Chủ nhật, 05/05/2024 | 14:37

Chủ nhật, 05/05/2024 | 14:37

Tin tức

Cập nhật 04:49 ngày 26/04/2019

Ngành chế biến dừa Bến Tre và khát vọng vươn tầm khu vực

Với trên 70.000 ha dừa (chiếm 44% diện tích dừa cả nước), sản lượng khoảng 600 triệu quả/năm, Bến Tre được mệnh danh là "thủ phủ" dừa của Việt Nam. Để khai thác nguồn lợi kinh tế từ cây dừa đạt hiệu quả cao nhất, thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư chế biến sâu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của cây dừa.
Từ chế biến sâu....
Ngoài năng suất ra trái vượt trội hơn hẳn so với các vùng khác, chất lượng dừa của Bến Tre được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao: vỏ dừa dày - cho sản phẩm than hoạt tính tốt nhất, nhiều chất hữu cơ, sợi xơ dừa bền hơn, cơm dừa béo hơn và nước dừa ngọt hơn. Với lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào và chất lượng, ngành công nghiệp chế biến dừa của Bến Tre đã có sự phát triển khá nhanh và toàn diện, sản phẩm ngành dừa đa dạng và được chế biến ở nhiều cấp độ. Bình quân giá trị sản xuất các sản phẩm từ dừa chiếm khoảng 15% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp.
Các sản phẩm chế biến từ dừa được chia thành 2 nhóm: nhóm chế biến tinh (kẹo dừa, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa đóng hộp lon, nước dừa đóng hộp, bột sữa dừa, than hoạt hoạt tính, dầu dừa nguyên chất, mặt nạ từ thạch dừa có giá trị cao) và nhóm chế biến thô (dầu dừa thô, thạch dừa thô, chỉ xơ dừa, các sản phẩm từ chỉ, than thiêu kết). Ngoài các sản phẩm chế biến, Bến Tre còn nổi tiếng về sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa (gỗ dừa, gáo dừa, xơ dừa, cọng dừa, trái dừa). Hiện toàn tỉnh có hơn 1.970 cơ sở chế biến dừa hoạt động ở nhiều loại hình, quy mô khác nhau; sản phẩm dừa Bến Tre đã xuất khẩu sang 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng trên dưới 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, góp phần quan trọng vào nguồn thu ngân sách địa phương
Một số doanh nghiệp chế biến dừa của Bến Tre đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; đẩy mạnh chế biến sâu để cho ra thị trường nhiều sản phẩm cao cấp, có giá trị gia tăng cao từ dừa và rất được thị trường xuất khẩu ưa chuộng, trong đó có thể kể đến: Công ty XNK Bến Tre (Betrimex), Công ty TNHH Chế biến Dừa Lương Quới, Công ty TNHH Vĩnh Tiến, Công ty CP Chế biến Dừa Á Châu...Với sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp, năm 2016 kim ngạch xuất khẩu dừa của Bến Tre đạt khoảng 150 triệu USD, chiếm tới 21 % tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành công nghiệp.
....Đến chế biến dừa công nghệ cao
Để hỗ trợ ngành dừa phát triển bền vững, bắt kịp trình độ các nước trong khu vực, UBND tỉnh Bến Tre đã thông qua "Chương trình phát triển ngành dừa tỉnh Bến Tre đến năm 2020" với mục tiêu gia tăng năng suất, sản lượng dừa và thu nhập của người trồng dừa; đảm bảo cung ứng ổn định nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; thúc đẩy sự gắn kết giữa các doanh nghiệp chế biến và nâng cao chuỗi giá trị trong chế biến dừa, góp phần thúc đẩy ngành dừa phát triển nhanh và bền vững. Nối tiếp Chương trình này, ngày 28/12/2016 UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm tỉnh Bến Tre hướng đến năm 2020; trong đó địa phương này đặt mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến dừa có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế. 
Dưới góc nhìn của một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, bà Châu Kim Yến - Tổng Giám đốc Betrimex cho rằng để ngành dừa Bến Tre phát triển bền vững cần có sự phối hợp đồng bộ từ các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp đến nông dân. Sự liên kết của nông dân, doanh nghiệp và chính quyền chính là bệ phóng đưa ngành dừa Bến Tre bay cao, vươn xa hơn trong thời gian tới. 
Khẳng định để phát triển ngành dừa bền vững, trước hết các sản phẩm dừa Bến Tre phải đạt yêu cầu "sạch", chất lượng tốt, đảm bảo an toàn cho sức khỏe, ông Cù Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Dừa Lương Quới cho biết hiện doanh nghiệp này đang tăng cường kết nối với người trồng dừa xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn organic (sản xuất hữu cơ), ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tiến đến chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn của thế giới. Ngược lại khi liên kết với doanh nghiệp, người trồng dừa sẽ được hưởng nhiều quyền lợi chính đáng hơn khi tham gia chuỗi giá trị ngành dừa, nhất là về mặt kinh tế. 
Vững tin với sự trợ lực hết mình của chính quyền địa phương, sự chung sức đồng lòng của người trồng dừa và cộng đồng doanh nghiệp, trong tương lai không xa mong mỏi "xây dựng Bến Tre trở thành "thủ phủ" dừa của Việt Nam với những ngành chế biến dừa công nghệ cao tầm cỡ khu vực" của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Bến Tre năm 2017 sẽ sớm trở thành hiện thực.
Nguồn VCCI
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 7
  • 5
  • 9
  • 9
  • 7
  • 0
lên đầu trang