Thứ tư, 17/04/2024 | 05:32

Thứ tư, 17/04/2024 | 05:32

Tin tổng hợp

Cập nhật 01:15 ngày 02/12/2021

Sản xuất mỹ phẩm từ phụ phẩm tổ yến: Sẵn sàng chuyển giao công nghệ

Nếu như trước đây, việc sử dụng các loại mỹ phẩm được xem là xa xỉ chỉ dành riêng cho phụ nữ giới thượng lưu thì ngày nay, sự phát triển của công nghệ đã cho ra đời nhiều loại mỹ phẩm, trong đó có các sản phẩm dưỡng da với giá thành phải chăng, đáp ứng nhu cầu làm đẹp của nhiều đối tượng, tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Theo khảo sát của Q&Me, 53% người được khảo sát có thói quen chăm sóc da mỗi ngày, 14% chăm sóc da 2-3 lần/tuần và chỉ có 4% chăm sóc da ít hơn 1 lần/tuần.
Phế phẩm vụn tổ yến
Chia sẻ tại hội thảo chuyên đề “Ứng dụng công nghệ enzyme tạo nguồn nguyên liệu mỹ phẩm từ một số phế phụ phẩm” do Trung tâm Thông tin và Thông kê khoa học và công nghệ (CESTI) tổ chức ngày 25/11, Th.S Lê Phước Thọ - Giám đốc - Công ty TNHH Bio Nông lâm cho hay, năm 2020, giá trị thị trường ngành mỹ phẩm của Việt Nam đạt xấp xỉ 2.400 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ các sản phẩm chăm sóc da khoảng 360 tỷ đồng. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng mỹ phẩm của người Việt Nam là khá lớn, thị trường cho các sản phẩm chăm sóc da vì thế cũng được đánh giá là thị trường tiềm năng.
Cùng với đó là xu hướng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên để làm đẹp thay thế cho các sản phẩm mỹ phẩm có thành phần hóa học ngày một tăng.
Nắm bắt được thực trạng đó, Công ty TNHH Bio Nông lâm đã tận dụng hệ thống máy móc thiết bị và đội ngũ nhân lực chất lượng cao sẵn có để nghiên cứu và hoàn thiện quy trình công nghệ thủy phân vụn tổ yến tạo dịch acid amin. Dịch acid amin này sẽ được sử dụng làm hoạt chất bổ sung trong quá trình sản xuất mỹ phẩm.
Dịch amino acid thu được
Th.S Lê Phước Thọ cho biết, quy trình này ứng dụng công nghệ enzyme và nguyên liệu sử dụng chính là vụn tổ yến. Đây là phế phụ phẩm trong quá trình thu hoạch tổ yến, chứa lông, phân và giá trị kinh tế rất thấp. Để thủy phân vụn tổ yến thu dịch acid amin, các cán bộ của Công ty đã sử dụng enzyme protease. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại enzyme protease với cách sử dụng, công dụng và thông số khác nhau. Do đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành các thí nghiệm đơn yếu tố và đa yếu tố để tối ưu hóa quy trình sử dụng enzyme này sao cho hiệu quả thủy phân là tốt nhất. Các thí nghiệm cho kết quả, với tỷ lệ enzyme 3-5%, nhiệt độ 50-60 độ C, thời gian 60 – 90 phút, pH 6 -7, tốc độ khuấy 1.200 – 1.800 vòng/phút thì quá trình thủy phân sẽ xảy ra hoàn toàn và hàm lượng acid amin thu được trong dịch thủy phân là khá cao.
Tiến hành phân tích các chỉ tiêu chất lượng dịch thủy phân thu được kết quả, hàm lượng acid min tổng sau khi thủy phân đã tăng lên (81,979microg/ml) so với trước khi thủy phân (53,903). Trong khi đó, chỉ số kháng oxy hóa cũng tương đối cao. Ngoài ra, dịch thủy phân cũng đảm bảo “Tiêu chuẩn giới hạn vi khuẩn, nấm mốc trong mỹ phẩm” ban hành kèm theo Quyết định số Quyết định 48/2007/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Các mẫu kem ở thời điểm 21 ngày ở 40oC. (1), (2), (3), (4), (5), (6) bổ sung theo tỉ lệ lần lượt là 0,5%; 1%; 1,5%; 2%; 2,5%; 3%.
Sau khi thu được dịch thủy phân, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phối trộn dịch thủy phân thu được vào sản phẩm kem dưỡng da với tỷ lệ 0,5 - 3%. Sau đó, nhóm theo dõi các biến đổi trong 14 ngày và 21 ngày ở các nhiệt độ 4 độ C, nhiệt độ phòng và 40 độ C để tìm ra tỷ lệ phối trộn phù hợp nhất theo công thức mà Công ty đã xây dựng.  Kết quả, ở nhiệt độ 40 độ C, với 2% dịch amino acid, sản phẩm kem dưỡng da vẫn giữ nguyên được các đặc tính ban đầu mà không bị biến đổi về màu sắc, mùi hương.
“Dịch amino acid được thủy phân từ vụn tổ yến qua các thử nghiệm cho thấy hoàn toàn phù hợp cho việc ứng dụng làm nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm” – ThS. Lê Phước Thọ khẳng định. Đồng thời cho biết thêm, tùy thuộc vào thế mạnh sẵn có của từng doanh nghiệp, từng công ty để lựa chọn, xây dựng và nghiên cứu một quy trình phù hợp cho từng nhóm hợp chất/hoạt chất làm nguồn nguyên liệu tiềm năng ứng dụng cho ngành mỹ phẩm.
Được biết, công nghệ thủy phân bằng công nghệ enzyme của Công ty TNHH Bio Nông lâm để tạo ra dịch amino acid đã sẵn sàng chuyển giao cho các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu.
Hà Nguyễn

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 5
  • 8
  • 1
  • 1
  • 9
  • 4
lên đầu trang