Thứ sáu, 26/04/2024 | 06:59

Thứ sáu, 26/04/2024 | 06:59

Tin Đề án

Cập nhật 09:58 ngày 01/03/2021

Sản xuất thành công chế phẩm probiotic từ Lactobacillus sp. và Bacillus sp. nâng cao sức khỏe sinh sản cho phụ nữ

Hiện nay, bệnh viêm nhiễm phụ khoa được coi là bệnh nhiễm trùng phổ biến đặc biệt ở các nước nhiệt đới trong đó có Việt Nam. Nhiều thống kê từ năm 2004 đến nay cho thấy, tỷ lệ chị em viêm nhiễm phụ khoa vẫn ở mức cao, chiếm đến 90%. Nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách, không đầy đủ có thể gây nên các biến chứng như vô sinh, chửa ngoài tử cung, sảy thai, biến chứng cho thai nhi như thai chết lưu, dị tật bẩm sinh, trì độn trí tuệ… Đây được coi là một vấn đề rất lớn đã và đang được quan tâm. Những thiệt hại do bệnh này gây ra là rất lớn bao gồm những gánh nặng về y tế, gia đình và xã hội
Để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh nhiễm trùng đường sinh sản nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc sử dụng probiotics chứa các chủng lợi khuẩn Lactobacillus sp. và Bacillus sp. là hiệu quả. Các sản phẩm probiotics dành cho phụ nữ hiện nay được sử dụng khá phổ biến dưới dạng sản phẩm chức năng. Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa có một dòng sản phẩm nào nghiên cứu dành riêng cho phụ nữ mà các sản phẩm này phần lớn là nhập khẩu từ Mỹ, anh, Nhật Bản với giá thành cao, chưa hoàn toàn phù hợp với điều kiệu thu nhập của người dân. Trong khi đó, hơn 80% phụ nữ Việt Nam bị mắc bệnh phụ khoa.
Việc nghiên cứu công nghệ sản xuất một số chế phẩm probiotics từ Lactobacillus sp. và Bacillus sp. phân lập từ sừ sữa mẹ của các bà mẹ đang cho con bú ở Việt Nam có các đặc tính ưu việt về việc ức chế  các vi sinh vật gây nhiễm đường âm đạo, sau đó thử nghiệm lâm sàng trên phụ nữ tại bệnh viện để nâng cao sức khỏe sinh sản cho phụ nữ Việt Nak là việc làm hết sức cần thiết, có ý nghĩa cộng đồng và ý nghĩa thực tiễn cao.
Dựa trên nhu cầu và tính cấp thiết của vấn đề nêu trên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất một số chế phẩm probiotic từ một số loài Lactobacillus sp. và Bacillus sp. ứng dụng nhằm nâng cao sức khỏe sinh sản cho phụ nữ”. Đề tài do PGS. TS. Bùi Thị Việt Hà làm chủ nhiệm, nằm trong Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020.
Hình ảnh tại buổi nghiệm thu đề tài
Theo PGS. TS. Bùi Thị Việt Hà - chủ nhiệm đề tài cho biết, nhóm nghiên cứu đã sàng lọc và xây dựng được mô hình thiết bị sản xuất sinh khối được 5 chủng vi sinh vật có tiềm năng làm probiotic (Lactobacillus rhamnosus H1, Lactobacillus reuteri H2, Bacillus subtilis ANA14, Bacillus clausii ANA37, Bacillus coagulans ANA40). Đồng thời, đã lên men sinh khối tạo ra được sản phẩm probiotic dạng bột được đánh giá an toàn và hoạt tính.
Sau quá trình đánh giá các đặc tính, tập trung vào tính kháng vi sinh vật gây nhiễm trùng âm đạo, nhóm tiến hành nghiên cứu tạo các chủng vi khuẩn phù hợp ở quy mô pilot cũng như xây dựng mô hình công nghệ sản xuất probiotic chứa sinh khối Lactobacillus sp. và sinh khối Bacillus sp..
Từ sản phẩm probiotic thu được nhóm đã xây dựng và hoàn thiện thành công công thức, quy trình và mô hình thiết sản xuất 04 sản phẩm probiotic để phòng ngừa và tăng cường sức khỏe sinh sản cho phụ nữ bao gồm: Sprobio Lacvagin hồng, Sprobio Lacvagin tím, Livespo X-Oral, Livespo X- Secre. 
PGS. TS. Bùi Thị Việt Hà - chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả thực hiện đề tài
Các sản phẩm nghiên cứu của để tài bao gồm viên nang dạng uống, hỗ dịch (nước) đều đạt chất lượng về độ sống của lợi khuẩn ((Lactobacillus  tổng số > 2x 108 CFU/viên 500mg và Bacillus  tổng số >2x109 CFU/ống 5ml) để lưu hành trên thị trường. Sản phẩm có chất lượng tương đương với sản phẩm probiotic phụ khoa được nhập khẩu. 
Nếu ứng dụng quy trình công nghệ, thiết bị, nguyên liệu như nhóm nghiên cứu đã xây dựng trên quy mô sản xuất công nghiệp, người tiêu dùng sẽ được sử dụng sản phẩm chất lượng tương đương với giá thành chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm ngoại nhập - PGS. TS. Bùi Thị Việt Hà khẳng định.
TS. Đặng Tất Thành – Chuyên viên chính Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương đánh giá cao khả năng thương mại hóa của sản phẩm 
TS. Đặng Tất Thành - Chuyên viên chính Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đánh giá cao hiệu quả kinh tế của đề tài. Việc nghiên cứu công nghệ đi đầu đưa probiotic vào ứng dụng nhằm nâng cao sức khỏe sinh sản cho phụ nữ mở ra một hướng phát triển dòng sản phẩm mới tại Việt Nam, có khả năng cạnh tranh thương mại với các sản phẩm ngoại nhập. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ nghiên cứu - sản xuất trong nước không chỉ giúp các nhà sản xuất nội địa tăng cường năng lực, tăng khả năng cạnh tranh với các công ty dược nước ngoài mà còn góp phần hạ giá thành sản phẩm, giúp đa số người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi ích từ các nghiên cứu khoa học trong nước.
 
