Thứ năm, 28/03/2024 | 17:19

Thứ năm, 28/03/2024 | 17:19

Tin Đề án

Cập nhật 08:25 ngày 07/03/2020

Bộ Công Thương và Đại sứ quán Anh hợp tác thúc đẩy công nghiệp sinh học

Chiều ngày 5 tháng 3 năm 2020, Bộ Công Thương và Đại sứ quán Anh đã có buổi làm việc về thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ sinh học. 
Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) và ĐSQ Anh chụp ảnh lưu niệm tại buổi làm việc
Tham gia buổi làm việc về phía Bộ Công Thương có ông Nguyễn Việt Tấn, Vụ phó Vụ Khoa học và Công nghệ và các chuyên viên của Vụ Khoa học công nghệ. Về phía đối tác có đại diện Hội đồng nghiên cứu đổi mới sáng tạo và Chương trình Đổi mới sáng tạo, Đại sứ quán Anh.
Thay mặt Bộ Công Thương, ông Nguyễn Việt Tấn gửi lời chào các đại biểu và giới thiệu sơ lược về Đề án Công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì. Đề án được bắt đầu triển khai từ năm 2007. Hiện tại, Bộ Công Thương đang tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả đồng thời lấy ý kiến xây dựng Chương trình giai đoạn đến năm 2030. 
Đề án đã thực hiện 144 nhiệm vụ/dự án, 123 doanh nghiệp đã được hỗ trợ chuyển giao công nghệ
Đại diện Bộ Công Thương  trình bày về kết quả triển khai Đề án
Ông Tấn cho biết, “Trong thời gian tới, Bộ Công Thương định hướng mở rộng các hoạt động hợp tác giữa Bộ, các nhà khoa học, doanh nghiệp với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp sinh học, từ đó thúc đẩy ngành sản xuất, chế biến của Việt Nam, tăng sức cạnh tranh, phát triển ra thị trường nước ngoài.”
Giới thiệu chi tiết Đề án, ông Lê Việt Cường, chuyên viên Vụ Khoa học và công nghệ chia sẻ với đối tác các mục tiêu chính của Đề án bao gồm “thúc đẩy nghiên cứu, tạo ra các công nghệ sinh học tiên tiến trong lĩnh vực công nghiệp chế biến; sản xuất quy mô công nghiệp các hợp chất thiết yếu đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành; tạo ra các sản phẩm chất lượng cao có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học. Từ đó phát triển mạnh ngành công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến Việt Nam, đóng góp 40% tổng số nghiên cứu công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020”.
Hiện Đề án đã được triển khai trên một số lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, trọng tâm là chế biến thực phẩm, hóa dược, chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất hàng tiêu dùng và các lĩnh vực khác như thiết bị, tự động hóa... . Đề án đã thực hiện 144 nhiệm vụ/dự án.. Đồng thời 123 doanh nghiệp đã được hỗ trợ chuyển giao công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 3000 lao động trực tiếp.
Về mặt phát triển nguồn nhân lực, Đề án đã góp phần đào tạo 38 tiến sĩ, 72 thạc sỹ, 70 kỹ sư và cử nhân khoa học phục vụ nhu cầu nhân lực nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thực tế của các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trên cả nước. Thêm vào đó, 2 phòng thí nghiệm, tại Viện Công nghiệp thực phẩm (Hà Nội) và Trường Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm (Phú Thọ) đã được hỗ trợ xây dựng và nâng cấp.
Trong khuôn khổ hoạt động của Đề án, 33 giải pháp sở hữu trí tuệ đã được công nhận, 266 bài báo nghiên cứu trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước được công bố, 7 giải thưởng được trao cho các đề tài xuất sắc.
Với công tác truyền thông, nhiều hội thảo, hội nghị, bài viết về các sáng kiến khoa học, công nghệ được tổ chức với sự hỗ trợ của Đề án. Cùng với đó Đề án đã xuất bản 2 tài liệu quan trọng bao gồm Cẩm nang công nghệ và Sổ tay sản phẩm công nghệ tiêu biểu. Đặc biệt, trang thông tin điện tử tổng hợp chuyên biệt về lĩnh việc công nghiệp sinh học (Địa chỉ http://congnghiepsinhhocvietnam.com.vn/ và trang mạng xã hội fanpage được xây dựng và vận hành  góp phần đưa thông tin đến đông đảo cộng đồng tri thức và người dân. 
