Chủ nhật, 28/04/2024 | 04:47

Chủ nhật, 28/04/2024 | 04:47

Tin tổng hợp

Cập nhật 03:33 ngày 07/09/2023

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học xử lý các vấn đề môi trường

Công nghệ sinh học có nhiều ứng dụng để xử lý các vấn đề liên quan tới môi trường như: Xử lý chất thải, cải tạo và phục hồi hệ sinh thái, các vùng đất bị ô nhiễm, sản xuất chế phẩm sinh học thân thiện môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học... Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực phát triển kinh tế gắn với giảm phát thải, bảo vệ môi trường, việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) ở quy mô công nghiệp đang trở thành yêu cầu cấp thiết, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Định hướng phát triển công nghệ sinh học
CNSH bao gồm bất kỳ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nào có sử dụng các hệ thống sống, các cơ thể sống, các quá trình sinh học hoặc các dẫn xuất từ chúng để sản xuất hoặc chế biến, biến đổi thành vật liệu, năng lượng và các sản phẩm có giá trị gia tăng khác nhau. Xác định đất nước ta có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học…, có thể sử dụng CNSH làm đòn bẩy thúc đẩy quá trình xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước ban hành kịp thời các chỉ thị, nghị quyết nhằm đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế, bảo vệ môi trường và quốc phòng - an ninh.
Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam) thu thập mẫu nước ô nhiễm để nghiên cứu loại chế phẩm vi sinh chịu mặn dùng để xử lý nước bùn đáy và nước bị ô nhiễm chất hữu cơ ở các vùng nước lợ và nước mặn (Nguồn: VAST)
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Công nghệ sinh học là lĩnh vực vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của thế giới, cũng như Việt Nam. Từ năm 2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX đã ra Chỉ thị số 50-CT-TW và đến năm 2016, Kết luận 05-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, cũng như mới đây nhất là Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.
Đây là những định hướng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của công nghệ sinh học nước ta, thể hiện quan điểm, chủ trương và chỉ đạo của Đảng với sự phát triển của một ngành khoa học - công nghệ quan trọng với triển vọng đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Nghị quyết 36/NQ-TW được ban hành rất kịp thời trong tình hình mới. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thế giới vừa trải qua đại dịch COVID-19 càng cho thấy tầm quan trọng của công nghệ sinh học trong ứng phó với các thách thức như biến đổi khí hậu, ô nhiễm rác thải nhựa… cũng như các cơ hội, lợi ích cần tranh thủ, tận dụng cho sự phát triển của đất nước.
Theo đó, đến năm 2030, nền công nghệ sinh học nước ta đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng, là 1 trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học; được ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Xây dựng nền công nghệ sinh học có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, tài chính đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu; đóng góp 7% vào GDP; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Trong xu thế chuyển đổi xanh của thế giới, nước ta là một trong những quốc gia đi đầu với cam kết giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050, do đó, việc áp dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường là rất cần thiết. Các chế phẩm sinh học có thể được sử dụng để xử lý mùi hôi tại các chuồng trại, ô nhiễm sông, hồ, nước thải. Việc áp dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường còn giúp phân hủy các độc chất vô cơ và hữu cơ, xử lý chất thải công nghiệp; xử lý các sự cố tràn dầu hay ô nhiễm dầu… – PGS.TS Chu Hoàng Hà cho biết.
Xử lý ô nhiễm theo hướng bảo vệ hệ sinh thái
Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) và Viện công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam), xét riêng trong lĩnh vực môi trường, CNSH hiện đang được ứng dụng khá rộng rãi. Tuy vậy, số lượng sản phẩm được thương mại hóa không nhiều và chưa đa dạng. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp sinh học trong nước đã sản xuất một số sản phẩm: Các chế phẩm xử lý chất thải trong sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản; sản phẩm xử lý chất thải y tế; sản phẩm xử lý chất thải trong công nghiệp và sinh hoạt; thiết bị, dây chuyền thiết bị phục vụ sản xuất các sản phẩm sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học tạo chế phẩm sinh học xử lý ô nhiễm dầu. (Ảnh: Nhi Công)
Các doanh nghiệp công nghiệp sinh học mặc dù còn hạn chế về số lượng lẫn quy mô, vốn điều lệ ít, nhưng bước đầu đã có bước chuyển dịch. Số lượng các doanh nghiệp có vốn nhỏ giảm và tăng số lượng các doanh nghiệp có vốn lớn, nhưng mới tập trung ở lĩnh vực dịch vụ. Trong khi đó, trong nước đang rất thiếu các doanh nghiệp mạnh để giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước. Các sản phẩm, thiết bị cung cấp ra thị trường chủ yếu là các sản phẩm cơ khí, chế tạo đơn giản, trình độ thấp, doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư cho nghiên cứu phát triển, hoàn thiện sản phẩm, sáng tạo công nghệ. Nền công nghiệp còn non yếu này hàng năm mới chỉ đáp ứng được 5 % tổng nhu cầu xử lý nước thải đô thị, chế biến và tái chế khoảng 15% nhu cầu chất thải rắn và 14 % nhu cầu xử lý chất thải nguy hại. Nhiều lĩnh vực tái chế như dầu thải, nhựa phế thải, chất thải điện, điện tử… hầu như chưa phát triển.
Trong khi đó, việc thu hút các nguồn vốn đầu tư vào phát triển công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu của xã hội. Lĩnh vực dịch vụ môi trường vẫn dựa chủ yếu vào kinh phí cấp từ nguồn ngân sách nhà nước, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ xử lý nước thải đô thị. Bên cạnh đó, doanh nghiệp công nghiệp môi trường ở Việt Nam chưa thực sự gắn liền với sự phát triển nghiên cứu khoa học, cũng như những thành tựu khoa học và công nghệ đạt được trong và ngoài nước. Điều này đã làm ngành công nghiệp môi trường nước ta giảm năng lực cạnh tranh, khiến mức độ lệ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài càng lớn do thiếu nguồn lực phát triển.
Như vậy, ngành công nghiệp môi trường Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển, đóng góp trong tổng sản lượng công nghiệp cũng như GDP còn khiêm tốn kể cả so với mức trung bình của thế giới và với chính các ngành công nghiệp Việt Nam. Điều này cho thấy, dư địa để phát triển còn nhiều.
Theo Nghị quyết số 36/NQ-TW, 5 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đạt được các mục tiêu bao gồm: Thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; Tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học.
Để công nghệ sinh học thật sự có giá trị trong bảo vệ môi trường, đòi hỏi các Bộ, ban, ngành sớm vào cuộc ngay từ các công đoạn xây dựng lộ trình, thay đổi tư duy, đầu tư công nghệ, thiết bị cũng như đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đưa Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới. Trước mắt, tập trung phát triển và ứng dụng có hiệu quả CNSH trong sản xuất và đời sống; nghiên cứu phát triển và ứng dụng CNSH đóng góp thiết thực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế; phát triển CNSH gắn kết với ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội bền vững và đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Theo https://monre.gov.vn/
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 7
  • 9
  • 8
  • 2
  • 3
lên đầu trang