Thứ hai, 29/04/2024 | 11:12

Thứ hai, 29/04/2024 | 11:12

Tin tổng hợp

Cập nhật 08:52 ngày 19/12/2023

Phương pháp bảo quản rau củ nhờ chế phẩm Chitosan từ vỏ tôm

Nhằm hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, ngày 13/12/2023 Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Văn Lang tổ chức sự kiện “Hợp tác công nghệ” với chủ đề “Quy trình sản xuất chế phẩm Chitosan từ vỏ tôm ứng dụng trong bảo quản rau quả”, trong đó Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) là đơn vị thực hiện.
Tham gia sự kiện có TS Vũ Thị Quyền - Trưởng ngành công nghệ sinh học, Khoa Công nghệ ứng dụng, Trường Đại học Văn Lang; Ông Nguyễn Đức Tuấn - Quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ; ông Phan Thanh Lộc - Giám đốc Công ty CP Việt Nam Food; Ông Hồ Phúc Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Quốc tế Tip To Mã Lai; Ông Trần Quốc Bình - Công ty CP Sản xuất và Thương Mại Việt Quốc Thịnh
Sự kiện còn có sự tham gia trực tuyến của đại diện các Sở, Ban, ngành, các thầy cô đến từ các trường đại học và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng thực phẩm trên toàn quốc.
Ông Nguyễn Đức Tuấn - Quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc (Ảnh chụp màn hình)
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Đức Tuấn - Quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ cho biết: Vỏ tôm phế liệu là nguồn nguyên liệu tự nhiên rất dồi dào, giá thành thấp. Tuy nhiên, trong một thời gian dài trước đó, vỏ tôm lại được coi là phế phẩm cần phải xử lý. Do đó, gần đây việc nghiên cứu các chế phẩm sinh học để bảo quản thực phẩm đang nhận được quan tâm hàng đầu của các nhà nghiên cứu.
TS Vũ Thị Quyền - Trưởng ngành công nghệ sinh học, Khoa Công nghệ ứng dụng, Trường Đại học Văn Lang (Ảnh chụp màn hình)
Tại sự kiện, TS Vũ Thị Quyền - Trưởng ngành công nghệ sinh học, Khoa Công nghệ ứng dụng, Trường Đại học Văn Lang đã chia sẻ chi tiết quy trình sản xuất chế phẩm Chitosan từ vỏ tôm. Theo đó, quy trình sản xuất thử nghiệm Chitosan từ vỏ tôm gồm 5 công đoạn chính bao gồm: (1) Xử lý nguyên liệu để loại bỏ tạp chất sót lại trong vỏ tôm, phơi sấy ở nhiệt độ 35-45 độ C; (2) Sử dụng các dung dịch để khử khoáng; (3) Khử protein bằng cách dùng NaOH 5% ngâm bột vỏ tôm (protein bị kiềm thủy phân thành các amin tự do hoà tan trong nước). Sản phẩm sau đó được sấy khô ở 60oC để thu được chitin thô.
(4) Quá trình deacetyl hóa bằng cách sử dụng NaOH 46%, thời gian 3 giờ ở nhiệt độ 90oC. Sau gia nhiệt thực hiện deacetyl, tiến hành rửa trung tính đến khi khi pH = 7. Rửa xong, đem sấy khô ở nhiệt độ 60oC thu được chitosan; (6) Cân trọng lượng Chitosan thô thông qua việc tính toán hệ số thu hồi chitosan, mô tả sản phẩm và đo chỉ tiêu độ ẩm của chitosan. Tỷ lệ thu hồi chitosan bình quân 26 - 30%.
Các đại biểu tham dự trao đổi nhiều nội dung liên quan đến giá thành chế phẩm, hiệu quả bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ thường, cũng như những khó khăn thách thức trong quá trình thương mại hoá sản phẩm. (Ảnh chụp màn hình)
Chế phẩm Chitosan sau đó được ứng dụng thử nghiệm trong bảo quản rau củ cho thấy kết quả rất khả quan. Cụ thể, ở nhiệt độ 10 độ C thì Chitosan có thể bảo quản cà chua trong 22 ngày, bí xanh trong 25 ngày, bắp cải trong 21 ngày, chuối trong 18 ngày, nhãn trong 15 ngày, chôm chôm trong 16 ngày, bưởi trong 65 ngày, cam sành trong 60 ngày, chanh ta trong 35 ngày, chanh dây trong 3 ngày,...
Kết quả nghiên cứu đã cho thấy việc sản xuất Chitosan từ vỏ tôm mang ý nghĩa rất lớn về mặt môi trường, hiệu quả trong bảo quản rau quả, không gây độc hại cho người, vật nuôi và môi trường sinh thái. Chế phẩm có thể ứng dụng rộng rãi trong bảo quản các loại rau quả nhiệt đới và giúp kéo dài tuổi thọ rau quả từ 2-3 lần so với phương pháp bảo quản thông thường; Chế phẩm không độc, dễ áp dụng nên có thể ứng dụng phù hợp quy mô vi gia đình, trang trại và doanh nghiệp, giúp người dân chủ động nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập, phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững. Đồng thời giải quyết vấn đề xử lý phụ phẩm vỏ tôm, mang lại nguồn lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ sự kiện, đại diện đơn vị cung ứng và một số doanh nghiệp đã thực hiện ký kết biên bản hợp tác công nghệ quy trình sản xuất chế phẩm Chitosan từ vỏ tôm ứng dụng trong bảo sản rau quả.
Chitosan là một polysacarit mạch thẳng, cấu bởi các phân tử D-glucosamine (đơn vị đã deaxetyl hóa) và N-acetyl-DGlucosamine (đơn vị chứa nhóm acetyl) liên kết với nhau tại vị trí β-(1-4). Chitosan đã được sản xuất thương mại bằng phản ứng Ndeacetyl hóa chitin, thành phần chính trong vỏ từ quá trình xử lý vỏ các loài giáp xác (phổ biến là vỏ tôm, cua) và côn trùng, trong môi trường dung dịch kiềm NaOH (hay còn gọi là quá trình khử acetyl của chitin). Độ deacetyl hóa được sử dụng để phân biệt chitin và chitosan. Khi độ deacetyl hóa của chitin lớn hơn hoặc bằng 50% (phụ thuộc vào nguồn gốc của polymer), nó trở nên tan trong môi trường acid và được gọi là chitosan.
Ngoài nhóm động vật giáp xác thì các loài côn trùng như gián, bọ cánh cứng, tảo nâu… cũng chứa hàm lượng lớn chitin trong vỏ, do vậy cũng là nguồn cung cấp chitosan quan trọng trong tự nhiên.
Minh Khuê

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 9
  • 0
  • 6
  • 4
  • 0
lên đầu trang