Thứ bảy, 27/07/2024 | 14:18

Thứ bảy, 27/07/2024 | 14:18

Tin Đề án

Cập nhật 10:35 ngày 06/06/2024

Đa dạng hóa chế phẩm từ thanh long, giải tỏa sức ép tiêu thụ

Việc tăng cường đầu tư vào nghiên cứu các công nghệ chế biến sau thu hoạch, đa dạng hóa sản phẩm từ thanh long là giải pháp cần thiết để giải tỏa sức ép tiêu thụ trái tươi, cũng như phát triển bền vững cây thanh long.
Tại Việt Nam, thanh long được trồng ở 32 tỉnh thành, nhưng chủ yếu ở các tỉnh, thành phố như: Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai. Do dễ trồng và đem lại lợi nhuận cao nên nhiều nhà vườn cũng bắt đầu chuyển sang trồng loại cây này. Vì thế diện tích trồng thanh long trên cả nước cũng tăng lên đáng kể, năm 2013 diện tích trồng thanh long cả nước là 28.700 ha đến năm 2023 diện tích trồng thanh long đã trên 55.000 ha.
Việc đẩy mạnh sản xuất vụ nghịch, đã giúp thanh long Việt Nam có thể cho thu hoạch quanh năm. Vụ thuận từ tháng 4 đến tháng 9, vụ nghịch từ tháng 10 đến tháng 2 – 3 năm sau. Đây là lợi thế cạnh tranh của xuất khẩu thanh long Việt Nam. Giá trị xuất khẩu thanh long Việt Nam liên tục tăng từ 57,15 triệu USD năm 2010 lên đến trên 100 triệu USD năm 2011 và vượt mốc 1 tỷ USD từ năm 2017 đến năm 2020. Đồng thời, thanh long là sản phẩm chiếm tỷ trọng chủ yếu, trên 30% giá trị xuất khẩu của ngành rau quả liên tục trong giai đoạn từ năm 2015 – 2020.
Thanh long được xem là loại trái cây lạ, quý ở không ít thị trường trên thế giới. Ngoài thị trường chính là Trung Quốc, thanh long Việt Nam đã xuất khẩu đến các nước Ấn Độ, Mỹ, Canada, EU, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Hiện trên thế giới, tổng diện tích thanh long ước đạt 140.000 – 145.000ha. Trong đó, tại Châu Á diện tích thanh long tập trung chủ yếu tại Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Đài Loan, Malaysia… Ngoài ra, khu vực Trung Đông có Israel; khu vực châu Mỹ có Ecuador, Nicaragua, Mexico, Colombia.
Trong một thời gian khá dài, Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về diện tích, sản lượng thu hoạch và xuất khẩu. Nhiều năm liền thanh long nằm trong nhóm ngành hàng đem về tỷ đô cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, do diện tích trồng thanh long của Trung Quốc tăng “thần tốc” từ 3.400ha năm 2011 lên đến 67.000ha vào năm 2021 (sản lượng đạt 1,6 triệu tấn), vượt qua Việt Nam. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu thanh long Việt Nam dần mất ưu thế tại Trung Quốc.
Trước bối cảnh nhiều quốc gia mở rộng diện tích dẫn đến sản lượng thanh long tăng, để tránh tình trạng cung vượt cầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương không gia tăng diện tích thanh long, nhất là tại các vùng đất đai, tưới tiêu không phù hợp, không có điều kiện đầu tư thâm canh. Ngoài ra, tăng cường đầu tư vào nghiên cứu các công nghệ chế biến sau thu hoạch, đa dạng hóa sản phẩm từ thanh long nhằm giải tỏa sức ép tiêu thụ trái tươi, cũng như phát triển bền vững cây thanh long.
Đa dạng hoá chế phẩm từ thanh long
So với quả thanh long ruột trắng thì quả thanh long đỏ có vẻ ngoài hấp dẫn hơn, thành phần dinh dưỡng cao cũng cao gấp đôi. Phần thịt quả thanh long màu đỏ nổi bật nhờ chất tạo màu chính là betacyanin. Betacyanin có khả năng chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ tế bào khỏi sự tổn thương của gốc tự do. Phần thịt quả thanh long ruột đỏ chủ yếu là nước, hàm lượng chất xơ chiếm tỷ lệ cao, không những vậy còn có các chất vi lượng rất cần thiết cho cơ thể như Vitamin C, Vitamin nhóm B, sắt, canxi, kali , nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Nhằm góp phần đa dạng hóa các sản phẩm sau chế biến, nâng cao giá trị trái thanh long nói chung và thanh long ruột đỏ nói riêng, ThS Nguyễn Hoàng Phi cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghiệp thực phẩm đã đề xuất và được Bộ Công Thương phê duyệt thực hiện đề tài ‘‘Nghiên cứu công nghệ chế biến một số sản phẩm từ quả Thanh Long ruột đỏ (siro, mứt nhuyễn) phục vụ sản xuất kem, sữa chua“. Bởi lẽ các dạng sản phẩm dạng siro và mứt nhuyễn từ trái cây là những sản phẩm thực phẩm có nhiều ứng dụng đang được ưa chuộng trên thị trường. Đây là loại sản phẩm được sản xuất từ quả nguyên chất hay dịch quả tự nhiên nguyên chất hiện rất được người tiêu dùng ưu thích do giá trị dinh dưỡng cao và rất tốt cho sức khỏe. 
Các sản phẩm của đề tài 
Sau hơn một năm nghiên cứu và thử nghiệm (9/2022-12/2023), đề tài đã thu được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, đã xây dựng được quy trình sản xuất siro thanh long quy mô 50kg nguyên liệu/ mẻ. Sản phẩm mứt nhuyễn và siro thanh long ruột đỏ được ứng dụng trong sản xuất sữa chua tại Công ty cổ phần sữa Ba Vì và sản xuất kem tại Công ty Kem Goofoo. Các sản phẩm bước đầu được đánh giá cảm quản hấp dẫn người tiêu dùng và làm đa dạng sản phẩm thực phẩm.
Chia sẻ về hiệu quả kinh tế của sản phẩm, chủ nhiệm đề tài ThS Nguyễn Hoàng Phi cho biết “Theo tính toán, để sản xuất ra một chai siro thanh long 500ml sẽ tốn khoảng 43.090 vnd, giá bán 1 chai sản phẩm là 55.000 vnd. Do đó, mỗi chai sản phẩm bán ra sẽ thu được lợi nhuận 11.010 vnd. Còn để sản xuất 1 chai mứt nhuyễn thanh long sẽ cần chi phí là 29.650 vnd, giá bán là 40.000 vnd, vậy lãi cho mỗi chai sẽ đạt 10.30 vnd.”
Xét về hiệu quả xã hội, đề tài bước đầu ứng dụng tại các doanh nghiệp chế biến thực phẩm làm phong phú thêm các sản phẩm từ quả thanh long ruột đỏ. Đồng thời nâng cao được giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Đề tài đã tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào trong nước để sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng tốt và giá thành hợp lý, có khả năng ứng dụng và cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường khu vực, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm thanh long, hướng tới khắc phục tình trạng dư thừa trái thanh long khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn.
Tuệ Lâm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 1
  • 5
  • 6
  • 3
  • 8
  • 1
  • 9
lên đầu trang