Thứ sáu, 26/04/2024 | 04:19

Thứ sáu, 26/04/2024 | 04:19

Tin Đề án

Cập nhật 10:50 ngày 15/06/2020

Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất TPCN từ nấm Vân chi

Nấm Vân chi (Trametes vercsicolor) là loại nấm dược liệu đã được nghiên cứu và ứng dụng từ lâu trong dược phẩm với các tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư.
Các hoạt chất của nấm Vân chi chủ yếu bao gồm polysaccharide peptid (PSP) và polysaccharide krestin (PSK). Đây là các polysaccharo-peptid được chiết xuất từ sợi nấm Vân chi. PSP và PSK được xếp vào loại các chất gây đáp ứng sinh học, qua đó tăng cường hệ miễn dịch và ức chế các tế bào ung thư.
Nấm Vân chi
Nhằm khai thác các đặc tính sinh học đáng quý của nấm Vân chi, trong khuôn khổ Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, Bộ Công Thương đã giao Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ lên men sản xuất polysaccharopeptide PSK và PSP từ nấm Vân Chi (Tramestes versicolor) ứng dụng sản xuất thực phẩm chức năng”. Đề tài do TS. Phạm Tuấn Anh làm chủ nhiệm, được triển khai từ tháng 1/2019 đến tháng 12/2020.
Chiều ngày 11 tháng 6, đoàn công tác do Bộ Công Thương dẫn đầu đã thực hiện kiểm tra định kỳ nhiệm vụ khoa học công nghệ kể trên. Tham dự buổi kiểm tra có đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, Phòng Kế toán (Bộ Công Thương), tổ chuyên gia cùng đại diện lãnh đạo đơn vị chủ trì và nhóm thực hiện đề tài. 
Kiểm tra định kỳ nhiệm vụ KHCN do Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm thực hiện
Báo cáo tại buổi kiểm tra, TS. Phạm Tuấn Anh - Chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, nhóm nghiên cứu đã thực hiện tuyển chọn chủng nấm Vân chi cho khả năng sinh tổng hợp PSP, PSK cao trên môi trường lỏng, từ đó nghiên cứu công nghệ lên men sản xuất PSK, PSP quy mô phòng thí nghiệm. Sau đó, nhóm tiến hành nghiên cứu thu nhận PSK, PSP quy mô phòng thí nghiệm trước khi nghiên cứu quá trình nâng cấp quy mô lên men từ phòng thí nghiệm lên quy mô pilot. Kết quả, nhóm đã hoàn thành mô hình hoá hệ số chuyển khối oxi (Kla) của thiết bị lên men 2L, 10L, 100L và xác định thông số vận hành của thiết bị lên men 10 L để sinh tổng hợp PSK, PSP trong môi trường lỏng từ thông số của lên men 2L, 10L.
"Chúng tôi đã tiến hành xây dựng tiêu chuẩn cơ sở chế phẩm hoạt tính PSP-PSK và xây dựng tiêu chuẩn cơ sở thực phẩm chức năng viên nang chứa chế phẩm hoạt tính PSP - PSK. Mỗi viên nang có khối lượng 400 mg, chứa 100 mg PSP - PSK trong đó hàm lượng PSK > 30 mg", TS. Phạm Tuấn Anh cho biết thêm.
 
TS. Phạm Tuấn Anh - Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Cũng nhân dịp này, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã trao tặng Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm bộ sản phẩm Cẩm nang công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến (gồm 02 cuốn về công nghệ vi sinh vật và công nghệ enzyme) và sổ tay sản phẩm công nghệ sinh học tiêu biểu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến.
Trao tặng bộ Cẩm nang công nghệ sinh học và Sổ tay sản phẩm công nghệ sinh học tiêu biểu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến cho Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm
2 cuốn cẩm nang công nghệ sinh học trình bày một cách cô đọng hơn 200 quy trình công nghệ được nghiên cứu và ứng dụng với hơn 50 sản phẩm được nghiên cứu và ứng dụng sản xuất, kinh doanh trong khuôn khổ Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020. 
Vụ Khoa học và Công nghệ

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 6
  • 2
  • 6
  • 2
  • 5
lên đầu trang