Thứ bảy, 04/05/2024 | 15:19

Thứ bảy, 04/05/2024 | 15:19

Tin tức

Cập nhật 02:03 ngày 25/04/2019

Công nghiệp chế biến: Hướng phát triển chủ đạo của công nghiệp Bến Tre

Nhằm phát huy lợi thế nguồn nguyên liệu phong phú và có sản lượng lớn, những năm gần đây tỉnh Bến Tre đã chuyển hướng sang phát triển công nghiệp chế biến theo chiều sâu; qua đó vừa góp phần nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường vừa tạo đòn bẩy cho phát triển nông thuỷ sản bền vững, cải thiện thu nhập cũng như chất lượng đời sống của người nông dân. 
Bên cạnh thế mạnh sản xuất lương thực (cây lúa) với các giống lúa sạch được thị trường ưa chuộng như: OM 4900, OM 6162, OM5451, Nàng hoa 9, Đài thơm 8,… Bến Tre còn được mệnh danh là "Xứ dừa" với diện tích dừa tập trung hơn 70.000 ha, sản lượng 600 triệu quả. Đây là nguồn nguyên liệu đầu vào đa dạng cho ngành công nghiệp chế biến và sản xuất các sản phẩm từ dừa. Ðể tạo bước đột phá trong ngành hàng chủ lực này, tỉnh luôn tạo điều kiện về mọi mặt và đẩy mạnh công tác mời gọi, thu hút đầu tư.

Ngoài ra, phát huy lợi thế bờ biển dài 65km, tại Bến Tre phát triển mạnh kinh tế biển cả trên mảng nuôi trồng lẫn đánh bắt thủy sản; tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến thủy sản. Trên địa bàn tỉnh hiện có 11 nhà máy hoạt động chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu với công suất đạt 72.000 tấn sản phẩm/năm. Sản phẩm chủ yếu là thủy sản đông lạnh, chả cá; trong đó sản phẩm cá tra fillet, nghêu chiếm tỷ trọng lớn nhất. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, dây chuyền máy móc hiện đại, không ngừng nâng cao trình độ và năng lực chế biến, giảm dần tỷ trọng sản phẩm chế biến thô, đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Nhằm khai thác lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào, hiện Bến Tre đang kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản, nhất là chế biến tôm biển.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre – ông Lê Văn Khê cho biết, với nguồn nguyên liệu dừa, thủy sản phong phú và có sản lượng lớn, Bến Tre có lợi thế về phát triển ngành công nghiệp chế biến. Đây cũng là hướng đi chủ đạo của công nghiệp Bến Tre nhằm nâng cao giá trị gia tăng cũng như tạo đầu ra bền vững cho nông, thủy sản địa phương. Để thúc đẩy công nghiệp chế biến tại địa phương phát triển, bên cạnh việc tăng cường mời gọi và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông thủy sản, UBND tỉnh Bến Tre cũng đã ban hành Kế hoạch số 6838/KH-UBND ngày 26/12/2016 về phát triển công nghiệp chế biến nông thủy sản thực phẩm tỉnh Bến Tre đến năm 2020 với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm phù hợp với quy hoạch phát triển chung ngành công nghiệp, trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế của tỉnh. Từ nay đến năm 2020, Bến Tre phấn đấu đạt chỉ tiêu về mức tăng trưởng bình quân cho từng ngành hàng cụ thể như: công nghiệp ngành thủy sản tăng trưởng bình quân 12,02%/năm; công nghiệp ngành dừa tăng 12,47%/năm, công nghiệp ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng 10,08%/năm.
Để đạt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tỉnh Bến Tre sẽ tập trung tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng đầu tư và tăng dần tỷ trọng giá trị gia tăng các chuỗi sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư đổi mới máy móc trang thiết bị, công nghệ hiện đại; chú trọng đầu tư chiều sâu, nâng cao trình độ công nghệ, phát triển và đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao ở các ngành công nghiệp chế biến dừa, chế biến thủy sản. Nhằm ổn định vùng nguyên liệu, ổn định đầu ra cho nông sản phục vụ cho công nghiệp chế biến, tỉnh quan tâm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân; tăng cường liên kết với các địa phương khác, nhất là các tỉnh thành khu vực miền Tây Nam bộ trong việc khai thác và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung để đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ cho phát triển sản xuất lâu dài. Đồng thời quan tâm xây dựng mối liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp trên địa bàn để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, cung cấp nguyên vật liệu.
Ngoài ra, tỉnh Bến Tre cũng chú trọng tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn kết chia sẻ lợi ích sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Xây dựng cơ chế liên doanh, liên kết giữa nông - ngư dân sản xuất nguyên liệu với các nhà doanh nghiệp (trong và ngoài nước) trong chế biến dừa và chế biến thủy sản, phát triển hình thức người sản xuất nguyên liệu góp vốn (hoặc cổ phần) với nhà máy chế biến, tạo vùng nguyên liệu ổn định và vững chắc cho nhà máy hoạt động hiệu quả.
Nguồn VCCI
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 7
  • 4
  • 6
  • 2
  • 7
  • 0
lên đầu trang