Về hoạt động hợp tác quốc tế, Bộ Công Thương nhấn mạnh “ngoài việc gửi người của Bộ và doanh nghiệp đi học tập trao đổi kinh nghiệm, tiếp nhận và làm chủ các công nghệ tiên tiến thế giới, trong thời gian qua Đề án đã kết nối giữa các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước với các cơ sở nghiên cứu uy tín của Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Áo, Pháp… Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác nước ngoài trong nghiên cứu, thúc đẩy ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến góp phần đẩy mạnh ngành công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm và phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường.”
Tiếp theo,
 Đại diện của Hội đồng Đổi mới Sáng tạo (UKRI), bà Ioanna Kostaki giới thiệu về Hội đồng và các tổ chức thành viên
 Đại diện của Hội đồng Đổi mới Sáng tạo (UKRI), bà Ioanna Kostaki cho biết “UKRI liên kết chặt chẽ với các trường đại học, tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp, quỹ và chính phủ nhằm thúc đẩy môi trường nghiên cứu sáng tạo tại Vương quốc Anh và cả trên thế giới. Mục đích hoạt động của UKRI là tối đa các cơ hội đóng góp giữa các thành phần, cá nhân, tập thể trong xã hội và đem lại lợi ích cho mỗi cá nhân thông qua kiến thức, cơ hội hợp tác và thúc đẩy ý tưởng. Các giá trị mà UKRI theo đuổi là đổi mới sáng tạo, giá trị, chính trực và chất lượng”.
Từ khi thành lập đến nay, UKRI đã liên tục phát triển và mở rộng hợp tác với các nền học thuật lớn trên toàn thế giới. Đến nay, UKRI đã được công nhận là một tổ chức tầm cỡ có uy tín với hơn 50% các nghiên cứu và báo cáo khoa học được công bố có tính hợp tác quốc tế.
Giới thiệu về 2 trong số các quỹ thành viên, bà Ioanna cho biết, “Quỹ nghiên cứu thách thức toàn cầu (GCRS) và Quỹ Newton, là các quỹ hỗ trợ hướng tới mục tiêu đối tác hưởng lợi. Ngoài các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, đổi mới sáng tạo 2 quỹ còn có các hoạt động nâng cao năng lực. Các chương trình của GCRS và Newton Fund đều bám sát 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, do đó khá gần gũi với các hoạt động tại Việt Nam.”
Đại diện quỹ Newton, ông Ryan Warren rất ấn tượng với những thành quả mà Đề án đã đạt được trong hơn 1 thập kỷ qua. Riêng tại khu vực châu Á và Đông Nam Á, quỹ Newton và các tổ chức thành viên thuộc UKRI đã có nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học thành công, giúp cộng đồng hưởng lợi rất lớn. “Nổi bật trong đó là chương trình hợp tác với các trường đại học và doanh nghiệp tại Ấn Độ và Malaysia trong quản lý, xử lý chất thải trong sản xuất chế biến. Đây cũng là thế mạnh mà Anh Quốc muốn giới thiệu và đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam”, ông chia sẻ.
Sau phần trình bày từ hai phía là phần thảo luận và tìm hiểu về các chính sách, quy trình cũng như là nguyên tắc hỗ trợ thúc đẩy các đề tài, nghiên cứu khoa học. Phía ĐSQ Anh rất hứng thú với quy trình xây dựng, lựa chọn và thực hiện nghiên cứu khoa học của Đề án. Đại diện của Bộ Công Thương cũng chia sẻ và mong muốn và cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp sinh học giữa Anh Quốc và Việt Nam.
Cuối buổi làm việc, ông Tấn thay mặt Bộ Công Thương cảm ơn các đại diện từ Anh Quốc đã dành thời gian chia sẻ và trao đổi rất chi tiết. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu các mục tiêu và hoạt động, đề xuất lãnh đạo Bộ Công Thương về các nội dung công việc cụ thể hợp tác với phía nước bạn.
Vụ Khoa học và Công nghệ
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 3
  • 7
  • 8
  • 1
  • 1
  • 5
lên đầu trang