Thứ ba, 30/04/2024 | 23:20

Thứ ba, 30/04/2024 | 23:20

An toàn thực phẩm

Cập nhật 08:27 ngày 01/07/2022

Nâng cao vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm

Sáng ngày 30/6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới”.
Hội thảo có sự tham dự của ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương; bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Chánh văn phòng, Bộ Công Thương; bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương; ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương; cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, bước đầu đạt được những thành tích quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, các thể chế quản lý được rà soát, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu hội nhập.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc hội thảo. 
Bên cạnh đó, công tác quản lý ATTP đã thực hiện chuyển đổi theo hướng quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, việc sản xuất nông sản thực phẩm còn manh mún nhỏ lẻ, nhiều sản phẩm còn chưa được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất.
“Trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát ATTP ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên toàn quốc, đảm bảo nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Hiện nay, các chương trình, hoạt động về ATTP được triển khai thường xuyên như: “Tháng hành động về ATTP năm 2022”, “Ngày ATTP thế giới - 07/6/2022”. Những hoạt động này tạo nên nhiều đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông trong việc chấp hành các quy định về ATTP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; giảm thiểu các vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc do sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Bên cạnh đó, những hoạt động này còn gắn với trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung chỉ đạo, bố trí nguồn lực cho công tác ATTP; nâng cao hiệu quả của sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm ATTP; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm ATTP.
ATTP – Cần sự quan tâm, vào cuộc của nhiều đơn vị
Tại hội thảo, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, việc bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, bình ổn thị trường giá cả,... là một trong các nhiệm vụ trọng tâm được Vụ Thị trường trong nước thực hiện. Đồng thời, Vụ thường xuyên chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, các đơn vị liên quan triển khai thực hiện.
 Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết Vụ luôn chỉ đạo các đơn vị thực hiện đảm bảo nguồn cung thực phẩm. 
“Bên cạnh đó, Vụ còn thường xuyên đề nghị các địa phương, bộ ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông, xuất khẩu và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản của địa phương có sản lượng lớn, sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.” – bà Lê Việt Nga nói.
Chia sẻ một số vấn đề mới về yêu cầu kỹ thuật trong lĩnh vực ATTP, ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, hiện thương mại quốc tế giữa các quốc gia, khu vực bị điều chỉnh bởi các hiệp định thương mại tự do được ký kết ở cấp độ song phương hoặc đa phương.
Ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương phát biểu.
Theo ông Tấn, Việt Nam hiện nay đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do. Bên cạnh những cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức từ quá trình hội nhập và những xu hướng phát triển về công nghệ, chính trị, thương mại, điều này đặt ra cho hoạt động quản lý ATTP nhiều nhiệm vụ và yêu cầu mới theo các định hướng:
Một là tiếp tục bám sát và thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chủ trương, đường lối của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong các lĩnh vực của ngành Công Thương.
Hai là tập trung nguồn lực rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về đảm bảo ATTP; tăng cường vai trò và tiếng nói của các đơn vị kỹ thuật, các viện nghiên cứu, các hiệp hội chuyên môn và ngành hàng; phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, ban, ngành trong công tác rà soát, đánh giá tình hình thực hiện, định hướng và xây dựng nhiệm vụ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đồng bộ hệ thống quản lý ATTP.
Ba là nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại, tìm hiểu các thông tin về rào cản kỹ thuật thương mại, biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động – thực vật của các quốc gia nhập khẩu. Ngoài ra, các cơ quan đơn vị cần nắm bắt kịp thời những thay đổi trong các quy định về ATTP của các nước tới doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu.
Bốn là doanh nghiệp cũng cần nâng cao trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn nhằm nâng cao vị thế của các sản phẩm thực phẩm Việt nam trên thị trường thương mại thế giới.
Cũng tại hội thảo, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến, đem lại nhiều giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đổi mới.
“Tuy nhiên, hiện nay nhiều đối tượng thường tận dụng kẽ hở, một mặt cung cấp thông tin về hàng hóa, thông tin giao dịch trên Internet, quảng bá trực tuyến và khuyến mại rầm rộ, mặt khác thẩm lậu hoặc đưa những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ qua cửa khẩu, biên giới, cảng biển, sân bay… bán tràn lan trên thị trường nội địa với quy mô lớn” - ông Trần Hữu Linh chia sẻ.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng thương mại điện tử Việt Nam đang có bước phát triển vượt bậc. 
