Thứ bảy, 27/04/2024 | 13:57

Thứ bảy, 27/04/2024 | 13:57

An toàn thực phẩm

Cập nhật 08:20 ngày 08/01/2024

Hà Nội ban hành Kế hoạch về Công tác an toàn thực phẩm năm 2024

Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 319/KH-UBND về Công tác an toàn thực phẩm năm 2024 (Kế hoạch). Kế hoạch đã nêu ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm mới cũng như cách thức triển khai để vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn thành phố được bảo đảm. 
Kế hoạch được ban hành nhằm mục tiêu nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ thành phố tới xã, phường, thị trấn; nâng cao kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm của người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm và phát hiện, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ, giám sát chất lượng các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường, kịp thời cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không an toàn vào Hà Nội…
Vấn đề bảo đảm ATTP luôn được chính quyền và người dân quan quan tâm
Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, UBND thành phố Hà Nội để xuất 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính. Thứ nhất là về công tác chỉ đạo và tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về ATTP. Trong đó, năm 2024 sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới… Đẩy mạnh phong trào thi đua về ATTP, phối hợp vận động giám sát ATTP giữa UBND Thành phố và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội. Xây dựng văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện đến từng đơn vị, đưa các tiêu chí về ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án, mô hình điểm về ATTP có hiệu quả.
Thứ hai là về công tác thông tin, giáo dục truyền thông ATTP. Trong đó, ưu tiên đổi mới và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền về thực trạng công tác ATTP trên địa bàn Thành phố và kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây mất ATTP tới các đối tượng đích là người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người dân. Tuyên truyền tấm gương điển hình của các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân làm tốt công tác đảm bảo ATTP, biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn đồng thời có hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.
Thứ ba là về công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm, hậu kiểm, giám sát chất lượng ATTP. Theo Kế hoạch, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm và kịp thời xử lý các thông tin phản ánh mất ATTP. Bên cạnh đó, chủ động tổ chức giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường và các vùng sản xuất trên địa bàn Thành phố, cảnh báo nguy cơ, truy 3 xuất nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo an toàn…
Thứ tư là về công tác xây dựng các chương trình, đề án, dự án, mô hình điểm, chuyên đề về ATTP Tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, dự án, mô hình điểm, chuyên đề về ATTP đã được phê duyệt, đề xuất nhân rộng các hoạt động đã triển khai và được đánh giá có hiệu quả đồng thời chủ động nghiên cứu xây dựng các hoạt động mới về ATTP đảm bảo thiết thực và phù hợp với thực trạng công tác ATTP trên địa bàn Thành phố.
Thứ năm là kiểm soát, xử lý các sự cố, nguy cơ gây mất ATTP Chủ động kiểm soát, tiếp nhận và xử lý kịp thời các sự cố, nguy cơ gây mất ATTP trên địa bàn Thành phố, hạn chế thấp nhất các thiệt hại do sự cố về ATTP xảy ra.
Thứ sáu là đảm bảo kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ công tác ATTP Đầu tư kinh phí địa phương, bố trí nhân lực phù hợp, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, hóa chất, phương tiện phục vụ công tác ATTP đảm bảo hiệu quả.
Thứ bảy là thực hiện các thủ tục hành chính về ATTP Thực hiện các thủ tục hành chính về ATTP, tiếp nhận tự công bố sản phẩm theo thẩm quyền, xác nhận/tiếp nhận bản cam kết bảo đảm ATTP, tiếp nhận bản sao Giấy chứng nhận áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng có xác nhận của cơ sở, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, phần mềm tích hợp số liệu, hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về ATTP.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra khu vực bếp của một khách sạn trên địa bàn quận Đống Đa. (Ảnh: hanoimoi.vn/)
Cũng theo Kế hoạch, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Y tế Hà Nội là cơ quan đầu mối, thường trực Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm của thành phố. Trong đó, duy trì và phát triển các mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực: dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp…
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm thực phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn. Đẩy mạnh phát triển mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Tổ chức công tác giám sát diện rộng, đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn Hà Nội.
Về phía Sở Công Thương, Công an thành phố và Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất các tổ chức, cá nhân sản xuất, lưu thông, phân phối thực phẩm. Riêng với Sở Công Thương, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tổ chức các chương trình, sự kiện nhằm xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm an toàn, có nhãn hiệu, thương hiệu, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thực phẩm bảo đảm an toàn. Ứng dụng công nghệ cao truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đặc sản vùng miền vào hệ thống phân phối của Hà Nội để phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.
Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Giáo dục và đào tạo phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong bảo đảm an toàn thực phẩm trường học; kiên quyết không để cơ sở không đủ điều kiện được cung ứng dịch vụ ăn uống cho các trường học; UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố Hà Nội về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa phương. Cùng với đó, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm quận, huyện, thị xã. Các địa phương cần bố trí đủ nguồn lực, nhân lực và ngân sách cho các cơ quan chuyên môn để thực hiện việc quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; bố trí kinh phí mua test xét nghiệm nhanh để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm.
Xem chi tiết TẠI ĐÂY
Mỹ Anh
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 7
  • 5
  • 0
  • 1
  • 2
lên đầu trang