Thứ năm, 16/05/2024 | 18:57

Thứ năm, 16/05/2024 | 18:57

An toàn thực phẩm

Cập nhật 01:23 ngày 30/01/2019

Đà Nẵng: Kiểm soát chặt an toàn thực phẩm

Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thực phẩm đặc biệt tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, đi kèm với đó là những nguy cơ tiềm ẩn của thực phẩm không bảo đảm an toàn trà trộn vào thị trường.
Thực phẩm vỉa hè - nỗi lo lớn
Thịt muối, củ kiệu, chả bò là những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm dịp Tết cổ truyền của người miền Trung. Dịp cận Tết, thực phẩm này được bán ở mọi nơi, từ các siêu thị, chợ truyền thống đến cửa hàng tạp hóa và nhiều nhất là vỉa hè, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao. "Đây là nỗi lo lớn nhất của các cơ quan chức năng, trong đó có quản lý thị trường (QLTT)" - ông Trần Phước Trí - quyền Cục trưởng Cục QLTT Đà Nẵng - chia sẻ.

Lực lượng quản lý thị trường Đà Nẵng kiểm tra việc bảo đảm các quy định an toàn thực phẩm tại chợ Hàn
Thói quen tiêu dùng của người dân hiện nay vẫn theo hướng chuộng hàng tự sản xuất (handmade). Tuy nhiên, những sản phẩm này khi phát sinh sự cố, cơ quan quản lý rất khó xử lý. Việc bán một số thực phẩm, nhất là những món ăn truyền thống, trên vỉa hè là nhu cầu tự phát của người dân, chỉ nổi lên vào dịp Tết. Có cầu ắt có cung, nhiều người dân đã tranh thủ dịp Tết chế biến các món ăn để bán cho người có nhu cầu sử dụng. Các hộ sản xuất tự phát này không có đăng ký kinh doanh, cũng không có cơ quan nào quản lý được chất lượng sản phẩm.
Do vậy, ông Trần Phước Trí khuyến cáo, người tiêu dùng không mua hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; cần tới những điểm bán bảo đảm uy tín, chất lượng, mua - bán hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, đầy đủ nhãn mác và hóa đơn chứng từ để khi phát sinh sự cố, cơ quan chức năng có căn cứ để xử lý.
Bảo đảm xuất xứ hàng hóa
Để người dân được hưởng Tết Nguyên đán trọn vẹn, bảo đảm an toàn, Sở Công Thương Đà Nẵng đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp dự trữ hàng hóa Tết lên đến 1.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hạn chế đến mức thấp nhất những phát sinh tiêu cực về an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng thực phẩm, công nghệ thực phẩm. Ban An toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng đã tiến hành kiểm soát chất lượng đầu nguồn của sản phẩm. Theo đó, mặt hàng rau, củ, quả được kiểm soát chất lượng từ chợ đầu mối Hòa Cường; thủy, hải sản tươi sống được kiểm soát từ chợ hải sản Thọ Quang; các mặt hàng gia cầm tươi sống thì được kiểm dịch và có đóng dấu thú y…
Tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố, đều thành lập Tổ quản lý về an toàn thực phẩm chuyên nhắc nhở các tiểu thương thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo ông Hoàng Cung Thượng Đức - Phó Trưởng ban Ban Quản lý chợ Hàn, chợ Hàn có hơn 200 quầy hàng thực phẩm, công nghệ thực phẩm. Thực phẩm khi nhập vào chợ Hàn đều được kiểm soát chặt chẽ, các mặt hàng sơ chế phải được đóng gói, dán tem nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng… Chợ Hàn đang thí điểm dán tem QR Code để người dân nâng cao thói quen tiêu dùng hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tạo niềm tin cho khách hàng, tăng ý thức kinh doanh của người tiêu dùng.
Ông Trần Phước Trí - quyền Cục trưởng Cục QLTT Đà Nẵng: Lực lượng QLTT sẽ phối hợp với Ban An toàn thực phẩm Đà Nẵng, các thành viên của Ban chỉ đạo 389 thành phố siết chặt kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, lực lượng QLTT sẽ chủ động rà soát, tăng cường nắm bắt thị trường để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm cũng như hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là vào thời điểm sau ngày 15/12 Âm lịch.

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 8
  • 6
  • 1
  • 9
  • 5
  • 6
lên đầu trang