Thứ năm, 28/03/2024 | 22:07

Thứ năm, 28/03/2024 | 22:07

Tin Đề án

Cập nhật 10:36 ngày 29/09/2020

Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến: Tìm được tiếng nói chung giữa 4 nhà

Việt Nam là một nước nông nghiệp với đa dạng các loại sản phẩm nông lâm nghiệp và thuỷ sản nhưng giá trị sản phẩm rất thấp do chưa được chế biến sâu, nghiên cứu khoa học của các viện trường vẫn chưa tìm được tiếng nói chung với yêu cầu thực tiễn ứng dụng của cuộc sống. Bài toán được mùa mất giá, sản xuất nhỏ lẻ manh mún vẫn hiện hữu đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là vùng nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện trong các năm qua với các nhiệm vụ khoa học nhằm tạo nên các sản phẩm theo chuỗi từ nghiên cứu ở phòng thí nghiệm đến khi có sản phẩm hàng hóa và lưu thông trên thị trường, đồng thời cũng là cầu nối giữa khoa học nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng, bước đầu tạo nên chuỗi kinh tế tuần hoàn. Các nhiệm vụ khoa học của Đề án đã giúp tìm được tiếng nói chung giữa bốn nhà: nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông.
Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến: Tìm được tiếng nói chung giữa 4 nhà
Đa dạng nguồn lợi thuỷ hải sản nhờ CNSH
Nguồn lợi về sứa biển ở Việt Nam rất dồi dào, tập trung nhiều tại vùng ven biển phía Bắc, tuy nhiên hiện nay sứa biển vẫn chủ yếu được khai thác và chế biến thủ công truyền thống, giá trị kinh tế thấp. Triển vọng thành công của đề tài: "Nghiên cứu công nghệ ứng dụng enzyme trong sản xuất collagen từ nguồn lợi sứa biển Việt Nam" của Viện Tài nguyên môi trường biển - Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam sẽ mang lại lợi ích rất lớn. 
PGS.TS Trần Đình Lân - Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển cho biết "sứa trước đây không phải là sản phẩm có giá trị kinh tế nên thường bỏ đi, do đó việc ứng dụng enzyme trong sản xuất collagen từ nguồn lợi sứa biển ứng dụng cho y học, chăm sóc sức khoẻ, mỹ phẩm ... sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm."
Sứa là loài động vật biển cấp thấp có cấu tạo hoá học đơn giản từ nước và protein, trong đó 60% protein trong cơ thể sứa là collagen. Đề tài đã xây dựng quy trình công nghệ tách chiết collagen từ sứa biển ứng dụng enzyme, khác với các công nghệ chiết xuất collagen theo phương pháp hoá học truyền thống trước đây vì vậy tạo ra hiệu suất cao, tăng chất lượng collagen, giảm thời gian tách chiết và giảm ô nhiễm môi trường. Những ưu điểm này là sức hút, huy động được các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất. 
TS Đặng Tất Thành - Chuyên viên chính Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương nhận định rằng ''việc đưa sản phẩm chức năng collagen từ sứa biển phẩm ở quy mô công nghiệp lớn tại Việt Nam là rất khả thi. Đây là sân chơi lớn nhằm khẳng định vai trò của khoa học công nghệ và đấy mạnh giá trị gia tăng cho nguồn nguyên liệu của Việt Nam trong thời gian tới".
Việt Nam có diện tích mặt biển gấp 3 lần diện tích đất liền, với đa dạng nguồn lợi thuỷ hải sản đã đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước, qua kết quả nghiên cứu của đề tài cũng cho thấy, nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực này còn tiềm tàng với dư địa rất lớn để khai thác nguồn tài nguyên giàu có từ biển Việt Nam.
Sản phẩm, thực phẩm chức năng collagen từ sứa biển
Nghiên cứu quy trình từ phòng thí nghiệm đến khi tạo ra các sản phẩm có chất lượng, nâng cao giá trị nông lâm ngư nghiệp, phục vụ nhu cầu cuộc sống là định hướng chung của các nhiệm vụ khoa học trong Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, do vậy cùng với các luận cứ khoa học chắc chắn, đề tài đã được Bộ Công  thương phê duyệt và là một trong 148 nhiệm vụ khoa học quan trọng trong công nghiệp chế biến giai đoạn vừa qua. 
