Thứ sáu, 26/04/2024 | 10:52

Thứ sáu, 26/04/2024 | 10:52

Tin Đề án

Cập nhật 08:11 ngày 21/02/2022

Sản xuất protein đơn bào từ phụ phẩm ngành giấy và ứng dụng sản xuất thức ăn chăn nuôi

Vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất protein đơn bào từ nguồn phụ phẩm ngành giấy và ứng dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi”. Đây là nhiệm vụ thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, do PGS.TS. Lê Quang Diễn, Đại học Bách Khoa Hà Nội làm chủ nhiệm.
Về mục tiêu, đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu cũng như sản phẩm theo đúng hợp đồng ký kết với Bộ Công Thương. Cụ thể, đã tạo được 1 chủng Candida utislis 060920 biến thể từ chủng giống gốc sinh trưởng tốt trên môi trường đường xylose, glucose chế tạo từ phế liệu gỗ keo tai tượng, có đặc tính vượt trội phù hợp với điều kiện sử dụng ở Việt Nam. Đề tài cũng đã xây dựng được quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất protein đơn bào nhiều công đoạn từ phế liệu gỗ keo tai tượng quy mô lên men nấm men trong môi trường dịch đường xylose và glucose quy mô 1000 lít/mẻ.
PGS.TS Lê Quang Diễn - chủ nhiệm đề tài trình bày tại buổi nghiệm thu.
PGS.TS Lê Quang Diễn - chủ nhiệm đề tài cho biết: “Sự khác biệt và tính độc đáo của quy trình công nghệ là sử dụng được toàn bộ đường xylose và glucose thu được từ cùng một mẻ đường hóa phế liệu gỗ cho một mẻ lên men của chủng nấm men Candida utislis, lựa chọn được thành phần dưỡng chất bổ sung phù hợp tạo ra môi trường dinh dưỡng có pH ổn định trong khoảng 4,5 trong suốt quá trình lên men, cho tăng trưởng sinh khối nấm men đạt 13,8-14,9 g/L, cao hơn so với chủng giống gốc.”
Qua quá trình nghiên cứu triển khai, nhóm đã sản xuất được 506,2 kg nấm men từ chủng Candida utislis 060920 có hàm lượng protein thô đạt 49,2-57,8%, phù hợp làm thức ăn chăn nuôi, đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn theo quy định hiện hành. Ứng dụng protein đơn bào phối trộn với cám ngô và phụ gia cho sản xuất 5076,2 kg thức ăn chăn nuôi gà và lợn thịt cho thấy ptotein đơn bào có thể thay thế nguồn protein truyền thống như bột cá, bã đậu. Vật nuôi hấp thụ tốt thức ăn bổ sung protein đơn bào, tăng trọng cao hơn thức ăn truyền thống.
Sản phẩm của đề tài.
Nhìn chung, quy trình công nghệ của đề tài ổn định, có tiềm năng chuyển đổi quy mô và ứng dụng thực tiễn. Sản phẩm protein đơn bào có chất lượng tương đương các sản phẩm sản xuất ở quy mô công nghiệp. Về hiệu quả kinh tế, đã tận dụng được nguồn phế phụ phẩm tiềm năng của ngành giấy cho sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm ảnh hưởng môi trường, góp phần phát triển và làm chủ công nghệ sản xuất protein làm thức ăn chăn nuôi, phát triển nông nghiệp, phục vụ nhu cầu trong nước.
Về hiệu quả xã hội, mô hình sản xuất protein đơn bào từ phế liệu gỗ có thể được nhân rộng để tổ chức ở quy mô vừa và nhỏ phù hợp với các trang trại, chủ động được một phần nguồn thức ăn chăn nuôi. Việc này có thể giảm chi phí và nâng cao đời sống cho người chăn nuôi, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá khá cao các kết quả và sản phẩm của đề tài. Đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu, đầy đủ về số lượng, chủng loại và khối lượng sản phẩm theo hợp đồng đã ký kết, chất lượng sản phẩm cũng như các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đều đạt yêu cầu đặt ra. TS. Nguyễn Mạnh Dũng, thành viên Hội đồng nghiệm thu nhận xét: “Kết quả nghiên cứu của đề tài đã giúp tận dụng phế liệu gỗ keo tai tượng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng thiết yếu, tăng cường tái chế, góp phần phát triển lĩnh vực công nghiệp chế biến, hiện đại hóa và nâng cao tính cạnh tranh của ngành công nghiệp giấy.”
Các kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở phát triển công nghệ sản xuất nấm men từ sinh khối, làm nguồn protein thay thế cho chăn nuôi. Kết quả nghiên cứu có thể tiếp tục được ứng dụng cho phát triển lĩnh vực công nghệ sinh học và chế biến vật liệu lignocellulose, tạo ra các sản phẩm có giá trị đáp ứng nhu cầu xã hội.
Doãn Tâm
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 6
  • 5
  • 1
  • 7
  • 7
lên đầu trang