Thứ sáu, 29/03/2024 | 17:29

Thứ sáu, 29/03/2024 | 17:29

Tin Đề án

Cập nhật 02:45 ngày 07/04/2023

Để nền công nghiệp sinh học vươn tầm - Bài 2: Nhận diện các điểm nghẽn

Năng lực công nghệ sinh học của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Nhận diện các điểm nghẽn là bước đầu tiên, quan trọng trong lộ trình kiến thiết nền công nghiệp sinh học nước nhà.
Ứng dụng công nghệ gene, có chậm chân?
Nếu như năm 2015 diện tích bắp chuyển gene của Việt Nam chỉ vào khoảng 3.500ha, chiếm chưa tới 1% tổng diện tích bắp cả nước, thì tới nay đã tăng gần 27 lần. Tuy nhiên, tính chung giai đoạn 2010-2021, diện tích trồng bắp không những không được mở rộng mà còn giảm mạnh, từ 1.125,7 ngàn ha xuống còn 902,8 ngàn ha, sản lượng bắp trồng cũng giảm 3,9%, dao động từ 4,5-5,3 triệu tấn/năm.
Thực nghiệm trồng bắp biến đổi gen ở Thái Nguyên
Cũng trong giai đoạn này, ngành chăn nuôi nước ta tăng trưởng nóng, bình quân khoảng 5%-6%/năm, đòi hỏi nguồn cung thức ăn công nghiệp rất lớn. Để đáp ứng nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến thức ăn công nghiệp, chúng ta đẩy mạnh nhập khẩu, chấp nhận giá thành tăng cao. Do bắp chiếm tỷ trọng lớn trong thành phần thức ăn công nghiệp, nên theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu bắp các loại trong năm 2022 trên 9,57 triệu tấn, trị giá gần 3,33 tỷ USD, giá trung bình 347,8 USD/tấn, tăng 15,6% kim ngạch và tăng 21% về giá so với năm 2021.
Nhiều ý kiến đã đề xuất đẩy mạnh sử dụng giống bắp chuyển gene để giải quyết bài toán năng suất và sản lượng cung cấp, giảm dần tỷ trọng nhập khẩu, nhưng việc thực thi các quy định pháp lý liên quan tới cây trồng chuyển gene, đặc biệt là cấp phép cho các giống bắp chuyển gene mới diễn ra khá chậm trễ. Trong khi đó nguồn bắp mà chúng ta nhập khẩu đều có nguồn gốc là bắp chuyển gene.