4 sản phẩm probiotic: Sprobio Lacvagin hồng, Sprobio Lacvagin tím, Livespo X-Oral, Livespo X- Secre đã được Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chứng nhận đạt tiêu chuẩn
Về mặt kỹ thuật, các chuyên gia nhận định trên cơ sở tiếp thu thành quả từ các nghiên cứu, dự án đã hoàn thiện quy trình công nghệ và bước đầu tiến tới sản xuất thành công. Các chuyên gia cũng ghi nhận nhóm thực hiện đã có những nỗ lực hoàn thành các công việc theo hợp đồng. Tuy vậy, một số hồ sơ, báo cáo, chuyên đề cần chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện theo đúng quy định. 
Thay mặt đơn vị thực hiện đề tài, PGS. TS Trần Quốc Bình - Phó hiệu trưởng Trường  Đại học Khoa học Tự nhiên cảm ơn các nhận xét, góp ý của hội đồng đối với các nội dung thực hiện của nhiệm vụ. Đồng thời, mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục được Bộ Công Thương hỗ trợ để nhóm nghiên cứu có thể triển khai thương mại hóa sản phẩm trên diện rộng.
Thêm thông tin về đề tài
Đề tài: Nghiên cứu công nghệ sản xuất một số chế phẩm probiotic từ một số loài Lactobacillus sp. Và Bacillus sp. ứng dụng nhằm nâng cao sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ
Đơn vị thực hiện: ĐH Khoa học – tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội)
Thời gian thực hiện: 1/2019 đến 12/2020
Chủ nhiệm đề tài: PGS. TS. Bùi Thị Việt Hà
Vụ Khoa học và Công nghệ

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 6
  • 3
  • 4
  • 0
  • 0
lên đầu trang