Thứ sáu, 29/03/2024 | 07:46

Thứ sáu, 29/03/2024 | 07:46

Tin tổng hợp

Cập nhật 07:59 ngày 29/10/2021

Ứng dụng công nghệ enzyme sản xuất protein thủy phân từ phế phẩm xương cá

Mới đây, Viện Công nghệ hóa học (Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam) đã sản xuất thành công protein thủy phân và vật liệu hydroxyapatite (HA) từ phế phẩm xương cá bằng phương pháp enzyme.
Xương cá được xem là một loại phế phẩm trong quá trình chế biến tại các nhà máy chế biến thủy hải sản, thường được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi với giá trị kinh tế thấp. Mặc dù vậy, trong xương cá lại chứa hàm lượng canxi rất cao cùng nhiều protein và các axit amin thiết yếu khác. Đặc biệt, xương cá còn là nguồn thu nhận hydroxyapatite (HA) – một loại vật liệu được sử dụng nhiều trong ngành y sinh như cấy ghép xương nhân tạo, hoặc bào chế thuốc chữa trị bệnh thoái hóa xương.
Xương cá chứa nhiều canxi. (Ảnh: https://naganic.vn/)
Việc thu hồi protein từ phụ phẩm xương cá không phải là quá mới tại nước ta cũng như trên thế giới nhưng việc sản xuất bột HA trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn do chi phí cao. Nhằm tiết kiệm tối đa chi phí cho quá trình sản xuất hai dòng sản phẩm có giá trị cao là protein và bột HA, Viện Công nghệ hóa học (Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu sử dụng enzyme để thủy phân protein từ phụ phẩm cá có giá trị thấp và đồng thời sử dụng chất thải rắn của quá trình thủy phân nhằm tạo ra thêm sản phẩm bột canxi hydroxyapatite (HA) ở kích thước nano có giá trị.
Triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu lựa chọn phương pháp enzyme để thủy phân 3 loai xương cá gồm xương cá hồi, xương cá chẽm và xương cá ngừ. Cùng với quy trình xử lý, thủy phân các loại xương cá để sản xuất chế phẩm protein thủy phân hòa tan trong nước, nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng quy trình sử dụng chất thải của quá trình thủy phân để sản xuất bột HA có kích thước nano, có độ tinh sạch và tính tương thích sinh học cao bằng phương pháp thủy nhiệt.
Sản phẩm protein thủy phân và bột nano HA của Viện Công nghệ hóa. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
TS. Nguyễn Trí – Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, các quy trình này được đưa vào thử nghiệm ở quy mô pilot, công suất 30 kg xương/mẻ để hoàn thiện quy trình sản xuất bột nano canxi hydroxyapatite và protein thủy phân bằng enzyme.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiệu suất thu hồi protein đối với 3 loại xương cá hồi, cá chẽm và cá ngừ đạt từ 60 đến 83%; hiệu suất tổng hợp bộ HA đạt từ 44 đến 56% tùy vào từng loại xương (so với lượng bã rắn ban đầu). Đáng chú ý, sản phẩm bột HA kích thước nano thu được có độ tương thích sinh học cao và có khả năng bổ sung canxi cho răng.
Ngoài ra, các sản phẩm protein (dạng bột và paste), bột HA đều được kiểm nghiệm tại Viện Pasteur TPHCM. Kết quả đánh giá đạt chất lượng ở các chỉ tiêu về hóa lý, vi sinh.
Việc sản xuất thành công protein thủy phân và bột HA từ xương cá sẽ giúp các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản có thể tận dụng tối đa phụ phẩm từ quá trình chế biến, qua đó nâng cao lợi ích kinh tế, góp phần tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn hẳn, bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững ngành chế biến thủy hải sản. Viện Công nghệ hóa học sẽ tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu, từng bước hoàn thiện sản phẩm để có thể sớm phát triển trên quy mô công nghiệp.
Bích Phương
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 3
  • 8
  • 2
  • 9
  • 3
  • 8
lên đầu trang