Thứ sáu, 26/04/2024 | 07:07

Thứ sáu, 26/04/2024 | 07:07

Tin Đề án

Cập nhật 10:50 ngày 15/06/2020

Sản xuất TPCN sử dụng chế phẩm Lactoferrin từ Pichia pastoris tái tổ hợp

Lactoferrin là một glycoprotein gồm 703 axit amin với kích thước khoảng 80 kDa và có độ tương đồng cao ở các loài khác nhau. Đây là một protein đa chức năng có nhiều tác dụng khác nhau nên đã được sử dụng để nghiên cứu thử nghiệm trong y học và các ứng dụng công nghiệp.
Do có nhiều đặc tính có lợi cho con người như duy trì cân bằng sắt, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng viêm,…nên nhu cầu về Lactoferrin ngày càng cao. Trong khi đó, ở nước ta, Lactoferrin và các sản phẩm chứa Lactoferrin hoàn toàn là nhập ngoại.
Lactoferrin có thể thu được bằng cách tách và tinh sạch từ sữa bò hoặc biểu hiện tái tổ hợp.
Xuất phát từ thực trạng đó, năm 2018, PGS. TS Trương Quốc Phong và các cộng sự tại Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã bắt đầu thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất chế phẩm Lactoferrin từ Pichia pastoris tái tổ hợp để sản xuất thực phẩm chức năng”.
“Ở Việt Nam, cho đến nay, hướng nghiên cứu về biểu hiện Lactoferrin tái tổ hợp là rất mới mẻ. Hiện nay, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã và đang tiến hành  các nghiên cứu về tạo chủng Pichia pastoris tái tổ hợp phục vụ sản xuất Lactoferrin. Có thể nói rằng, nhóm nghiên cứu của chúng tôi là nhóm nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam thực hiện tạo chủng Pichia pastoris tái tổ hợp để sản xuất Lactoferrin, phục vụ mục tiêu tạo chế phẩm để sản xuất thực phẩm chức năng”, PGS.TS Trương Quốc phong cho biết.
PGS.TS Trương Quốc Phong - Chủ nhiệm nhiệm vụ
Theo PGS.TS Trương Quốc Phong, mục tiêu của đề tài nhằm xây dựng được quy trình công nghệ, mô hình thiết bị và sản xuất được chế phẩm Lactoferrin từ Pichia pastoris tái tổ hợp quy mô > 100 lít dịch lên men/mẻ, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm theo quy định, đồng thời ứng dụng chế phẩm Lactoferrin từ Pichia pastoris tái tổ hợp để sản xuất thực phẩm chức năng.
Tại thời điểm kiểm tra, nhóm thực hiện đã hoàn thành nghiên cứu quy trình công nghệ tách tinh sạch Lactoferrin từ dịch lên men Pichia pastoris tái tổ hợp. Bên cạnh đó, nghiên cứu đặc tính của Lactoferri tái tổ hợp, quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm Lactoferrin và ứng dụn trong sản xuất thử nghiệm một số sản phẩm thực phẩm chức năng. Đặc biệt, nhóm đã xây dựng được mô hình thiết bị phù hợp với quy trình công nghệ (công suất 100 lít dịch lên men/mẻ).
“Dựa trên quy trình công nghệ và mô hình thiết bị xây dựng được, chúng tôi đã phối hợp với Công ty CP Dược phẩm NOVACO sản xuất 02 sản phẩm thực phẩm chức năng là Viên nang Lactorferrin và Nước uống tăng lực Lactoferrin. Cả hai sản phẩm đều có tác dụng bổ sung một số dưỡng chất cho cơ thể, tăng cường sức đề kháng và nâng cao sức khỏe”, PGST. TS Trương Quốc Phong chia sẻ.
Đối tượng sử dụng sản phẩm của đề tài là trẻ em gầy yếu, suy nhược cơ thể, sức đề kháng kém, trẻ đang trong giai đoạn phát triển, người mới ốm dậy cần bồi bổ sức khỏe.
Chiều ngày 11 tháng 6, đoàn công tác Bộ Công Thương đã kiểm tra định kỳ đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất chế phẩm Lactoferrin từ Pichia pastoris tái tổ hợp để sản xuất thực phẩm chức năng”. Đề tài được thực hiện trong 36 tháng (từ 1/2018 đến 12/2020) trong khuôn khổ Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương quản lý.
Qua kiểm tra, đoàn công tác đánh giá, mặc dù khi thực hiện đề tài bị ảnh hưởng không ít do dịch Covid-19 nhưng nhóm nghiên cứu cơ bản đã hoàn thành đầy đủ các nội dung công việc theo đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Đoàn công tác đề nghị nhóm thực hiện đề tài chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện các hồ sơ, báo cáo theo góp ý của Tổ chuyên gia, đảm bảo các hồ sơ, báo cáo đúng quy định hiện hành.
Đoàn công tác Bộ Công Thương kiểm tra nhiệm vụ KHCN tại Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội chiều ngày 11 tháng 6.
Thay mặt Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, PGS.TS Chu Kỳ Sơn – Viện trưởng cảm ơn đoàn công tác Bộ Công Thương đã dành thời gian kiểm tra các nội dung chuyên môn, đóng góp những ý kiến thẳng thắn, xác đáng cho đề tài. PGS.TS Chu Kỳ Sơn khẳng định nhóm thực hiện đề tài sẽ tiếp thu và chỉnh sửa hoàn thiện hồ sơ đầy đủ, tốt nhất, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn trong năm 2020.
Vụ Khoa học và Công nghệ

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 6
  • 3
  • 4
  • 2
  • 6
lên đầu trang