Thứ bảy, 04/05/2024 | 16:26

Thứ bảy, 04/05/2024 | 16:26

An toàn thực phẩm

Cập nhật 07:45 ngày 05/01/2023

Công tác hậu kiểm năm 2023: Cần đảm bảo kiểm tra đúng trọng tâm

Đó là một trong những nội dung quan trọng được Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm nhấn mạnh trong Kế hoạch số 1766/KH-BCĐTƯATTP về Triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2023. 
Cụ thể, trong năm 2023, cần tập trung kiểm soát chất lượng thực phẩm các khâu: Nguồn gốc nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản; quá trình sản xuất, chế biến; nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, hương liệu, phẩm màu trong chế biến thực phẩm; chất cấm trong chăn nuôi; sử dụng kháng sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. 
Cùng với đó, tiếp tục kiểm soát việc sử dụng salbutamol trong chăn nuôi; kiểm soát thực phẩm là hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, nhập lậu; kiểm soát hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm, chú trọng nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; kiểm soát các nhóm sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguy cơ pha trộn chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe (nhóm sản phẩm: hỗ trợ người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, đau xương khớp, mỡ máu, rối loạn cương dương, tăng cân, giảm cân...).
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn, vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội lấy mẫu cá hồi tại nhà hàng Isushi (quận Hai Bà Trưng) xét nghiệm nhanh. (Ảnh minh họa: http://www.hanoimoi.com.vn/)
Tăng cường lấy mẫu và kiểm nghiệm sản phẩm thực phẩm. Đặc biệt là sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhóm sản phẩm có nguy cơ pha trộn chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe (hỗ trợ người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, đau xương khớp, mỡ máu, rối loạn cương dương, tăng cân, giảm cân .v.v)
Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm, cần tăng cường công tác hậu kiểm các quy định về: Công bố sản phẩm đối với sản phẩm thực phẩm; thực phẩm bảo vệ sức khỏe; thực phẩm dinh dưỡng y học; thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ nhỏ; phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định. Các địa phương tập trung hậu kiểm Hồ sơ tự công bố sản phẩm tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ.
Đồng thời tập trung hậu kiểm về công bố sản phẩm như việc thực hiện các quy định về tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm, trình tự công bố sản phẩm, phiếu kết quả kiểm nghiệm và các hồ sơ, tài liệu pháp lý; Hậu kiểm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm như các cơ sở thuộc diện cấp và không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm…
Cũng theo Kế hoạch, việc hậu kiểm đối với thực phẩm nhập khẩu như hậu kiểm, lấy mẫu kiểm nghiệm theo thứ tự ưu tiên sau: Các sản phẩm thuộc diện miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu quy định; Hậu kiểm về ghi nhãn thực hiện theo quy định; Hậu kiểm về quảng cáo đối với các nhóm thực phẩm phải đăng ký nội dung trước khi thực hiện quảng cáo quy định tại Điều 26 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ… cũng cần được chú ý. 
Đối với cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm, tiến hành kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương tập trung các nội dung như việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ; cấp, thu hồi bản công bố sản phẩm và sản phẩm thuộc đối tượng tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý vi phạm.
Ngoài ra, các đoàn hậu kiểm khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật; Các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả mạnh mẽ, quyết liệt như: đình chỉ hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; tịch thu tang vật, tạm dừng lưu thông, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm; áp dụng thu hồi các loại giấy chứng nhận đã cấp theo thẩm quyền.
Thông qua công tác hậu kiểm, phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm về an toàn thực phẩm, không để thực phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu lưu thông trên thị trường.
Phương Loan
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 7
  • 4
  • 6
  • 9
  • 1
  • 0
lên đầu trang