Thứ sáu, 26/04/2024 | 07:06

Thứ sáu, 26/04/2024 | 07:06

An toàn thực phẩm

Cập nhật 07:59 ngày 28/04/2020

Tiền Giang nỗ lực đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh

Triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo ATTP
Trong quý I năm 2020, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP). Trong đó, các ngành: Y tế, Nông  nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh.
Trong quản lý nhà nước về ATTP, Sở Y tế tiếp nhận 98 hồ sơ tự công bố sản phẩm của 54 cơ sở, thẩm định, trình UBND tỉnh cấp 30 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thẩm định điều kiện bảo đảm ATTP 47 cơ sở, cấp 13 giấy chứng và cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP cho 59 người/13 cơ sở. Trong quý I/2020 có 5.034 cơ sở ký cam kết sản xuất thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Lũy kế đến nay, có 153.689 hộ ký cam kết; tổ chức kiểm tra việc thực hiện cam kết: 4.541 hộ, kết quả 100% các hộ kiểm tra vẫn duy trì tốt. Sở Công Thương thẩm định 07 hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tổ chức kiểm tra và cấp 26 Giấy xác nhận kiến thức về ATTP. 
Hoạt động thanh tra, kiểm tra được triển khai đồng bộ, quyết liệt, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng và các đoàn thể theo các chương trình phối hợp. Cụ thể, Sở Y tế đã thực hiện kiểm tra 3.344 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, trong đó có 3.290 cơ sở đạt vệ sinh, tỷ lệ 98,38%; xử phạt 07 cơ sở vi phạm với tổng số tiền 44.120.000 đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành thanh tra, kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật về chất lượng, ATTP dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa Lễ hội Xuân 2020: 03 ngày/06 cơ sở (thủy sản, giết mổ, kinh doanh nông sản), 02 mẫu thực phẩm (bò viên, cá viên) test nhanh hàn the (Kết quả: âm tính). Sở Công Thương cũng đã thanh tra tại 05 cơ sở sản xuất thực phẩm (rượu, bánh, kẹo). Qua thanh tra, không phát hiện vi phạm.

Ảnh minh họa
Bên cạnh thuận lợi vẫn còn tồn tại khó khăn
Được sự quan tâm, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn Trung ương; các sở, ngành, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện kịp thời trên địa bàn toàn tỉnh Tiền Giang. Việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh ATTP được triển khai thuận lợi do có sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, nhất là vai trò của 03 ngành thường trực (Y tế - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Công Thương) trong công tác thanh tra, kiểm tra từ tỉnh đến huyện, xã. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn đã được ban hành tương đối đầy đủ, kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động. Ý thức chấp hành pháp luật về VSATTP của các cơ sở ngày càng được nâng lên. Ngoài ra, việc quán triệt Chỉ thị số 13/CT-TTg cho các cấp lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động cũng đã giúp cho người thực thi công tác quản lý ATTP hiểu rõ được trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ATTP trên địa bàn còn tồn tại một số khóa khăn, vướng mắc. Các cơ sở khi chấm dứt hoạt động sản xuất thực phẩm hoặc thay đổi cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP đối với cơ sở của mình thường không thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước để thống kê, theo dõi tình hình hoạt động nên không nắm bắt được thông tin của cơ sở trước khi kiểm tra. Đa số cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm ở dạng thủ công, nhỏ lẻ, hoạt động mang tính thời vụ nên chất lượng VSATTP chưa ổn định. Ở các cơ sở nhỏ, lao động thời vụ chiếm đa số và thường xuyên thay đổi nên việc cập nhật kiến thức về ATTP chưa đáp ứng nhu cầu công việc.
Bên cạnh đó, việc xử phạt vi phạm hành chính về ATTP theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ còn một số hạn chế. Cụ thể, đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ, thức ăn đường phố khi để xảy ra ngộ độc thì rất khó cho việc thực hiện các quyết định xử phạt bởi người vi phạm đa phần điều kiện kinh tế rất khó khăn. Hay trong trường hợp xử phạt vi phạm hành chính về ATTP, hành vi “Chủ cơ sở không đáp ứng kiến thức về ATTP theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, không có văn bản quy định cụ thể kiến thức về ATTP như thế nào là theo quy định của pháp luật.
Để Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP tiếp tục được thực hiện hiệu quả hơn, tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống; tập trung chủ yếu trong Tháng hành động vì ATTP; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Chỉ đạo UBND cấp huyện kiểm tra, đôn đốc hoạt động của Ban Chỉ đạo tuyến xã. Đồng thời, tiếp tục công tác tuyên truyền cho nhà quản lý, người sản xuất, người kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng, các hội viên, đoàn viên thuộc các sở, ngành, đoàn thể các cấp về các văn bản quy phạm pháp luật, kiến thức về ATTP; xây dựng và cấp phát các sản phẩm truyền thông; tiếp tục tuyên truyền, công khai các cơ sở vi phạm về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng…; xây dựng, kết nối sản phẩm và chuỗi sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng. Ngoài ra, thực hiện các chương trình giám sát ATTP, thực hiện và phối hợp thực hiện truy xuất nguồn gốc và xử lý vi phạm khi có sự cố xảy ra.

Quỳnh Hoa

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 6
  • 3
  • 4
  • 2
  • 4
lên đầu trang