Nâng cao giá trị nông sản
Trong khi đó nhiệm vụ khoa học công nghệ "Hoàn thiện quy trình công nghệ kiểm soát hoạt tính sinh học của hệ enzym trong quá trình lên men chè đen và thử nghiệm ứng dụng kiểm soát tự động quá trình lên men trên quy mô sản xuất bán công nghiệp" lại rất khó khăn cho Bộ Công Thương khi quyết định phê duyệt, bởi đây là dự án kết hợp giữa công nghệ sinh học và công nghệ tự động hoá. Tuy nhiên, những hiệu quả sau 1 năm thử nghiệm cho thấy đó là sự lựa chọn hợp lý, mang lại sự thay đổi đột phá cho Công ty Cổ phần Chè Sông Lô, đơn vị tiếp nhận công nghệ, sản xuất sản phẩm.
Ông Ngô Đức Tú - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Sông Lô cho biết "Từ khi triển khai thực hiện dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, cụ thể: nhân công giảm đến 70%, điện năng tiêu thụ giảm 30%, đặc biệt chất lượng sản phẩm được nâng lên với độ đồng đều đạt 95% góp phần tạo uy tín với khách hàng, nâng cao năng suất".
Ông Ngô Đức Tú – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chè Sông Lô 
Với việc áp dụng hệ thống mới, tỷ trọng chè đen xuất khẩu toàn nhà máy trước đây chiếm 40% thì nay chiếm đến 80%. 6 tháng đầu năm mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch covid 19 nhưng sản lượng chè xuất khẩu đạt 1.700 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ.
Công ty Cổ phần Chè Sông Lô là một trong nhiều đơn vị được Liên Xô đầu tư máy móc cách đây gần 50 năm theo phương pháp OTD (Ô - Thu - Đốc). Trước đây quá trình lên men chè là thủ công, gián đoạn, dựa vào kinh nghiệm của công nhân để điều chỉnh quá trình lên men. Dự án đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng hệ thống công nghệ tự động kiểm soát hoạt tính của enzyme trong quá trình lên men chè theo nhiệt độ, độ ẩm và màu chè, do đó đã tạo ra sản phẩm chè đen hoàn toàn đồng đều. 
ThS. Phạm Thanh Bình - Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, Chủ nhiệm dự án cho biết "Trước đây quá trình lên men chè được làm thủ công và gián đoạn, những  từ khi đưa vào sử dụng hệ thống đã tính toán và kiểm soát quá trình lên men tự động. Đảm bảo nhiệt độ trong quá trình lên men 20-25, độ ẩm không khí 95-98%."
Theo khảo sát của dự án thì hiện trên cả nước có 81 nhà máy chè đen OTD đều vẫn đang sử dụng phương pháp lên men thủ công, kết quả của dự án có thể ứng dụng trên tất cả các dự án này để giải quyết những khó khăn của nhà máy chè đen hiện nay, góp phần nâng cao sản lượng xuất khẩu chè đen trên cả nước. 
Sản phẩm chè đen của Công ty cổ phần  Chè Sông Lô ngày càng được người tiêu dùng trong nước và quốc tế đón nhận.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, những nhiệm vụ của Đề án đã kết hợp được nhóm có thế mạnh về nghiên cứu với nhóm có thế mạnh về sản xuất và tìm được tiếng nói chung từ phía cơ quan nhà nước, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp nhằm phục vụ chính đời sống của người dân. 
"Đơn vị quản lý về khoa học công nghệ luôn sẵn sàng hỗ trợ cơ chế chính sách để các nhà khoa học triển khai nghiên cứu, doanh nghiệp có thể tiếp nhận được nghiên cứu và triển khai với điều kiện thuận lợi nhất để người cuối cùng được hưởng lợi là người tiêu dùng trong nước", TS. Đặng Tất Thành, chuyên viên chính Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết.
Việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu sẽ giải quyết bài toán thị trường đầu ra cho nông lâm thuỷ sản, nâng cao giá trị sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đồng thời người dân được sử dụng sản phẩm chất lượng cao và có giá thành cạnh tranh. 
Mai Anh ghi
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 3
  • 8
  • 0
  • 0
  • 3
  • 7
lên đầu trang