Thứ hai, 14/10/2024 | 14:19

Thứ hai, 14/10/2024 | 14:19

Tin Đề án

Cập nhật 08:52 ngày 19/12/2023

Tuyển chọn giống đậu tương có năng suất và hàm lượng dầu cao phù hợp với điều kiện sản xuất vùng đồng bằng sông Cửu Long

Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã tuyển chọn được giống đậu tương mới có năng suất và hàm lượng dầu cao, góp phần tăng kinh tế cho người dân canh tác tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Với hàm lượng dinh dưỡng cao, cây đậu tương là một trong số những loại cây chiến lược của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Tại Đồng bằng Sông Cửu Long, giống cây này được nhiều hộ dân lựa chọn để trồng xen canh hoặc sử dụng trong mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất chuyên canh cây trồng cạn và đất lúa kém hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, do một số nguyên nhân như thời tiết thất thường, sâu bệnh hại, giống bị thoái hóa đã khiến diện tích trồng đậu tương giảm mạnh mặc dù nhu cầu sử dụng đang gia tăng đáng kể.
Diện tích đậu tương tại Việt Nam giảm rõ rệt trong vài năm trở lại đây (Ảnh: vista)
Từ thực tế trên, Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu đã đề xuất và được Bộ Công Thương phê duyệt thực hiện đề tài: “Tuyển chọn giống đậu tương có năng suất và hàm lượng dầu cao phù hợp với điều kiện sản xuất vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Đề tài do KS Trần Ngọc Thông làm chủ nhiệm với mục tiêu chính nhằm chọn được một giống đậu tương triển vọng, giúp nông dân tại đây có nguồn giống tốt và phù hợp với điều kiện vùng, nâng cao năng suất và chất lượng giá trị cây đậu tương.
Đề tài được thực hiện tại 3 tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp với việc thực hiện các nội dung: So sánh sơ bộ các giống đậu tương triển vọng; Khảo nghiệm cơ bản các giống đậu tương triển vọng; Khảo nghiệm sản xuất các giống đậu tương triển vọng; Khảo nghiệm DUS giống đậu tương triển vọng; Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật canh tác cho giống đậu tương triển vọng; Xây dựng mô hình thâm canh giống đậu tương triển vọng; Tự công bố lưu hành giống đậu tương.
Mô hình trồng thâm canh tuyển chọn giống đậu tương triển vọng tại Đồng bằng Sông Cửu Long (Ảnh: vjst)
Sau quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả nhận thấy giống đậu tương VDT7 là giống triển vọng có khả năng thích nghi trên nhiều loại đất, thời vụ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. VDT7 có thời gian sinh trưởng ngắn (82-90 ngày), số quả/cây cao (67,9-85,8 quả), khối lượng 1000 hạt khá cao (151,7-158,8g), năng suất cao (2,73-3,93 tấn/ha), hàm lượng dầu (20,49-21,18%), hàm lượng protein 33,9%, giống có khả năng chống đổ ngã và tách hạt, phù hợp cho ngành công nghiệp dầu và chế biến thực phẩm.
Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đã xây dựng 3 mô hình sản xuất giống đậu tương VDT7 cho năng suất cao, hiệu quả kinh tế và phù hợp với điều kiện nông hộ. Lợi nhuận đạt được từ mô hình VDT7 từ 17.051.000 - 25.712.000 đồng/ha/vụ, cao hơn mô hình đối chứng MTĐ176 từ 11.680.000 - 17.340.000 đồng/ha/vu.̣
Các chế phẩm từ đậu tương (đậu nành) luôn nhận được sự tin dùng người nhiều người (Ảnh: Báo tuổi trẻ)
Từ những kết quả thu được, giống đậu tương VDT7 của Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã được Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận công bố lưu hành tại Thông báo số 1450/TB-TT-VPNN ngày 01 tháng 12 năm 2020. Qua đó, chính thức cho phép lưu hành trong sản xuất tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long giống đậu tương VDT7, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân canh tác giống cây trồng này.
Có thể thấy, với quy trình canh tác giống đậu tương VDT7 đơn giản, dễ áp dụng và giảm ô nhiễm môi trường do sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, phù hợp với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, việc bổ sung giống VDT7 vào bộ giống đậu tương quốc gia và sử dụng rộng rãi trong sản xuất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng có điều kiện tương tự, sẽ góp phần cải thiện năng suất, hàm lượng dầu, và gai tăng hiệu quả kinh tế của cây đậu tương.
Diện tích đậu tương tại Việt Nam hiện đang giảm mạnh trong những năm gần đây. Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, diện tích đậu tương năm 2019 đạt 4 nghìn ha, sản lượng 75,9 nghìn tấn, giảm 3,8 nghìn ha và 4,9 nghìn tấn so với năm 2018.
Diện tích đậu tương giảm xuất phát từ một số nguyên nhân như: giá trong nước quá cao so với nhập khẩu và sự cạnh tranh về hiệu quả kinh tế của cây trồng khác sản xuất trong nước khó khăn; do thời tiết thất thường; sâu bệnh hại; giống bị thoái hóa và lai tạp các giống mới có năng suất cao và phẩm chất tốt chưa được phổ biến rộng rãi.
Minh Khuê
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 3
  • 1
  • 1
  • 7
  • 1
  • 2
  • 2
lên đầu trang