Thứ sáu, 03/05/2024 | 11:22

Thứ sáu, 03/05/2024 | 11:22

An toàn thực phẩm

Cập nhật 08:02 ngày 05/08/2020

Chăn nuôi an toàn sinh học và đảm bảo an toàn thực phẩm theo chuỗi

Thuật ngữ “chăn nuôi an toàn sinh học” ngày càng được quan tâm, đặc biệt từ khi xảy ra dịch bệnh tả châu Phi trên đàn lợn tại nhiều địa phương trong cả nước. Chăn nuôi an toàn sinh học và đảm bảo an toàn thực phẩm theo chuỗi là nội dung cuộc phỏng vấn của phóng viên Tạp chí Thử nghiệm Ngày nay với Nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân.
PV: Chăn nuôi an toàn sinh học được hiểu như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Thanh Vân: Chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) là việc áp dụng tổng hợp các giải pháp ứng dụng công nghệ sinh học trên một nền hữu cơ chất lượng cao, không sử dụng kháng sinh. Đã có nhiều khuyến cáo, hướng dẫn về việc sử dụng các chế phẩm sinh học. Tuy nhiên, người chăn nuôi phải xây dựng một quy trình nghiêm ngặt và thực hiện một cách triệt để. Có thể hiểu, chăn nuôi ATSH là biện pháp tổng hợp, có những nguyên tắc cần áp dụng và giám sát chặt chẽ từ khâu giống, thức ăn, nước uống, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng chống dịch bệnh... cho đến khi có được sản phẩm cuối cùng được người tiêu dùng lựa chọn.
PV: Thưa ông, khi áp dụng vào chuỗi, cần phải lưu ý những gì?
Ông Hoàng Thanh Vân: Chuỗi chăn nuôi ATSH bao gồm: Chăn nuôi - vận chuyển - giết mổ - chế biến - bảo quản - phân phối. Hoạt động theo chuỗi chăn nuôi ATSH phải đảm bảo tất cả các khâu, tuân thủ cách ly và đảm bảo ATSH. Khi vận chuyển, sản phẩm di chuyển bằng nhiều phương tiện, cung độ khác nhau. Đây là khâu dễ mất ATSH. Do vậy, để đảm bảo ATSH cần có phương tiện vận chuyển chuyên dụng; thường xuyên kiểm tra, khử trùng và có quy trình vận hành riêng.
Yêu cầu bắt buộc là phải đảm bảo tuyệt đối không tiếp xúc với các động vật khác; không vương vãi các sản phẩm trong quá trình vận chuyển; có niêm phong của người có trách nhiệm; trước khi vận chuyển sản phẩm hoặc gia súc cần được cơ quan thú y kiểm dịch theo quy định của Luật Thú y. Đối với người chăn nuôi trực tiếp, cần có quy trình cụ thể về thời gian tiếp xúc với động vật, xử lý và xát trùng quần áo dụng cụ, thời gian cách ly khi vào khu vực chăn nuôi... Tất cả các yêu cầu này phải được ghi chép, kiểm soát chặt chẽ.
PV: Đảm bảo an toàn sinh học trong chuỗi chăn nuôi cần chú trọng đến những yếu tố nào?
Ông Hoàng Thanh Vân: Trong chăn nuôi ATSH, tất cả các khâu đều quan trọng, không được xem nhẹ bất cứ một yếu tố nào. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là yếu tố đảm bảo ATSH từ nguồn. Người chăn nuôi kiểm soát khâu giống được nhân từ cơ sở sản xuất giống có uy tín, đảm bảo an toàn về thú y, chất lượng giống. Đặc biệt khâu thức ăn, người chăn nuôi cần tăng cường sử dụng các loại thức ăn có bổ sung chế phẩm vi sinh, chủ yếu là probiotic (lợi khuẩn) và enzyme. Khi sử dụng loại thức ăn này, không nên dùng kháng sinh vì sẽ làm mất tác dụng của vi sinh vật và giảm hiệu quả sử dụng thức ăn.
Cơ sở chăn nuôi có thể tự trộn thức ăn tại trại hoặc sử dụng thức ăn công nghiệp mua từ cơ sở sản xuất có uy tín, đảm bảo chất lượng và có thể truy xuất nguồn gốc. Các biện pháp an toàn sinh học phải luôn đảm bảo theo quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn hoặc nhà cung cấp sản phẩm. Bên cạnh đó, người chăn nuôi có thể sử dụng thức ăn hỗn hợp nhưng phải đảm bảo là có nguồn gốc rõ ràng. Toàn bộ các loại thức ăn phải được ghi chép đầy đủ. Việc bổ sung các chế phẩm sinh học tùy theo độ tuổi của vật nuôi và theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Ngành chăn nuôi đã có nhiều hướng dẫn, khuyến nghị người chăn nuôi áp dụng các biện pháp ATSH, nhất là khi có dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Công văn số 5329/BNN- CN ngày 25/7/2019 về việc “Tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn” để phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Trước đó vào năm 2010, Bộ NN&PTNT đã xây dựng 2 Quy chuẩn kỹ thuật là QCVN 01-14: 2010/ BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: Điều kiện trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học; QCVN 01- 15:2010/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia - Điều kiện trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học.
Các văn bản của Bộ NN&PTNT đều đã quy định chi tiết về các tiêu chí cụ thể để có nơi (trại) chăn nuôi ATSH; các biện pháp đảm bảo chăn nuôi ATSH đầy đủ các yếu tố tác động đến gia súc, gia cầm nhằm tránh và ngăn ngừa những tác động của ngoại cảnh, các biện pháp chăn nuôi ảnh hưởng đến gia súc, gia cầm; nhằm đảm bảo gia súc, gia cầm phát triển trong điều kiện tối ưu nhất để cho ra sản phẩm ATSH. Trong các yếu tố đó, đặc biệt coi trọng giải pháp thú y để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh từ ngoài vào.
PV: Trên thế giới, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Thanh Vân: Thế giới đã có nhiều nước áp dụng các biện pháp chăn nuôi ATSH, trong đó chú trọng từ khâu quy hoạch, mật độ chăn nuôi, khoảng cách an toàn khu chăn nuôi, các biện pháp về giống, thức ăn, thú y, giết mổ, vận chuyển, bảo quản, chế biến,... Nói chung, các nước tiên tiến như Đan Mạch, Đức, Nhật, úc, Mỹ đều có các tiêu chuẩn kỹ thuật rất nghiêm ngặt và thực thi nghiêm túc nên sản phẩm đều đảm bảo an toàn, ít có dịch bệnh xảy ra.
PV: Vậy, cần có những giải pháp như thế nào để ngành chăn nuôi đảm bảo chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chăn nuôiATSH, phát triển bền vững?
Ông Hoàng Thanh Vân-. Ngành chăn nuôi của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đa dạng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều mô hình chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực dân cư nên rất dễ xảy ra dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc giết mổ gia súc, gia cầm vẫn chưa được quản lý một cách chặt chẽ... là nguyên nhân làm lây lan bệnh tật, mất vệ sinh, ảnh hưởng môi trường. Do vậy, để chăn nuôi đảm bảo chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chăn nuôi ATSH, cần có nhiều giải pháp tích cực. Trước hết phải quy hoạch vùng chăn nuôi, đảm bảo mật độ phù hợp mà Nhà nước quy định. Các cơ sở chăn nuôi đăng ký và có quy trình chăn nuôi cụ thể. Những nơi đủ điều kiện thì xây dựng quy trình chăn nuôi ATSH, nghĩa là, tất cả các công việc phải được kiểm soát, ghi chép, thực hiện đúng quy trình; sử dụng thức ăn hợp lý, bổ sung chế phẩm sinh học có nguồn gốc vi sinh.
Theo đó, mọi khâu đều phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cụ thể. Các cơ quan chuyên môn thực thi triệt để các Luật, Nghị quyết, Thông tư, tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi thú y; Nêu cao nhận thức người chăn nuôi trong phòng trừ dịch bệnh; Sử dụng các biện pháp chăn nuôi, quản lý tốt chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư; Xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh; khuyến khích các cơ sở chăn nuôi ATSH; Phổ biến các quy định của nhà nước rộng rãi đến người dân.
PV: Xin cảm ơn ông.
Theo Tạp chí Thử nghiệm ngày nay, số 25
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 7
  • 3
  • 5
  • 7
  • 8
  • 9
lên đầu trang