Thực nghiệm trồng bắp chuyển gene ở Thái Nguyên. Ảnh: VĂN PHÚC
Không dừng ở cây trồng chuyển gene, thế giới đang đầu tư mạnh hơn cho công nghệ chỉnh sửa hệ gene. Tại Trung Quốc vào cuối tháng 3-2022, Công ty Công nghệ nông nghiệp Origin Agritech và Trường Đại học Nông nghiệp Trung Quốc đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho giống bắp chỉnh sửa gene. Đến nay, một số quốc gia đã chấp nhận việc sử dụng một số sản phẩm từ chỉnh sửa gene như Mỹ, Nhật Bản.
Việt Nam cũng đã có những kết quả bước đầu về công nghệ mới này. Điển hình là dự án tạo đột biến định hướng để nâng cao hàm lượng đường và acid amin trong quả của giống cà chua Việt Nam, do Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) chủ trì. Tuy nhiên, do chưa có hành lang pháp lý cho các sản phẩm chỉnh sửa gene nên các nghiên cứu của ta mới dừng ở mức triển khai trong phòng thí nghiệm.
"Công nghệ sinh học (CNSH) phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; năng lực CNSH chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh KHCN phát triển mạnh mẽ; một số lĩnh vực quan trọng của CNSH lạc hậu so với khu vực và thế giới; công nghiệp sinh học chưa trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực CNSH còn nhiều hạn chế, bất cập.
Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do nhận thức của không ít cấp ủy, chính quyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của CNSH chưa đầy đủ; cơ chế, chính sách chưa phù hợp, thiếu hấp dẫn để thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển và ứng dụng CNSH; đầu tư cho phát triển và ứng dụng CNSH chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; mối liên kết giữa các nhà khoa học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp trong phát triển và ứng dụng CNSH chưa hiệu quả, còn lỏng lẻo"
(Trích Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới)
Còn nhiều rào cản
PSG-TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, đánh giá, thành tựu nổi bật nhất với giống lúa của nước ta nhiều năm qua là lai tạo chọn lọc để tạo ra các giống chất lượng cao. Qua đó thúc đẩy giá gạo trắng hạt dài của Việt Nam tương đương hoặc cao hơn gạo Thái Lan; nhiều giống lúa giành giải thưởng trên đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, phương pháp chủ yếu hiện nay vẫn là chọn lai tạo truyền thống, việc ứng dụng phương pháp MAB - một thành tựu của công nghệ sinh học (CNSH), còn rất ít. Giải thích cho thực trạng này, theo ông Dương Văn Chín, chủ yếu là chưa có được động lực lợi nhuận thúc đẩy đúng mức quá trình này. Các sản phẩm CNSH cần đầu tư dài hạn, tốn kém nhiều chi phí mới tạo ra được sản phẩm. Nhưng từ khi có sản phẩm cho tới khi sản xuất đại trà kinh doanh có lời là một quá trình dài. Đó là chưa nói đến một vấn nạn phổ biến là bị đánh cắp tác quyền các sản phẩm mới, bị làm hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan… làm nản chí những người nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới.
Tình trạng khó khăn cũng đã và đang diễn ra với ngành y tế. Đầu tiên là các vấn đề về pháp lý, quy định pháp luật, khi hiện nay chúng ta chưa có luật về tế bào gốc, ngay cả với Luật Dược đã được sửa đổi và ban hành cũng chưa có những quy định cụ thể về thuốc biến đổi gene, thuốc tế bào và một số loại thuốc được tạo ra nhờ ứng dụng CNSH. Liên quan đến nguồn nhân lực lĩnh vực này, theo TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục KHCN và đào tạo (Bộ Y tế), nếu như ở các nước phát triển có nền CNSH y học mạnh, thường có mô hình “2 trong 1”, tức là học chuyên ngành bác sĩ xong thì học tiếp về CNSH để ứng dụng ngược lại vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người bệnh. Còn ở nước ta, số bác sĩ có chuyên môn về CNSH còn ít nên các nghiên cứu ứng dụng vào lĩnh vực điều trị, chăm sóc sức khỏe còn khá khiêm tốn.
Thử nghiệm các loại vaccine, tế bào có khả năng kháng dịch bệnh trên chuột bạch. Ảnh: QUANG PHÚC
Ngay cả năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học cũng chưa cao, nhiều nghiên cứu và sản phẩm mang tính “lặp lại” của thế giới. Điều này được ông Nguyễn Đăng Quân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, nhận định, thông qua con số số lượng công bố khoa học và số bằng sáng chế của Việt Nam rất thấp so với các nước. Theo đó, theo thống kê của USPTO (US patent and trademark office), trong 6 năm 2016-2021 Việt Nam có 115 bằng sáng chế đăng ký ở Hoa Kỳ. Số lượng bằng sáng chế trong cùng thời gian này ở Singapore là 11.485, Thái Lan 562, Malaysia 519, Philippines 122, Indonesia 41; các nước châu Á lân cận như Nhật là 318.345, Hàn Quốc 140.371, Trung Quốc 117.825 và Ấn Độ 6.445.
Một góc độ khác, hiện phần lớn các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu của các trường, viện, trung tâm được đầu tư bằng kinh phí của Nhà nước. Theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, sản phẩm nghiên cứu do Nhà nước đầu tư thì quyền sở hữu thuộc Nhà nước, nên việc chuyển giao để thương mại hóa gặp rất nhiều khó khăn, phải qua nhiều thủ tục. PGS-TS Trần Hiệp, Phó Trưởng Ban KH-CN (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), chỉ ra vấn đề khó khăn lớn nhất là về cơ chế tài chính; các nhà khoa học vẫn đang phải dành thời gian cho thanh quyết toán nhiều hơn là cho nghiên cứu, nên ảnh hưởng tới chất lượng nghiên cứu.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT PHÙNG ĐỨC TIẾN: Tại sao doanh nghiệp làm tốt hơn?
KH-CN có vai trò quan trọng và quyết định trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp và kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản thời gian qua. Thế nhưng, tại sao các doanh nghiệp phải đi thuê đất, vay vốn ngân hàng, rồi bỏ tiền thuê chuyên gia để nghiên cứu… nhưng làm có hiệu quả? Nhà nước đã giao cơ sở vật chất, chi trả lương cho nghiên cứu khoa học, thì các đơn vị, viện, trường phải nghiên cứu và thúc đẩy áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất một cách hiệu quả, phải thay đổi tư duy của thời bao cấp.
Theo https://www.sggp.org.vn/
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 3
  • 8
  • 6
  • 3
  • 6
  • 7
lên đầu trang