Thứ sáu, 26/04/2024 | 12:55

Thứ sáu, 26/04/2024 | 12:55

An toàn thực phẩm

Cập nhật 08:18 ngày 13/06/2022

Quản lý an toàn thực phẩm từ gốc

Hiện nay, cùng với việc hỗ trợ các địa phương sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ, ngành Nông nghiệp Hà Nội đẩy mạnh việc giám sát chất lượng nông, lâm, thủy sản từ gốc, nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.
Lực lượng chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại huyện Đông Anh. Ảnh: Hoàng Bách
Vẫn còn vi phạm
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), để kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố đưa về Thủ đô tiêu thụ, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương xây dựng và phát triển 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Cùng với đó, Hà Nội hỗ trợ các trang trại, hộ nông dân tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm trong chuỗi để mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn.
Dẫn chứng thực tế, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (từ ngày 15-4 đến 15-5), huyện đã lấy 526 mẫu xét nghiệm nhanh, qua đó phát hiện 21 mẫu chưa bảo đảm các chỉ tiêu phân tích về an toàn thực phẩm.
Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã kiểm tra 141 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản và xử phạt 7 cơ sở với số tiền hơn 141 triệu đồng do các hành vi vi phạm như: Hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm; vi phạm các điều kiện chung về bảo đảm an toàn thực phẩm.
"Công tác lấy mẫu, giám sát được tập trung vào các nhóm sản phẩm, các công đoạn có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm. Với những mẫu vi phạm, Chi cục tiến hành cảnh báo nguy cơ, yêu cầu khắc phục và truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại các cơ sở có mẫu vi phạm", bà Nguyễn Thị Thu Hằng nói.
Trong khi đó, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, để kiểm tra phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, vật tư chăn nuôi trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, trạm chăn nuôi và thú y các quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 188 cơ sở chăn nuôi, đã cảnh cáo 8 trường hợp, phạt tiền 2 trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm với 1,5 triệu đồng.
Về nguyên nhân vẫn còn vi phạm trong quá trình kiểm tra an toàn thực phẩm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện nay, số lượng cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố nhiều, nhưng phần lớn nhỏ lẻ, thậm chí, một số cơ sở hoạt động theo thời vụ, gây khó khăn cho việc kiểm tra; nông sản chủ yếu được tiêu thụ qua kênh truyền thống chợ đầu mối, chợ dân sinh. Bên cạnh đó vẫn còn ít doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng có trung tâm trung chuyển, kho hàng lớn gây khó khăn cho việc cung cấp hàng hóa từ nơi sản xuất đến tiêu thụ. Việc thực hiện mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi là hướng đi bền vững, nhưng trong quá trình thực hiện còn khó khăn, tỷ lệ nông sản hàng hóa tiêu thụ thông qua hợp đồng còn thấp, kết nối thiếu bền vững...
Kiểm soát chặt từ nơi sản xuất
Để giám sát chặt chẽ chất lượng nông sản từ nơi sản xuất, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết, căn cứ quy hoạch từ nay đến năm 2025, huyện Đan Phượng trở thành quận, hiện huyện đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, tập trung quy mô lớn. Cùng với đó, hỗ trợ các hợp tác xã tạo mã QR để truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Còn theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình, thời gian tới, huyện sẽ tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản; tăng cường kiểm tra những cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản xếp loại C không bảo đảm đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu không có sự thay đổi sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Ở góc độ người sản xuất, theo bà Trương Kim Hoa - chủ trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất), các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân thay đổi thói quen tiêu dùng thực phẩm sạch có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; đồng thời hỗ trợ nông dân sản xuất theo hướng an toàn để kiểm soát ngay từ khâu sản xuất.
Để công tác quản lý an toàn thực phẩm đi vào nền nếp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định, Sở yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, thống kê 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; công khai kết quả kiểm tra trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và giám sát. Mặt khác, các địa phương cần tuyên truyền, vận động, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, trang trại có điều kiện sản xuất an toàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, lấy mẫu giám sát hậu kiểm tự công bố về chất lượng an toàn thực phẩm tại các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm trên thị trường.
Nguồn: hanoimoi.com.vn/
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 6
  • 6
  • 6
  • 1
  • 1
lên đầu trang