Thứ hai, 13/05/2024 | 10:10

Thứ hai, 13/05/2024 | 10:10

Tin tổng hợp

Cập nhật 01:29 ngày 09/03/2023

Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến đặc tính microsphere ethylcellulose điều chế bằng phương pháp tách loại dung môi

Là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp cơ sở, do Đại học Y Dược TP.HCM chủ trì thực hiện, TS. Lê Minh Quân làm chủ nhiệm, được nghiệm thu năm 2022.
Microsphere cấu trúc polymer (polymeric microsphere cầu) được điều chế cho mục tiêu chính là chuyển giao thuốc có kiểm soát. Khác với các hệ chuyển giao kích thước nano, các microsphere có khả năng kéo dài đáng kể sự phóng thích hoạt chất, có thể trong 24 giờ hoặc lên đến 60 ngày tùy thuộc vào bản chất polymer. Nhờ vào khả năng kiểm soát sự phóng thích thuốc, cùng với kích thước nhỏ cỡ micromet, các microsphere có thể được sử dụng trực tiếp như một dạng bào chế (ví dụ thuốc tiêm phóng thích kéo dài, thuốc tiêm cấy, thuốc khí dung…) hoặc là dạng sản phẩm trung gian cho các dạng bào chế hiện đại khác (viên nén thuộc hệ chuyển giao thuốc đa tiểu phân - MUPs, viên phóng thích kéo dài nổi trong dạ dày, thuốc phóng thích kéo dài nhiều pha dùng đường uống).
Vì vậy, hệ chuyển giao thuốc có bản chất microsphere là đối tượng nghiên cứu nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà bào chế trên thế giới trong khoảng 3 thập niên gần đây. Trên thế giới, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để điều chế microsphere bằng các phương pháp khác nhau. Trong đó, hệ các phương pháp tách loại dung môi đã và đang được nghiên cứu rộng rãi nhất.
Tại Việt Nam, hiện chưa có nhiều nghiên cứu về microsphere trong lĩnh vực dược, đặc biệt là các công bố điều chế microsphere bằng phương pháp nhũ tương hóa, vốn là phương pháp phổ biến nhất và khả thi để triển khai sản xuất trên quy mô lớn.
Đề tài nêu trên được thực hiện với mục tiêu làm chủ kỹ thuật điều chế microsphere chứa hoạt chất thân nước bằng phương pháp tách loại dung môi trong điều kiện Việt Nam để làm cơ sở phát triển các dạng bào chế hiện đại dùng đường uống.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành sàng lọc các yếu tố có ảnh hưởng đến tính chất microsphere; nghiên cứu điều chế microsphere có các tính chất kích cỡ, độ xốp và tỉ lệ tải hoạt chất khác nhau; nghiên cứu mức độ và động học phóng thích hoạt chất từ microsphere.
Theo đó, đã xác định được các yếu tố công thức và quy trình có ảnh hưởng đến tính chất của microsphere tạo thành. Đối với quy trình điều chế microsphere ethylcellulose bằng phương pháp tách loại dung môi, các yếu tố về thành phần công thức có tác động đến tốc độ tách loại dung môi và hóa rắn của polymer đều sẽ có ảnh hưởng đến tính chất microsphere tạo thành. Nồng độ polymer, thể tích pha dầu, nồng độ chất ổn định nhũ tương, thời gian đồng nhất hóa nhũ tương, tốc độ khuấy tách loại dung môi, thể tích môi trường tách loại dung môi, phương thức phối hợp hoạt chất, độ nhớt polymer, loại dung môi hữu cơ, loại chất ổn định nhũ tương.
Trong đó, nồng độ polymer, thời gian và tốc độ đồng nhất hóa nhũ tương có vai trò quan trọng hơn cả. Xu hướng tác động của từng yếu tố cũng được ước lượng thông qua các phép thống kê bằng phần mềm.
Kết quả nghiên cứu cũng xác định được các điều kiện điều chế phù hợp để thu được các microsphere có kích thước, độ xốp và tỉ lệ tải hoạt chất định trước. Quy luật ảnh hưởng của ba thông số điều chế trọng yếu là nồng độ polymer, thời gian và tốc độ đồng nhất hóa nhũ tương có thể được biểu diễn qua những phương trình toán học cụ thể. Sự tương tác qua lại lẫn nhau cùng đồng thời ảnh hưởng trên tính chất microsphere đã được làm rõ. Qua đó, xác nhận khả năng thiết lập trước những điều kiện điều chế cụ thể nhằm thu được microsphere có tính chất mong đợi xác định.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã xác định được sự ảnh hưởng của kích thước, độ xốp và tỉ lệ tải hoạt chất đến khả năng kiểm soát sự phóng thích hoạt chất của microsphere. Cả ba tính chất kích thước, tỉ lệ tải hoạt chất và độ xốp đều có ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến khả năng kiểm soát sự phóng thích dược chất mô hình từ microsphere. Quan trọng hơn, cơ chế giải phóng hoạt chất khác biệt trong từng trường hợp đã được quan sát qua thực nghiệm.
Việc xác lập được các mối liên quan giữa tính chất microsphere với độ GPHC (giải phóng hoạt chất), đồng thời xác lập được điều kiện điều chế để đạt được microsphere có tính chất định trước là hai yếu tố căn bản giúp làm chủ quy trình điều chế microsphere. Qua đó, nhà bào chế có thể điều biến độ GPHC của microsphere nhằm đạt được các mục tiêu khác nhau trong điều chế các dạng sản phẩm về sau, cũng như trong điều trị.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Theo https://cesti.gov.vn/
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 8
  • 3
  • 4
  • 2
  • 8
  • 0
lên đầu trang