Thứ ba, 30/04/2024 | 09:57

Thứ ba, 30/04/2024 | 09:57

Tin tổng hợp

Cập nhật 05:07 ngày 06/07/2023

Ứng dụng chế phẩm cao lỏng Tam thất hỗ trợ điều trị bệnh ung thư

Nhận thấy lợi ích của chế phẩm cao lỏng Tam thất, TS. Lê Thị Hồng Vân - Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn (Đại học Y dược TP.HCM) cùng các cộng sự đã thực hiện nhiệm vụ cấp Sở: "Hoàn thiện quy trình nghiên cứu cao định chuẩn và chế phẩm cao lỏng Tam thất chế có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư từ dược liệu Tam thất (Panax notoginseng)". 
Lợi ích từ chế phẩm cao lỏng Tam thất
Tam thất có nhiều tác dụng dược lý đặc trưng của chi Panax như tăng lực, chống trầm cảm, tăng sinh thích nghi, tác dụng chống oxy hóa. Trong các nghiên cứu tác dụng điều hòa miễn dịch in vitro và  in vivo, Tam thất có tác dụng kích thích miễn dịch, rút ngắn thời gian đông máu. Ngoài ra, Tam thất còn có tác dụng kích thích chức năng nội tiết sinh dục nữ, giãn mạch ngoại biên. Trong y học cổ  truyền, Tam thất được sử dụng để chữa trị chứng thổ huyết, chảy máu cam, băng huyết, rong kinh, có tinh hoạt huyết, chữa thiếu máu, mệt mỏi, chóng mặt.
Mặt khác, Tam thất còn có tác dụng chống ung thư, cụ thể là có tác dụng làm giảm kích thước khối u trên chuột nhắt gây ung thư bằng cách cấy vào tế bào ung thư ác tính. Trong các nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học đã chứng minh rằng Tam thất còn làm hạn chế sự di căn của tế bào ung thư và kéo dài thời gian sống ở chuột bị ung thư.
Tam thất có giá trị không kém Nhân sâm do có hàm lượng saponin cao hơn gấp đôi so với Nhân sâm, và đồng thời có một số tác dụng đặc biệt mà Nhân sâm không có, ngoài ra giá thành lại rẻ hơn so với Nhân sâm Hàn Quốc (Ảnh minh họa: suckhoedoisong.vn/)
Tuy nhiên, theo TS. Lê Thị Hồng Vân - Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn, trên thị trường Việt Nam, sản phẩm từ Tam thất hỗ trợ điều trị ung thư được bào chế từ Tam thất chế dạng Hồng sâm còn khá hạn chế. Đa số các sản phẩm được bào chế từ Tam thất ở dạng bột Tam thất, hoặc viên nén, viên nang… mà chưa có dạng cao lỏng. Đây là dạng bào chế cho hiệu quả trong hấp thu hơn so với các dạng bào chế viên nén, viên nang.
Do vậy, TS. Lê Thị Hồng Vân cùng các nhà khoa học tại Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn đã thực hiện nhiệm vụ "Hoàn thiện quy trình nghiên cứu cao định chuẩn và chế phẩm cao lỏng Tam thất chế có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư từ dược liệu Tam thất (Panax notoginseng)" nhằm phát triển sản phẩm cao lỏng từ chế phẩm Tam thất, giúp hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân ung thư. 
Mục tiêu chính của nhiệm vụ là lựa chọn nguồn nguyên liệu Tam thất và phân lập các chất chuẩn từ Tam thất; Xây dựng tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) cho Tam thất; Nghiên cứu điều kiện chế biến Tam thất và xây dựng TCCS cho Tam thất chế; Nghiên cứu điều kiện chế biến Tam thất và xây dựng TCCS cho Tam thất chế; Nghiên cứu xây dựng quy trình bào chế sản phẩm cao lỏng Tam thất chế; Xây dựng TCCS cho sản phẩm cao lỏng Tam thất chế; Khảo sát độc tính và hoạt tính của cao Tam thất chế và sản phẩm cao lỏng Tam thất chế.
Từ chế phẩm đến thành phẩm
