Thứ hai, 29/04/2024 | 21:31

Thứ hai, 29/04/2024 | 21:31

Tin Đề án

Cập nhật 09:28 ngày 16/10/2019

Kiểm tra, thẩm định sản phẩm của nhiệm vụ KHCN tại Công ty TNHH SX & TM Trúc Anh

Chất lượng nước là yếu tố cực kỳ quan trọng trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, đây lại là yếu tố khó dự đoán và khó kiểm soát. Chất lượng nước quyết định đến hiệu quả của thức ăn, tốc độ sinh trưởng và tỉ lệ sống của tôm.
Nhằm nâng cao chất lượng nước nuôi tôm, góp phần nâng cao hiệu quả trong nuôi tôm, năm 2016, Bộ Công Thương giao Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Trúc Anh thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm “Sản xuất chế phẩm vi sinh bằng công nghệ lên men chìm để nâng cao chất lượng nước nuôi tôm ở quy mô công nghiệp”. Đây là dự án thuộc Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì. 
Ngày 14 tháng 10, đoàn công tác của Bộ Công Thương gồm đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ cùng Tổ chuyên gia là những chuyên gia đã kiểm tra tiến độ thực hiện của dự án.
Đoàn công tác Bộ Công Thương kiểm tra thẩm định sản phẩm của dự án tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh (Xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu)
Báo cáo trước đoàn công tác, chủ nhiệm dự án Lê Anh Xuân-  Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Trúc Anh cho biết, nhóm nghiên cứu đã triển khai và hoàn thành các sản phẩm dạng I và dạng II theo đúng nội dung đã đăng ký trong thuyết minh nhiệm vụ. Với sản phẩm dạng I, nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn được 10 chủng giống có hoạt tính cao, được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản bền vững, không gây hại cho con người và môi trường. Đồng thời, xây dựng hệ thống thiết bị lên men chìm công suất 3.000 lít/mẻ để sản xuất chế phẩm vi sinh. Hệ thống bao gồm 3 thiết bị lên men, 1 thiết bị làm lạnh nhanh và 1 thiết bị sấy tuần hoàn.
Dự án đã sản xuất được 7 tấn chế phẩm vi sinh 01 có hàm lượng mật độ vi sinh vật >= 109 CFU/gam không chứa vi sinh vật gây bệnh có hại. Chế phẩm được đánh giá có hiệu quả phân hủy nhanh các chất hữu cơ từ thức ăn dư thừa, xác tôm lột, chuyển hóa nhanh các hợp chất có hại trong ao nuôi tôm như NH3, H2S,…giúp cải tạo và nâng cao chất lượng nước nuôi tôm công nghiệp.  
Bên cạnh đó, dự án đã sản xuất được 7 tấn chế phẩm vi sinh 02 có hàm lượng mật độ vi sinh vật >= 109 CFU/gam không chứa vi sinh vật gây bệnh. Chế phẩm giúp tăng cường chuyển hóa thức ăn, kích thích hệ thống miễn dịch của tôm, tăng khả năng đối kháng vi khuẩn gây bệnh tôm, làm cho tôm khỏe mạnh, tăng khả năng chống bệnh.
“Ngoài chế phẩm vi sinh 01 và 02, chúng tôi cũng sản xuất thành công 6 tấn chế phẩm vi sinh 03 có hàm lượng mật độ vi sinh vật >= 109 CFU/gam. Cũng giống như 2 chế phẩm vi sinh 01 và 02, chế phẩm vi sinh 03 đều đạt các chỉ tiêu không chứa vi sinh vật gây bệnh có hại và có độ ấm =<10%. Đặc biệt, chế phẩm này có hoạt tính enzyme mạnh, giúp phân hủy các chất hữu cơ dư thừa như thức ăn, xác tôm lột,…Từ đó làm giảm ô nhiễm môi trường ao nuôi, có hiệu quả xử lý đáy ao nuôi, hạn chế lây lan dịch bệnh trong nuôi tôm”, ThS. Lê Anh Xuân nhấn mạnh.
Với sản phẩm dạng I, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh bằng kỹ thuật lên men chìm quy mô 3.000 lít/mẻ, quy trình giữ và bảo quản ổn định các chủng giống đáp ứng yêu cầu sản xuất ở quy mô công nghiệp, và mô hình dây chuyền thiết bị sản xuất chế phẩm vi sinh bằng kỹ thuật lên men chìm. Các quy trình và mô hình này đều đã được hội đồng khoa học công nghệ cấp cơ sở nghiệm thu.
Với nội dung tổ chức sản xuất (20 tấn sản phẩm), đoàn công tác đánh giá đây là nội dung lớn của dự án. Tổ chức chủ trì và nhóm nghiên cứu cần chú ý, theo dõi sát sao công việc ở tất cả các công đoạn, từ khi bắt đầu tiến hành lô thử nghiệm, lô sản xuất đến công tác đánh giá độ lặp lại cũng như đánh giá hiệu quả, thử nghiệm trên các mô hình…
Thay mặt các thành viên của đoàn kiểm tra, PGS.TS Phí Quyết Tiến – Tổ trưởng Tổ chuyên gia nhận định, tổ chức chủ trì và nhóm thực hiện dự án đã hoàn thành các nội dung công việc đúng và đủ về số lượng và tiến độ cam kết với Bộ Công Thương. PGS.TS Phí Quyết Tiến đề nghị nhóm thực hiện dự án rà soát và hoàn thiện các báo cáo. Nhóm nghiên cứu cần hoàn thiện hồ sơ đào tạo công nghệ và kỹ thuật vận hành, bổ sung thêm những minh chứng về hình ảnh, nhật ký giảng dạy ngoài những minh chứng trong hồ sơ.
Vụ Khoa học và Công nghệ

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 9
  • 4
  • 4
  • 3
  • 4
lên đầu trang