Tại đây, ông Linh đã đề xuất một số kiến nghị đối với công tác phối hợp, thanh tra kiểm tra xử lý vi phạm. Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố triển khai công tác quản lý địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, thanh tra chuyên ngành, tăng cường kiểm tra và xử lý trong lĩnh vực thương mại điện tử; công tác phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giữa các đơn vị trong Bộ Công Thương để tiến hành thanh tra, kiểm tra các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Để tăng hiệu quả kiểm soát ATTP, ông Nguyễn Văn Chính, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần iCheck cho biết, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sẽ mang lại các giá trị cho doanh nghiệp, đảm bảo thông tin minh bạch, tiêu chuẩn sản xuất và quản lý các rủi ro. Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp tối ưu chuỗi cung ứng, nhất là chuỗi cung ứng thực phẩm, từ đó có cơ hội để sản phẩm tiếp cận tốt thị trường, khoanh vùng các rủi ro khi gặp sự cố, tránh các hàng giả, hàng nhái, đảm bảo uy tín trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Chính - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần iCheck chia sẻ về hệ thống truy xuất nguồn gốc do công ty nghiên cứu và xây dựng.  
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ sản xuất, triển khai thực hiện truy xuất sản phẩm nông sản, Công ty cổ phần iCheck đã nghiên cứu và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc chuẩn quốc gia, giúp doanh nghiệp quản lý toàn diện vùng trồng, nhà xưởng, vùng sản xuất và thông tin truy xuất theo các chuỗi cung ứng, quá trình hình thành lên sản phẩm bao gồm: vật tư, con giống, vùng trồng, vùng sản xuất, nhân viên; ghi lại nhật ký điện tử quá trình sản xuất, vận chuyển, phân phối,... tới thành phẩm cuối cùng.
Cần nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp
Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, đạt được thành tích quan trọng trên các lĩnh vực. Thời gian qua, Bộ Công Thương không ngừng rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm hài hòa với các chuẩn mực quốc tế; tiếp tục thống kê, cập nhật đầy đủ, chính xác dữ liệu và tính chi phí tuân thủ, rà soát, đánh giá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh dựa trên các chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh về tác hại của việc kinh doanh và sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn không ít khó khăn, nhất là xuất phát từ việc còn tồn tại số lượng rất lớn các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Việc sản xuất nông sản thực phẩm còn manh mún nhỏ lẻ, chưa nhiều sản phẩm được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Các chuyên gia nhận được nhiều câu hỏi từ phía khách mời. 
Tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương tham gia điều hành. Trong phiên thảo luận, các chuyên gia đã làm rõ nhiều vấn đề trong sản xuất kinh doanh thực phẩm của các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm ATTP nghiêm trọng, như sản phẩm mật ong giả, kém chất lượng, thực phẩm đông lạnh đã được phù phép, sửa hạn sử dụng… làm cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm không đảm bảo.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương trả lời câu hỏi của khách mời.
Ông Lê cho rằng, để hạn chế tình trạng thực phẩm bẩn, không an toàn thì các cơ quan Nhà nước cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm tra, giám sát và xây dựng cơ chế chính sách; doanh nghiệp cần hoàn thiện quy trình sản xuất kinh doanh, luôn giữ sản phẩm tốt hơn, đồng thời phải báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện sai phạm trong ATTP để kịp thời có biện pháp xử lý. Ngoài ra, người tiêu dùng cần có trách nhiệm, ý thức trong việc chọn mua thực phẩm.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Đức Lê, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, người tiêu dùng nên lựa chọn các đơn vị cung cấp thực phẩm uy tín và giữ lại các liên lạc với đơn vị cung cấp để có thể có phản ánh khi cần thiết. Đặc biệt phải quan tâm đến hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng, thời gian sử dụng.
Cũng tại đây, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá cao sự vào cuộc, đồng hành của các doanh nghiệp thương mại điện tử trong việc xây dựng hệ thống phân phối, từ hệ thống phân phối truyền thống đến hệ thống phân phối hiện đại, để có thể chung tay trong công tác phân phối và cung cấp hàng hóa an toàn đến với người tiêu dùng.
Hội thảo “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới” là diễn đàn để các cơ quan quản lý, các hiệp hội, các trường - viện, các tổ chức kinh tế, thương mại, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm, các cơ quan thông tấn báo chí cùng chung tay chia sẻ và tăng cường công tác truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, phát huy vai trò của doanh nghiệp trong việc thực thi các quy định về vệ sinh ATTP, giúp người tiêu dùng nhận biết, truy xuất thông tin về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm an toàn.
Đồng thời, vận động người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, hiểu đúng, dùng đúng thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Nhật Quang 

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 7
  • 1
  • 0
  • 4
  • 7
  • 0
lên đầu trang