Thứ hai, 29/04/2024 | 14:32

Thứ hai, 29/04/2024 | 14:32

An toàn thực phẩm

Cập nhật 11:13 ngày 04/01/2019

Ngành Công Thương Bắc Giang: Thêm chức năng, tăng hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm

Trong bối cảnh gia tăng tình trạng mất an toàn thực phẩm (ATTP), công tác quản lý đòi hỏi phải đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả hơn. Theo quy định mới, từ đầu năm 2019, ngành Công Thương Bắc Giang có thêm một số chức năng quản lý nhà nước về ATTP. Để thực hiện, ngành đang triển khai các bước chuẩn bị.
Nhức nhối thực phẩm bẩn
Theo số liệu thống kê mới nhất, tổng số cơ sở thực phẩm thuộc ngành Công Thương đang quản lý là 9.979 đơn vị, trong đó 4.383 cơ sở sản xuất thực phẩm, 5.596 cơ sở kinh doanh thực phẩm. Toàn tỉnh cả năm chỉ phát hiện một vụ ngộ độc thực phẩm tập thể liên quan đến 46 công nhân của Công ty TNHH EMW Việt Nam (khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên) ngày 23-9-2018. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, trong các mẫu thức ăn phát hiện có vi khuẩn E.coli và vi khuẩn Tụ cầu vàng vượt quá giới hạn cho phép. Đây có lẽ chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” vì nhiều vụ việc không được phát hiện kịp thời, thậm chí có nơi còn giấu giếm, nhất là những vụ ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ.

Hợp tác xã Bún bánh sạch Thắng Thủy, phường Đa Mai (TP Bắc Giang) tuân thủ nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm.
Ngày 16-12 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 8 huyện Lạng Giang phát hiện đối tượng Đ.T.H ở thị trấn Kép nhập lậu 250 kg mỳ chính giả, đang tìm cách tiêu thụ ở thị trường trong nước. Cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính đối tượng H số tiền 4,5 triệu đồng, đồng thời tiêu hủy hoàn toàn tang vật. Đây là số ít những vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm được phát hiện và xử lý dịp cuối năm.
Theo Sở Y tế, trong năm nay, ngành đã thanh tra, kiểm tra 3.191 lượt cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, phát hiện 677 cơ sở có vi phạm về ATTP, xử phạt 57 cơ sở thực phẩm với số tiền hơn 155 triệu đồng.
Không khó để nhận biết những cơ sở vi phạm, ví như các điểm bán thực phẩm đường phố ở TP Bắc Giang và ở các thị trấn, điểm đông dân cư. Họ công khai chế biến và buôn bán thực phẩm ngay trên hè phố giữa bụi đường, khói xe, không hề có biện pháp bảo đảm vệ sinh.
Cũng theo rà soát của Cục Quản lý thị trường tỉnh, tính đến cuối năm 2018, Cục đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường các huyện, TP phối hợp với các ngành có liên quan tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử lý 340 vụ việc vi phạm về ATTP, xử phạt vi phạm hành chính gần 500 triệu đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy ước khoảng 244 triệu đồng.
Nỗ lực kiểm soát
Cùng các cán bộ Sở Công Thương đến Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Dũng Tiến (cụm công nghiệp Thọ Xương, TP Bắc Giang) kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh ATTP, bà Ngô Thị Ninh, Giám đốc Công ty cho biết, đơn vị chuyên kinh doanh các mặt hàng công nghệ thực phẩm, tiêu dùng với doanh thu khoảng 500 tỷ đồng/năm. Riêng hàng thực phẩm chế biến sẵn chiếm hơn 70% (thức ăn nhanh, sữa, bánh kẹo...) nên Công ty đặc biệt chú trọng khâu bảo quản. Những sản phẩm cận ngày hết hạn sử dụng đều được lập danh sách, thu gom để đưa về cơ sở sản xuất, kiên quyết không đưa ra thị trường.
Hay như tại Hợp tác xã (HTX) Bún bánh sạch Thắng Thủy, phường Đa Mai (TP Bắc Giang), dù có đến 14 hộ thành viên nhưng sản phẩm luôn bảo đảm đủ tiêu chuẩn lưu thông. Mỗi ngày HTX cung cấp ra thị trường 2-2,5 tấn bún, bánh phở nên việc bảo đảm ATTP luôn được đặc biệt quan tâm. Ông Thân Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã cho rằng: “Sản phẩm an toàn là yêu cầu hàng đầu, do vậy HTX quản lý chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào là gạo, nước đến quy trình sản xuất, bún bánh giao đến tay khách hàng”.
Có được kết quả trên phần quan trọng là do nỗ lực của các ngành như Công Thương, Y tế. Trao đổi với anh Thân Văn Trung, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn - Môi trường (Sở Công Thương) được biết, Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 43/2018/TT-BCT quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của ngành. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019, do vậy hiện nay Sở Công Thương đang nỗ lực triển khai công tác chuẩn bị. Theo Thông tư này, Sở Công Thương cấp tỉnh, TP có quyền trực tiếp cấp giấy chứng nhận hoặc đề xuất UBND tỉnh, TP phân công, phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cấp giấy chứng nhận đối với cơ sở sản xuất các sản phẩm thực phẩm có công suất thiết kế theo quy định. Giấy chứng nhận có hiệu lực trong thời gian 3 năm. Trong trường hợp tiếp tục sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trước 6 tháng tính đến ngày giấy chứng nhận hết hạn, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp hồ sơ xin cấp lại theo quy định. Đồng thời, thực phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không bảo đảm an toàn phải được thu hồi tự nguyện hoặc bắt buộc và được xử lý theo quy định tại Luật ATTP. Cơ quan có thẩm quyền sẽ thu hồi bắt buộc thực phẩm không bảo đảm an toàn và xử lý bằng cách: Khắc phục lỗi ghi nhãn, chuyển mục đích sử dụng, tái xuất, tiêu hủy.
Để thực hiện quy định mới, Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các quy định pháp luật ATTP nhằm nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành cho cán bộ quản lý về ATTP các cấp. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với cán bộ quản lý từ cấp xã, huyện đến tỉnh để tiến hành thanh tra, kiểm tra. Qua đó xây dựng kế hoạch công tác hậu kiểm về ATTP thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn.
Năm 2018, Sở Công Thương tiến hành lấy mẫu và xét nghiệm đánh giá thực phẩm lưu thông trên thị trường 132 mẫu thuộc các nhóm sản phẩm ngành quản lý, tỷ lệ mẫu đạt yêu cầu về giới hạn cho phép đối với vi khuẩn E.coli là 100%; mẫu đạt yêu cầu về giới hạn cho phép với hàm lượng Aldehyd là 25%; mẫu đạt yêu cầu về giới hạn cho phép với hàm lượng methanol là 70%; mẫu đạt yêu cầu về giới hạn cho phép với hàm lượng nấm men, nấm mốc là 76%.
Theo Báo Bắc Giang
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 9
  • 1
  • 9
  • 5
  • 1
lên đầu trang