Thứ sáu, 26/04/2024 | 15:42

Thứ sáu, 26/04/2024 | 15:42

Tin Đề án

Cập nhật 02:05 ngày 10/06/2020

Nghiên cứu sản xuất TPCN từ sinh khối nấm thượng hoàng

Trong khuôn khổ Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, Bộ Công Thương đã giao Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất sinh khối nấm thượng hoàng (Phellinus linteus) và ứng dụng để sản xuất thực phẩm chức năng”.
Sáng ngày 9/6, tổ công tác của Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) gồm các đại diện của Vụ và các chuyên gia thẩm định độc lập đã đến kiểm tra định kỳ nhiệm vụ trên.

​Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ đọc quyết định thành lập tổ công tác.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Thị Minh Huyền đã báo cáo tiến độ triển khai đề tài. Đến thời điểm hiện tại, nhóm nghiên cứu đã đi được 2/3 chặng đường, hoàn thành 7/9 nội dung với 36/42 công việc cụ thể. Theo đó, 2 nội dung đã được hoàn thiện thêm so với kỳ kiểm tra trước đó là triển khai sản xuất thử nghiệm sinh khối nấm TH quy mô 350lít/mẻ, và nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn và kiểm nghiệm chất lượng của sinh khối nấm và sản phẩm thực phẩm tạo ra.
“Cụ thể, nhóm đã hoàn thành nghiên cứu động học quá trình lên men sinh khối nấm TH theo mẻ của chủng sản xuất và hoàn thiện quy trình lên men trên thiết bị lên men 500 lít. Bên cạnh đó, nhóm đã xác định được định tính sinh khối nấm thượng hoàng; đồng thời thử nghiệm sản phẩm với chuột và thỏ đã cho ra các số liệu đảm bảo an toàn”, TS. Nguyễn Thị Minh Huyền báo cáo.

Sản phẩm sinh khối nấm thượng hoàng.

Hệ thống lên men liên cấp hoàn chỉnh.
Theo TS. Huyền, trong 6 tháng đầu năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên một số giai đoạn nhiệm vụ bị gián đoạn. Tuy nhiên với sự hỗ trợ nhiệt tình của Viện và cố gắng nỗ lực của nhóm, không có tiểu nhiệm vụ nào bị chậm tiến độ hay phải xin gia hạn đề tài. Với thời gian còn lại không  nhiều, nhóm nghiên cứu sẽ gấp rút triển khai các nội dung để đảm bảo kịp tiến độ báo cáo cấp cơ sở cuối năm.
“Các nhiệm vụ còn lại là nghiên cứu sản xuất sản phẩm dạng bột uống hoà tan và trà túi lọc;Tổ chức đánh giá hiệu quả kinh tế và chuyển giao công nghệ. Nhóm nghiên cứu đã có phương án và xúc tiến làm việc với doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết.
Nhận xét chung, đại diện tổ kiểm tra đánh giá đây là đề tài chất lượng với các nội dung nghiên cứu kỹ lưỡng, số liệu đáng tin cậy. Về mặt kinh tế, nếu được chuyển giao công nghệ sớm đề tài sẽ cho hiệu quả kinh tế tốt, do nhu cầu về các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư tại nước ta rất cao. Thậm chí nếu được đầu tư nghiên cứu sâu hơn nữa theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, sản phẩm có khả năng xuất khẩu. Về mặt xã hội, đề tài có ý nghĩa lớn hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo với chi phí hợp lý do được sản xuất trong nước, đồng thời tận dụng tốt nguồn dược liệu quý của nước ta.
Dự kiến, đề tài sẽ thực hiện nghiệm thu cấp quốc gia vào cuối năm 2020.
Thông tin chung
Đề tài: Nghiên cứu công nghệ sản xuất khối nấm Thượng hoàng (Phellinus linteus) và ứng dụng để sản xuất thực phẩm chức năng. 
Thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020.
Cơ quan chủ quản: Bộ Công Thương
Đơn vị thực hiện: Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)
Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Thị Minh Huyền
Vụ Khoa học và Công nghệ

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 6
  • 7
  • 9
  • 7
  • 1
lên đầu trang