Thứ ba, 21/05/2024 | 14:07

Thứ ba, 21/05/2024 | 14:07

Tin tức

Cập nhật 02:20 ngày 24/09/2018

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học

Là viện nghiên cứu ứng dụng thuộc Bộ Công Thương, những năm qua, Viện Công nghiệp thực phẩm đã thực hiện nhiều đề tài, dự án công nghệ sinh học (CNSH) trong chế biến có giá trị khoa học, kinh tế và thực tiễn cao.
Áp dụng công nghệ sinh học trong chế biến cà phê ướt
Điển hình trong số đó là ứng dụng công nghệ enzyme sản xuất một số sản phẩm từ tinh bột. Theo PGS-TS. Lê Đức Mạnh - Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm - đây là ứng dụng nằm trong Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến đến năm 2020. Thực hiện nhiệm vụ này, Viện đã nghiên cứu, lựa chọn enzyme phù hợp để thủy phân tinh bột sắn thành các sản phẩm có giá trị cao như: Tinh bột biến tính, malto-oligosacarit giàu maltochitoza và isomalto- oligosacarit. Đề tài đã xây dựng các quy trình công nghệ và mô hình thiết bị để sản xuất 3 sản phẩm nói trên. Các kết quả nghiên cứu đã được Viện chuyển giao vào thực tiễn sản xuất tại Công ty Cổ phần thực phẩm Minh Dương (Hoài Đức, Hà Nội) với quy mô lớn.
Cùng với ứng dụng công nghệ enzyme, Viện Công nghiệp thực phẩm cũng rất thành công với “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất canxi lactat từ nguyên liệu tinh bột sắn”. Sản phẩm này được ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm và dược phẩm. Viện đang xem xét khả năng phát triển sản xuất để từng bước thay thế canxi lactat nhập ngoại. “Chúng tôi cho rằng đây là những kết quả rất đáng ghi nhận, có giá trị kinh tế cao. Với những kết quả này, chúng ta có thể tạo ra nhiều sản phẩm khác từ tinh bột, góp phần tăng tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế” - PGS-TS. Lê Đức Mạnh nhấn mạnh.
Thêm một đề tài đáng chú ý nữa là nghiên cứu sản xuất cà phê bằng phương pháp ướt. Đây là đề tài được Chính phủ Pháp tài trợ thông qua Chương trình hậu WTO do Bộ Công Thương chủ trì. Công nghệ này sử dụng enzyme thích hợp có khả năng thủy phân nhanh, giảm độ nhớt. Qua thực tế áp dụng phương pháp này tại nhiều doanh nghiệp ở Tây Nguyên cho thấy, khi sử dụng chế phẩm enzyme trong loại bỏ lớp nhớt của cà phê đã rút ngắn thời gian phân hủy lớp nhớt, giảm lượng nước sạch, chi phí điện, công lao động, cải thiện chất lượng hạt… Hiện nay, công nghệ này đã được Viện chuyển giao cho các doanh nghiệp ở Đăk Lăk, Sơn La và nhận được đánh giá tích cực.
Theo PGS-TS. Lê Đức Mạnh, để có được kết quả đó, những năm qua, Viện Công nghiệp thực phẩm đã tập trung đầu tư, nâng cao năng lực về con người và cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực bảo quản và chế biến các sản phẩm thực phẩm. Tuy nhiên, để CNSH thực sự là mũi nhọn, đóng góp nhiều hơn nữa phát triển kinh tế - xã hội, nhà nước cần đầu tư cho các tổ chức nghiên cứu khoa học về CNSH đã có cơ sở, tiềm năng, kinh nghiệm, cũng như kết quả trong nghiên cứu ứng dụng CNSH để tránh đầu tư dàn trải, dẫn đến hiệu quả không cao.
Theo Báo Công Thương
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 9
  • 0
  • 1
  • 2
  • 8
  • 6
lên đầu trang