Thứ hai, 29/04/2024 | 20:11

Thứ hai, 29/04/2024 | 20:11

Tin tổng hợp

Cập nhật 08:02 ngày 04/12/2023

Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sinh học phát triển các sản phẩm thiên nhiên

Mới đây, tại Hà Nội, Hội nghị khoa học quốc gia về nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tự nhiên lần thứ 8 với chủ đề “Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm tự nhiên và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” đã diễn ra. 
Sự kiện do Hội khoa học các Sản phẩm thiên nhiên Việt Nam (VNPS), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA), Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF), Chương trình KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp (KC.07/21-30), Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và một số đơn vị phối hợp tổ chức.
Chia sẻ tại Hội nghị, GS.TS. Phạm Văn Thiêm - Chủ tịch Hội VNPS cho biết, hiện nay, nhu cầu đối với các sản phẩm thiên nhiên (SPTN) ngày càng tăng nhanh. Trong chuỗi giá trị SPTN nông lâm thủy sản, khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò đặc biệt quan trọng, do đó cần phát huy và tận dụng tối đa những tiến bộ KH&CN từ khâu chọn tạo giống, nuôi trồng, thu hoạch, chế biến và bảo quản.
GS.TS. Phạm Văn Thiêm - Chủ tịch Hội VNPS phát biểu tại Hội nghị (Nguồn ảnh: http://sokhoahoccongnghe.phutho.gov.vn/)
Hội nghị được tổ chức 2 năm/lần, tập trung vào các sản phẩm tự nhiên; ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm; kiểm tra, quản lý, truy xuất nguồn gốc SPTN. Hội nghị là dịp để giới thiệu các kết quả nghiên cứu mới trong phát triển các SPTN, là diễn đàn kết nối các nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý, thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ KH&CN để phát triển SPTN trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Tại sự kiện, nhiều vấn đề được đặt ra như chính sách phát triển các SPTN, thực phẩm chức năng và sản phẩm nông lâm thủy sản; ứng dụng CNSH trong xử lý nguyên liệu thiên nhiên và nông lâm thủy sản; kinh tế tuần hoàn và vai trò của nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chuỗi cung ứng SPTN, truy xuất nguồn gốc (TXNG), chống gian lận thương mại...
Trong đó, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã chia sẻ về quy mô sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng. Do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng đồng thời do lợi thế về nguyên liệu, kinh nghiệm sử dụng các nguyên liệu tại Việt Nam nên thị trường thực phẩm chức năng phát triển mạnh mẽ. Đến nay, đã có hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, tỉ lệ sản phẩm sản xuất trong nước chiếm khoảng 65-70% thị trường.
Vấn đề đặt ra hiện nay là sản phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm nhưng nhiều doanh nghiệp tự công bố; hoặc chất lượng và độ an toàn không như công bố; quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu nhầm với thuốc chữa bệnh, sử dụng hình ảnh, uy tín của các cơ sở y tế, bác sĩ để quảng cáo sản phẩm, đặc biệt trên mạng xã hội... Do vậy, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, vừa đảm bảo thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm; tuyên truyền để hiểu đúng, làm đúng và dùng đúng.
Nhiều thông tin về SPTN được chia sẻ tại Hội nghị (Nguồn ảnh: http://sokhoahoccongnghe.phutho.gov.vn/)
Về vấn đề TXNG, ThS. Nguyễn Thế Tiệp - Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật chống hàng giả và gian lận thương mại cho biết, hoạt động TXNG được cả cộng đồng xã hội quan tâm, các thị trường xuất khẩu đều yêu cầu có TXNG. Trên thị trường có rất nhiều đơn vị cung cấp giải pháp TXNG, tuy nhiên đa phần không đáp ứng yêu cầu chung. Vấn đề TXNG hiện cũng có nhiều khó khăn, thách thức như chi phí nguồn lực tài chính, thiếu thông tin về các giải pháp, khó thay đổi tư duy và văn hóa doanh nghiệp, rủi ro trong quản trị dữ liệu, an ninh mạng... Ông Tiệp cho rằng, hiện rất cần một nền tảng quản lý dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái công nghệ quản lý chuỗi cung ứng, minh bạch thông tin, chống gian lận thương mại và kết nối cung cầu.
Còn GS.TS. Phạm Quốc Long - Tổng Thư ký VNPS cho rằng, nhờ sự phát triển của KH&CN, các tiêu chuẩn con người đã biết đưa tri thức khoa học vào các SPTN và khoa học hóa các bài thuốc dân gian cổ truyền, trong đó có thuốc dân tộc và TPCN. Với thực trạng hiện nay, GS.TS. Phạm Quốc Long cho rằng, cần ban hành bộ tiêu chuẩn theo các cấp độ về "sản phåm thiên nhiên"; đồng thời cần có một hệ thống nhất quán để quản lý, chứng nhận, công nhận chất lượng, nguồn gốc các sản phẩm lưu hành trên thị trường và phải có sự chấp thuận của các cơ quan chứng nhận được ủy quyền.
Được biết, hiện VNPS đã ban hành Quy chế xác nhận và quản lý các SPTN, trong đó quy định việc quản lý chất lượng và cấp xác nhận sản phẩm được sản xuất phù hợp với Tiêu chuẩn thiên nhiên. Nhiều chính sách phát triển các SPTN cũng đã và đang được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các SPTN.
Cũng tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã trao Giấy chứng nhận SPTN cho một số sản phẩm đang lưu hành trên thị trường. (Nguồn ảnh: http://sokhoahoccongnghe.phutho.gov.vn/)
Phương Linh

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 9
  • 4
  • 1
  • 4
  • 2
lên đầu trang