Thứ hai, 29/04/2024 | 06:42

Thứ hai, 29/04/2024 | 06:42

Kiến thức khoa học

Cập nhật 08:20 ngày 08/01/2024

Xây dựng mô hình xử lý phế, phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ tại Sóc Trăng

Nhằm tận dụng nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp làm nguồn nguyên liệu giàu dinh dưỡng cho nền nông nghiệp hữu cơ, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững, Viện cây ăn quả Miền Nam đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình xử lý phế, phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, phân chuồng,…) thành phân bón hữu cơ tại tỉnh Sóc Trăng”.
Sóc Trăng là tỉnh nông nghiệp, diện tích đất được sử dụng vào mục đích nông nghiệp là 278.979 ha, chiếm 84,59% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh (Niên Giám thống kê tỉnh Sóc Trăng, năm 2021), sản lượng phế, phụ phẩm của ngành nông nghiệp như rơm rạ, thân lõi ngô, vỏ trấu, chất thải chăn nuôi, nuôi thủy sản dồi dào,....
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, với trên 350.000 ha đất trồng lúa, trung bình hàng năm sản lượng lúa đạt khoảng 2 triệu tấn, thải bỏ ra môi trường gần 1,5 triệu tấn rơm rạ,... Bên cạnh đó, lượng phân chuồng thải, chất thải trong ngành thủy sản,… cũng chiếm tỷ trọng lớn. Do đó, việc hoàn thiện quy trình xử lý phế phụ phẩm thành phân bón hữu cơ phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế là yêu cầu thiết thực.
Tận dụng lại nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp sẽ giúp giảm ô nhiễm môi trường, tăng trưởng nông nghiệp xanh (Ảnh minh họa: thiennhienmoitruong.vn/)
Nhằm tận dụng nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, phân chuồng,… làm nguồn nguyên liệu giàu dinh dưỡng cho nền nông nghiệp hữu cơ, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng lượng lớn chất dinh dưỡng, phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững. Tháng 12/2022, TS. Nguyễn Thị Ngọc Trúc cùng các cộng sự của Viện cây ăn quả Miền Nam triển khai thực hiện dự án: “Xây dựng mô hình xử lý phế, phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, phân chuồng,…) thành phân bón hữu cơ tại tỉnh Sóc Trăng”.
Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xây dựng mô hình sản xuất phân bón hữu cơ từ phế, phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, phân chuồng…) tại tỉnh Sóc Trăng, quy mô 5 tấn phân bón hữu cơ/mô hình; Hoàn thiện quy trình sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn phế, phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, phân chuồng…) tại tỉnh Sóc Trăng; Tổ chức 02 lớp tập huấn (30 người/lớp).
Chia sẻ về kết quả thực hiện dự án, TS. Nguyễn Thị Ngọc Trúc - chủ nhiệm dự án cho biết, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện được quy trình sử dụng kết hợp các dòng vi sinh vật có lợi như: Trichoderma spp, Bacillus subtilis, Burkhoderia stropica, Enterobacter cloacea để xử lý phân bò. Quy trình này đã rút ngắn thời gian phân hủy còn lại 45 ngày, giảm nhanh sự phát sinh mùi hôi, ức chế được một số vi sinh vật gây bệnh như E.coli, Samonella, Coliform trong phân bò. Phân hữu cơ thu được có chất lượng tốt, đạt yêu cầu theo quy định sản xuất phân hữu cơ theo QCVN 01-189:2019/BNNPTNT. Quy trình sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý phân chuồng và phế phụ phẩm trong nông nghiệp đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với quy mô chăn nuôi trang trại cũng như quy mô hộ gia đình.
Buổi nghiệm thu dự án “Xây dựng mô hình xử lý phế, phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, phân chuồng,…) thành phân bón hữu cơ tại tỉnh Sóc Trăng” (Nguồn ảnh: sokhcn.soctrang.gov.vn/)
Kết quả của dự án sẽ góp phần giúp tận dụng hiệu quả lượng phế, phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân; góp phần tăng giá trị, hiệu quả kinh tế trong sản xuất, phát triển bền vững ngành nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.
Từ những kết quả và lợi ích mà dự án mang lại, ngày 30/12/2023, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức họp Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện dự án và xếp loại Đạt. 
Phương Loan
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 8
  • 8
  • 2
  • 8
  • 3
lên đầu trang