Sau thời gian nghiên cứu, TS. Lê Thị Hồng Vân cho biết, nhiệm vụ đã đạt được các mục tiêu đề ra cùng với các sản phẩm cụ thể đã đăng ký trong thuyết minh. Cụ thể, nhóm triển khai nhiệm vụ đã phân lập được 8 chất tinh khiết làm chất chuẩn cho việc xây dựng tiêu chuẩn nguyên liệu đầu vào và tiêu chuẩn cho bán thành phẩm và thành phẩm từ dược liệu Tam thất chế, đồng thời xây dựng được quy trình định lượng của các ginsenosid chính trong nguyên liệu, cao chiết và thành phẩm. Cụ thể, nhóm đã thiết lập 5 tiêu chuẩn cơ sở với các chỉ tiêu cơ bản của nguyên liệu dược liệu và cao chiết của Nguyên liệu Tam thất, Tam thất chế, Cao định chuẩn Tam thất chế, Cao đặc Tam thất chế, và Cao lỏng Tam thất chế.
"Các tiêu chuẩn này đã được thẩm định bởi cơ quan độc lập là Viện kiểm nghiệm thuốc TP.HCM. Đặc biệt, tiêu chuẩn cơ sở của nguyên liệu Tam thất đầu vào được lựa chọn, so sánh và đối chiếu với 31 mẫu dược liệu tươi, khô có nguồn từ Trung Quốc và cả Việt Nam. Nguyên liệu có hàm lượng ginsenosid tổng (G-Rb1 + G-Rg1 + G-Rd + G-Re và NR1) lớn hơn 8%, cao hơn gần 1,5 lần so với tiêu chuẩn hiện hành của Dược điển Việt Nam. Đặc biệt, tiêu chuẩn hàm lượng kim loại nặng đã được đưa vào cho tất cả TCCS của nguyên liệu, bán thành phẩm và thành phẩm.” - TS. Lê Thị Hồng Vân khẳng định. 
Sản phẩm cao lỏng Tam thất chế (Ảnh: nhóm nghiên cứu)
Nhóm nghiên cứu đã khảo sát quy trình chế biến Tam thất chế dựa vào sự thay đổi hàm lượng ginsenosid và sự thay đổi hoạt tính ức chế phát triển tế bào ung thư phổi A549, ung thư vú MDA-MB-231, từ đó lựa chọn ra điều kiện chế biến phù hợp là hấp Tam thất ở 120 độ C trong 4 giờ. Đồng thời, tối ưu hóa quy trình chiết cao định chuẩn hóa dựa trên hiệu suất chiết cao và hàm lượng ginsenosid tổng; xây dựng quy trình chế biến cao định chuẩn, cao đặc toàn phần từ Tam thất chế đạt hàm lượng ginsenosid cao; và xây dựng quy trình điều chế sản phẩm cao lỏng từ Tam thất chế...
Bên cạnh đó, nhóm triển khai nhiệm vụ đã tạo được dạng chế phẩm cao lỏng Tam thất từ cao đặc Tam thất chế nhằm gia tăng hoạt tính so với dạng Tam thất chưa chế, đồng thời chế phẩm dạng lỏng cũng giúp tăng độ hấp thu của sản phẩm so với các sản phẩm như viên uống. Chế phẩm được định hướng hỗ trợ cho bệnh nhân điều trị ung thư với liều sử dụng dự kiến khoảng 2-3 lần/ngày. Từ việc tính toán chi phí, có thể ước lượng chi phí cho một ngày sử dụng sản phẩm là 35.000 - 40.000 đồng (trong đó chi phí nguyên vật liệu khoảng 20.000-25.000 đồng/ngày). Chi phí này là hợp lý cho sản phẩm từ Tam thất để hỗ trợ điều trị.
TS. Lê Thị Hồng Vân (trái) trao đổi với đại diện hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ về kết quả nghiên cứu (Ảnh: nhóm nghiên cứu)
Theo TS. Lê Thị Hồng Vân, kết quả thử nghiệm dược lý tiền lâm sàng trên sản phẩm cao chuẩn hóa cũng giống như là cao lỏng tam thất đã cho thấy hai dạng chế phẩm này mang lại những tác dụng tăng cường hơn với dạng tam thất chưa chế biến, đặc biệt là tác dụng ức chế khối u cũng như là tác dụng chống huyết khối trên động vật thử nghiệm.
Với những kết quả đạt được, tháng 02/2023, nhiệm vụ "Hoàn thiện quy trình nghiên cứu cao định chuẩn và chế phẩm cao lỏng Tam thất chế có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư từ dược liệu Tam thất (Panax notoginseng)" đã được Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu, đạt yêu cầu. Trong tương lai, nhóm nghiên cứu mong muốn dự án sẽ được tiếp tục phát triển ở pha tiếp theo, đó là sản xuất thực nghiệm cũng như thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân, đưa được sản phẩm hiệu quả đến bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân có những vấn đề liên quan đến điều trị ung thư.
Phương Loan
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 9
  • 8
  • 4
  • 7
  • 3
lên đầu trang