UBND tỉnh Hưng Yên mới đây đã ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND về việc đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm nông lâm thuỷ sản tỉnh đến năm 2030 (Kế hoạch).
Mục đích của Kế hoạch nhằm cụ thể hoá các nội dung Đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thuỷ sản giai đoạn 2021-2030” theo Quyết định số 1384/QĐ-BNN-QLCL ngày 15/4/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phù hợp với điều kiện của tỉnh Hưng Yên. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động chứng nhận cho một số cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thuỷ sản đạt các tiêu chuẩn: HACCP, ISO, GMP, hữu cơ, GlobalGAP, VietGap.
Bên cạnh đó, Kế hoạch được ban hành nhằm mục đích xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất tạo ra sản phẩm an toàn, kết nối các chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm nông lâm thuỷ sản; tạo mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc sản chủ lực của tỉnh; hình thành thói quen, tập quán tiêu dùng thực phẩm an toàn có địa chỉ, nhãn mác hàng hoá, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Hưng Yên hiện có 107 chợ, chưa kể chợ tạm, chợ cóc. (Ảnh: Báo Hưng Yên)
Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thuỷ sản trên địa bàn toàn tỉnh; thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nông lâm thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.
Theo Kế hoạch, dự kiến đến năm 2030, 100% cán bộ, công chức tham mưu về lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm của tỉnh, huyện, xã được đào tạo tập huấn các quy định về sản phẩm, an toàn thực phẩm; 100% hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề, trang trại, gia trại, các chủ thể OCOP…được tập huấn quy định về an toàn thực phẩm; 100% các sản phẩm đặc sản chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm sản xuất theo chuỗi các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, làng nghề, sản phẩm cấp mã xuất khẩu, sản phẩm tại các đơn vị chuyên kinh doanh….được lấy mẫu sản phẩm đánh giá chất lượng, tư vấn xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; đầu tư thiết bị, công nghệ chế biến bảo quản sản phẩm cho 08-10 đơn vị (từ 01-02 đơn vị/năm); phấn đấu hàng năm tăng 10% diện tích, cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP theo hướng dẫn hữu cơ, HACCP, ISO, GMP, (hoặc tương đương).
Các nội dung triển khai cụ thể theo Kế hoạch bao gồm tiếp tục vận hành, nâng cấp hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thuỷ sản, cơ sở dữ liệu sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thuỷ sản trên địa bàn tỉnh; truyền thông, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nguồn lực quản lý, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, đơn vị sản xuất kinh doanh áp dụng các chương trình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tiên tiến, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định tiêu thụ trong nước, các thị trường xuất khẩu; xây dựng, phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn được đánh giá chứng nhận; xúc tiến thương mại nông sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm; công tác quản lý chất lượng sản phẩm nông lâm thuỷ sản.
Để đạt được các chỉ tiêu đề ra, Kế hoạch đưa ra sáu nhiệm vụ và giải pháp, trong đó tập trung vào nhiệm vụ tổng hợp, thống kê thực trạng sản xuất, chế biến kinh doanh sản phẩm nông lâm thuỷ sản trên địa bàn tỉnh; đào tạo, tập huấn, truyền thông về an toàn thực phẩm; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất ban đầu, thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm;...
UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu tích cực triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn nhất là chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung từ nay đến năm 2030.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động triển khai Kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thuỷ sản giám sát hậu kiểm chất lượng các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm vi phạm năm sau giảm so với năm trước và tiếp tục kiểm soát tốt trong các năm tiếp theo; 100% tổ chức, hộ các thế thuộc diện phải được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký kết tuân thủ quy định về ATTP. Việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch đảm bảo tính khoa học, đồng bộ, hiệu quả, thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát, báo cáo, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ.
Hà Nguyễn