Thứ năm, 02/05/2024 | 11:36

Thứ năm, 02/05/2024 | 11:36

Kiến thức khoa học

Cập nhật 08:42 ngày 04/07/2023

Phân lập thành công chế phẩm sinh học có khả năng kích thích sinh Trầm hương

Từ mẫu thân cây Dó bầu tạo Trầm hương tự nhiên thu thập tại huyện Hương Khê - tỉnh Hà Tĩnh, nhóm sinh viên của trường Đại học Lâm nghiệp đã phân lập, đánh giá và chọn lọc được được 05 dòng nấm tạo chế phẩm sinh học có khả năng kích thích tạo Trầm hương hiệu quả cao.
Dó bầu (Aquilaria crassna Pierre.) là một loài thực vật thuộc họ Trầm. Trầm hương có giá trị kinh tế rất cao trên thị trường, điều này đã làm cho cây Dó bầu trở thành loài thực vật đặc biệt được nhiều nhà khoa học và người dân chú ý, có giá trị đặc biệt về mặt nghiên cứu khoa học ở Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung. Có hơn 150 hợp chất đã được xác định trong gỗ Trầm hương. Trong số các hợp chất này, có 70 Sesquiterpen và khoảng 40 loại (Naef, 2011). Các hoạt chất này đều có tác dụng tốt đến sức khỏe con người.
Trầm hương có giá trị kinh tế rất cao trên thị trường nước ta (Ảnh minh họa: hanhtrinhtramhuong.com/)
Để thúc đẩy nền sản xuất lâm nghiệp cũng như góp phần phát triển kinh tế của địa phương, rất cần có đề tài nghiên cứu nghiêm túc nhằm tạo ra Trầm hương chất lượng cao từ cây Dó bầu, bảo vệ và phát triển bền vững rừng cây Dó bầu tại Hà Tĩnh. Tuy nhiên, việc tạo Trầm hương tự nhiên hay bằng các biện pháp thủ công vẫn còn hạn chế. Với biện pháp cơ học, phương pháp này có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện nhưng có nhược điểm là xác suất thành công thấp.  
Trước vấn đề này, từ tháng 7/2020, với sự hướng dẫn của TS Nguyễn Thị Hồng Gấm - Viện Công nghệ sinh học Lâm nghiệp (Đại học Lâm nghiệp), nhóm nghiên cứu của anh Nguyễn Hoàng Anh, Nguyễn Anh Dũng và Nguyễn Đức Nam - Đại học Lâm nghiệp đã thực hiện đề tài cấp trường: “Nghiên cứu chọn lọc một số dòng nấm có khả năng kích thích sinh Trầm hương của cây Dó bầu tại Hà Tĩnh”. 
Các chế phẩm sinh học giúp tăng sinh trầm hương được nhóm phối trộn trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Nhóm nghiên cứu
Cụ thể, nhóm nghiên cứ đã chọn lọc được năm dòng nấm có khả năng kích thích tạo trầm hương, gồm: Penecillum, Aspergillus, Trichoderma, Fusarium solani và Mucor. Đây là các chủng nấm có khả năng sinh enzyme cellulase và pectinase ngoại bào tốt trong phòng thí nghiệm.
Anh Nguyễn Hoàng Anh, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Các dòng nấm nuôi trong môi trường lỏng 48 giờ được sử dụng để phối trộn thành các công thức chế phẩm sinh học khác nhau. Để đánh giá khả năng sống của các dòng nấm sau khi phối trộn tạo chế phẩm sinh học, chúng tôi phân lập lại các dòng nấm từ các dịch chế phẩm sau 7 ngày nuôi lắc các bình chế phẩm vi sinh. Lấy 0,5 ml dịch trong các bình chế phẩm, cấy trải trên mặt đĩa pettri có môi trường PAG.” 
Theo dõi các đĩa đã phân lập sau 07 ngày, kết quả quan sát được cho thấy, các dòng nấm đều sống được cùng nhau trong các công thức chế phẩm sinh học sau 07 ngày phối trộn.
Lỗ khoan tạo trầm hương tại Hà Tĩnh từ chế phẩm sinh học nhóm tạo được. Ảnh: Nhóm nghiên cứu
Đánh giá khả năng kích thích tạo Trầm hương của các chế phẩm sinh học tạo được, nhóm nghiên cứu cho biết, sau khi đánh giá khả năng sinh enzyme ngoại bào của bốn công thức chế phẩm sinh học, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm khả năng kích thích tạo Trầm hương trên cây Dó bầu của các công thức chế phẩm sinh học tại huyện Hương Khê - tỉnh Hà Tĩnh. Sau 8 tháng cấy truyền chế phẩm sinh học vào thân cây Dó bầu, nhóm nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra khả năng tạo Trầm hương tại lỗ truyền chế phẩm sinh học và khu vực lân cận lỗ truyền đó thông qua màu sắc gỗ tạo trầm, kích thước vết tạo Trầm hương và mùi hương của khói khi đốt gỗ có Trầm hương tạo thành.
Kết quả cho thấy, 100% tỷ lệ lỗ khoan tạo trầm trên cây với kích thước vết tạo trầm 2,2 x 36 cm, gỗ tạo trầm có màu đen sẫm và mùi thơm ngát, ngọt, thanh mùi trầm.
Đánh giá về đề tài này, TS Nguyễn Thị Hồng Gấm - Viện Công nghệ sinh học Lâm nghiệp (Đại học Lâm nghiệp) khẳng định: "Nghiên cứu của nhóm khá bài bản, có thể ứng dụng ngay". Các dòng nấm có sẵn trong tự nhiên, được phân lập và nhân lên dùng để kích thích tạo trầm hương hiệu quả hơn. Kết quả của nghiên cứu này đã bước đầu ứng dụng trong công nghệ sản xuất Trầm hương theo hướng bền vững ở Việt Nam. 
An Nhiên
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 7
  • 2
  • 6
  • 6
  • 7
  • 4
lên đầu trang