Thứ tư, 01/05/2024 | 03:39

Thứ tư, 01/05/2024 | 03:39

Tin Đề án

Cập nhật 10:48 ngày 07/12/2018

Chiết xuất phân đoạn giàu hợp chất polyphenol từ bụp giấm chế tạo thực phẩm chức năng

Hội Hóa học Việt Nam mới đây đã nghiên cứu thành công quy trình chiết xuất phân đoạn giàu polyphenol từ loài hibiscus sabdariffa L. (Malvaceae), ứng dụng để chế tạo thực phẩm chức năng. Đây là nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ Công Thương giao Hội Hóa học Việt Nam thực hiện trong giai đoạn 2017-2018. 
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn ngày càng cao đối với thực phẩm hỗ trợ việc điều trị các bệnh gan, cao huyết áp, béo phì, mỡ máu,… tại Việt Nam, PGS.TS Trần Thu Hương- chủ nhiệm đề tài và các cộng sự đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu và thực hiện đề tài. Nhóm nghiên cứu đã quyết định lựa chọn cây hoa bụp giấm, đặc biệt là đài hoa bụp giấm (hibiscus sabdariffa) làm đối tượng nghiên cứu chính để ứng dụng để chế tạo thực phẩm chức năng. 
Hoa bụp giấm 
Hibiscus sabdariffa L. (Malvaceae) đang được sử dụng tại nhiều nước trên thế giới như một loại thuốc điều trị cao huyết áp. Ngoài ra, Hibiscus sabdariffa còn có các hoạt tính khác như bảo vệ gan, chống ung thư, chống tiểu đường, chống ôxy hóa, kháng viêm, hạ sốt, chống béo phì, chống thiếu máu và kháng khuẩn. 
Trong nghiên cứu của mình, Nhóm thực hiện tập trung vào nghiên cứu xây dựng quy trình chiết tách, tạo các dịch chiết từ loài Hibiscus sabdariffa L.; nghiên cứu tách phân đoạn giàu polyphenol từ loài Hibiscus sabdariffa L.; nghiên cứu hoạt tính sinh học của dịch chiết loài Hibiscus sabdariffa L. và quy trình tạo chế phẩm từ Hibiscus sabdariffa L..
Sau 1 năm thực hiện, đề tài đã xây dựng được quy trình chiết xuất phân đoạn giàu hợp chất polyphenol với hàm lượng polyphenol đạt trên 60%. Bằng việc kết hợp các phương pháp sắc ký và phổ hiện đại, nhóm đã nghiên cứu phân lập và xác định được cấu trúc của 05 hợp chất từ đài hoa bụp giấm gồm: luteolin, quercetin, hisbiscus acid dimethyl ester, β-sitosterol và daucosterol. Đây là các hợp chất đã biết, tuy nhiên, đây là  lần đầu tiên được phân lập từ cây bụp giấm ở Việt Nam. Qua quá trình khảo sát tính chống ôxy hóa của các dịch chiết từ đài hoa bụp giấm bằng phương pháp thử hoạt tính chống ôxy hóa dựa vào khả năng trung hóa gốc tự do DPPH, thủ phạm gây lão hóa và nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư. Kết quả cho thấy dịch chiết đài hoa bụp giấm thể hiện khả năng trung hóa gốc tự do của DPPH với giá trị SC50 từ 103,61 – 119,16µg/ml; 
Nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện quy trình chế tạo 3 nước giải khát từ đài hoa bụp giấm gồm:cao đặc, chè nhúng và nước uống giải khát.
PGS.TS Trần Thu Hương báo cáo kết quả nghiên cứu tại Bộ Công Thương
PGS.TS Trần Thu Hương cho biết, đề tài mới chỉ bước đầu nghiên cứu về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của đài hoa bụp giấm ở tỉnh Bắc Giang, trong khi đó các yếu tố như địa lý, thổ nhưỡng sẽ ảnh hưởng đến các đặc tính của đối tượng nghiên cứu. “Hội Hóa học Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương tạo điều kiện để nhóm có thể mở rộng việc thu thập mẫu nguyên liệu ở các địa phương khác nhau. Quy trình chiết xuất phân đoạn giàu hợp chất polyphenol từ đài hoa bụp giấm cần tiếp tục được thử nghiệm ở quy mô lớn hơn để đánh giá độ ổn định”. -PGS.TS Trần Thu Hương đề xuất. 
Hội đồng nghiệm thu đề tài Khoa học công nghệ cấp Bộ Công Thương do GS.TS. Phan Tuấn Sơn làm Chủ tịch nhận xét nhóm thực hiện đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn trong thời hạn 1 năm, đáp ứng cả về số lượng, chất lượng và chủng loại so với thuyết minh ban đầu. Đề tài được nghiên cứu dựa trên sự kết hợp giữa các phương pháp truyền thống và hiện đại, mang lại kết quả có ý nghĩa lớn về mặt thực tiễn và khoa học. Đề tại được Hội đồng đánh giá đạt loại Xuất sắc và đề xuất tiếp tục mở rộng quy mô nghiên cứu. 
Nhằm ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài, thời gian tới nhóm nghiên cứu sẽ phối hợp với Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam đề xuất với Bộ Công Thương phê duyệt dự án sản xuất thực phẩm chức năng từ hoa bụp giấm với quy mô công nghiệp. 
Tên đề tài: Nghiên cứu quy trình chiết xuất phân đoạn giàu hợp chất poluphenol từ loài Hibiscus sabdariffa L. (Malvaceae) ứng dụng để chế tạo thực phẩm chức năng 
Đơn vị thực hiện: Hội Hóa học Việt Nam 
Chủ nhiệm: PGS.TS. Trần Thu Hương 
Vụ Khoa học và Công nghệ 
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 7
  • 1
  • 2
  • 7
  • 3
  • 5
lên đầu trang