự án
Tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước từ phụ phẩm nông nghiệp kết hợp với chủ động quy trình công nghệ nên giá thành sản xuất thực phẩm chức năng có chứa arabinoxylan của dự án chỉ bằng khoảng 1/7 so với thực phẩm chức năng tương tự nhập ngoại. Đây là mức giá rất phù hợp với điều kiện chung của nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, HIV/AIDS, viêm gan ở Việt Nam. 
PGS.TS Nguyễn Thị Vân Anh, chủ nhiệm dự án cho biết “Dự án có ý nghĩa lớn về nhiều mặt: Xây dựng thành công quy trình công nghệ; đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường sản xuất được thực phẩm chức năng có lợi thế vượt trội so với sản phẩm nhập ngoại; giải quyết được vấn đề việc làm cho lao động; tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước đồng thời giải quyết được bài toán môi trường nhờ tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp”.
Các sản phẩm của dự án đều đạt các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế. Đồng thời dự án đã xây dựng hồ sơ đăng ký giải pháp hữu ích, đã được Cục sở hữu trí tuệ chấp nhận.
Từ dự án đến sản phẩm thương mại
Ngay sau khi tách chiết thành công arabinoxylan từ cám gạo, dự án đã thực hiện xây dựng quy trình công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng chứa arabinoxylan kết hợp với bào tử Bacillus subtilis lợi khuẩn. Kết quả đã sản xuất thành công 3 loại thực phẩm chức năng gồm: Immunobran dạng viên nang, Sppbio Immunobran và Sppbio Immunobran kids dạng bột. 
Ông Nguyễn Hòa Anh, Tổng giám đốc công ty Anabio R&D (Áo xanh) giới thiệu về quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm
TS. Nguyễn Hòa Anh, Tổng giám đốc công ty Anabio R&D, đơn vị phối hợp sản xuất sản phẩm cho biết “Tổng kinh phí thực hiện dự án là 6.7 tỷ đồng trong đó 4.7 tỷ là do công ty đối ứng phục vụ mua sắm trang thiết bị. 03 loại thực phẩm chức năng sản xuất thành công, hoàn thiện mẫu mã đã được gửi đi các đơn vị độc lập gồm Viện Dinh Dưỡng Quốc gia và Trung tâm kiểm định Vinacert để đánh giá chất lượng và được đánh giá cao”. 
Anabio R&D đã tổ chức quảng bá các sản phẩm qua các kênh gồm facebook, website, bước đầu nhận được sự phản hồi tốt của người tiêu dùng.
Sản phẩm tham dự hội chợ, triển lãm được người tiêu dùng đón nhận
Bên cạnh đó, dự án đã ký Hợp đồng phân phối, quảng bá và và tiêu thụ sản phẩm với một số công ty Dược như: với Công ty CP Europharma; Công ty Phoennik, Công ty Thiên Phú, Công ty Thống Nhất. Hiện nay, cả 3 loại thực phẩm chức năng do dự án sản xuất đã được bày bán rộng rãi qua các kênh phân phối gồm bệnh viện và các nhà thuốc. 
Bà Nguyễn Thị Hoàng Mai, Phó Giám đốc Công ty CP Europharma cho biết thêm “Các sản phẩm đều có hình thức đẹp, thông tin ghi trên bao bì dễ hiểu và rõ ràng. Bước đầu chúng tôi đã nhận được sự phản hồi rất tốt từ khách hàng về tác dụng của Immunobran  và Sppbio Immunobran góp phần cải thiện sức khỏe, giảm mệt mỏi và kích thích ăn ngon của bệnh nhân sau phẫu thuật, hóa trị. Đối với sản phẩm Sppbio Immunobran kids có tác dụng rõ rệt trong việc kích thích ăn ngon, tiêu hóa tốt ở trẻ. Thời gian tới công ty sẽ đẩy mạnh triển khai và phân phối đế sản phẩm đến được nhiều người tiêu dùng hơn nữa”.
Theo tính toán, giá bán như hiện nay dự án có thể thu hồi vốn cho chủ đầu tư trong khoảng thời gian chưa tới 3 năm. Sau 2 năm thực hiện, dự án có thể phát huy 100% công suất và sau 10 năm công nghệ, dây chuyển thiết bị vẫn còn giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp. 
Ông Nguyễn Trường Sơn, Vụ Khoa học và công nghệ, Bộ Công Thương đánh giá “Đây là một trong những dự án khá thành công trong khuôn khổ nhiệm vụ thuộc Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương quản lý. Dự án mở ra hướng nghiên cứu và phát triển mới cho các công ty dược trong nước trong việc phát triển thực phẩm chức năng từ nguồn nguyên liệu trong nước góp phần hỗ trợ công tác điều trị”.
Với giá thành phù hợp, chủ động nguồn cung trong nước, các sản phẩm của dự án được dự báo sẽ nhận được sự quan tâm của người sử dụng và bác sĩ điều trị trong thời gian tới.
Thông tin dự án
Tên dự án: Sản xuất thực phẩm chức năng có arabinoxytan từ cám gạo
Thuộc: thuộc Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 14/2007/QĐ-TTg ngày 25  tháng  01 năm 2007. 
Đơn vị thực hiện: Đại học Khoa học Tự nhiên
Chủ nhiệm dự án: PGS. TS Nguyễn Thị Vân Anh
Kinh phí thực hiện: 6.7 tỷ đồng trong đó 4.7 tỷ đồng từ nguồn đối ứng của doanh nghiệp.


Vụ Khoa học và công nghệ
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 3
  • 8
  • 6
  • 1
  • 7
  • 5
lên đầu trang