Chủ nhật, 28/04/2024 | 05:53

Chủ nhật, 28/04/2024 | 05:53

Tin tổng hợp

Cập nhật 08:29 ngày 27/06/2023

Ninh Bình: Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới

Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới” ban hành ngày 30/1/2023 nêu rõ, phát triển công nghệ sinh học là xu thế của thế giới, là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống Nhân dân.

Ảnh minh họa
Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phải khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng và địa phương; lợi thế của quốc gia đi sau. Tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực trọng điểm, cơ bản, nhất là tận dụng ưu thế về đa dạng sinh học nước ta.
Phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng là giải pháp ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội; lấy doanh nghiệp là chủ thể, có cơ chế, chính sách vượt trội tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân đầu tư phát triển công nghiệp sinh học.
Mục tiêu  của tỉnh trong phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới
Tại tỉnh Ninh Bình, mục đích được tỉnh hướng đến năm 2030: Nghiên cứu, ứng dụng, tiếp nhận 10-15 công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi mang các đặc tính mới; sản xuất các chế phẩm sinh học sử dụng trong nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật; ứng dụng trong y học và dược phẩm, chẩn đoán bệnh; xử lý ô nhiễm môi trường, rác thải… góp phần từng bước xây dựng nền kinh tế an toàn, tuần hoàn, theo hướng hữu cơ và bền vững; nghiên cứu, ứng dụng, tiếp nhận 05-07 công nghệ sinh học trong công nghiệp bảo quản và chế biến tạo ra chuỗi các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; xây dựng và đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ công nghệ sinh học của tỉnh trong hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ thuộc loại khá của vùng đồng bằng sông Hồng.
Đến năm 2030 tỉnh sẽ hỗ trợ 15-20 doanh nghiệp ứng công nghệ sinh học tiên tiến nhằm mang tính dẫn dắt các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh đạt loại khá của cả nước.
Đến năm 2045, phấn đấu hỗ trợ một số doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến làm chủ được một số công nghệ sinh học mới, tạo ra sản phẩm có chất lượng và khả năng ứng dụng thực tiễn tại địa phương.  Tăng cường đào tạo nhân lực tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến về công nghệ sinh học ở quy mô công nghiệp.
Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Để đạt được các mục tiêu trên tỉnh đã đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tổ chức thực hiện.
Thứ nhất: Tuyên truyền vai trò của công nghệ sinh học trong phát triển kinh tế - xã hội
Các sở, ban, ngành, đoàn thể; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai công tác nghiên cứu, quán triệt nội dung của Nghị quyết số 36-NQ/TW, Kế hoạch 120-KH/TU và xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện để tạo sự thống nhất trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về tầm quan trọng của phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống Nhân dân.
Đẩy mạnh quyết tâm của các cấp, các ngành, địa phương về ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trong tình hình mới; phát triển công nghệ sinh học là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ thống nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học thông minh, hiện đại, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Chú trọng giới thiệu các thành tựu công nghệ sinh học; chủ động tuyên truyền về các tập thể, tổ chức, cá nhân điển hình trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Kịp thời khen thưởng, tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động hiệu quả.
Thứ hai: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh. Xây dựng, hoàn thiện, triển khai các cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học; bảo đảm an toàn sinh học để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học đối với vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, miền núi, bãi ngang ven biển.
Có cơ chế bảo đảm mối liên kết, gắn bó giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học; xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đề án, chương trình khoa học và công nghệ về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; bảo tồn phát triển nguồn gen trên địa bàn tỉnh.
Nghiên cứu, áp dụng thí điểm các cơ chế, chính sách mới, trong đó có các cơ chế, chính sách vượt trội để tạo đột phá phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, phát triển công nghiệp sinh học trong một số lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế.
Thứ ba: Phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; gắn với mô hình tăng trưởng hiện đại, xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh
Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với biến đổi khí hậu, chống chịu sâu, bệnh, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; tạo ra các chế phẩm sinh học phòng, chống bệnh cho vật nuôi, cây trồng góp phần xây dựng nền nông nghiệp thông minh, an toàn, hiệu quả. Bảo tồn và phát triển các nguồn gen quí, hiếm; chuyển giao, nhân rộng trong sản xuất công nghệ sinh học các giống vật nuôi, cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao của tỉnh.
Ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong công nghiệp sinh học; phát triển, hiện đại hoá công nghiệp chế biến các sản phẩm an toàn, hiệu quả, có giá trị cao; liên kết các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm từ công nghệ sinh học.
Nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu và các loại thuốc sinh học, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thảo dược. Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường; giảm thiểu suy thoái, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; sản xuất nhiên liệu, vật liệu sinh học thân thiện môi trường, phát huy tiềm năng kinh tế biển.
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ mới, nghiên cứu sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học quy mô công nghiệp; xây dựng thương hiệu, thương mại hoá sản phẩm; khai thác, sử dụng hiệu quả các phát minh, sáng chế công nghệ sinh học có giá trị cao của thế giới, ứng dụng hiệu quả trong công nghiệp sinh học.
Thứ tư: Xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, gắn với phát triển công nghệ sinh học
Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp công nghệ sinh học, đơn vị sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ sinh học. Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và nhu cầu thực tiễn, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ sinh học, kết hợp bồi dưỡng tập huấn chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ sinh học cho đội ngũ cán bộ quản lý; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học. Hỗ trợ các doanh nghiệp hiện đại hoá công nghệ, thiết bị, đổi mới sáng tạo nhằm sản xuất sản phẩm công nghệ đạt trình độ cao.
Hỗ trợ đầu tư hoàn thiện và đồng bộ hóa các trang thiết bị hiện có của đơn vị/doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tiếp nhận và thực hiện chuyển giao các quy trình công nghệ sinh học tiến tiến, quy mô lớn đáp ứng yêu cầu sản xuất tại địa phương. Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin về công nghệ sinh học phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Thứ năm: Tăng cường hợp tác về công nghệ sinh học
Đẩy mạnh hợp tác với các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học và các Trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Phối hợp với các đơn vị có liên quan đến công nghệ sinh học mà tỉnh có lợi thế phát triển, trong đó quan tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ có giá trị cao. Hợp tác nghiên cứu, ứng dụng mô hình phát triển kinh tế sinh học, quản lý tài nguyên, quản lý kinh tế, xã hội bền vững với các tổ chức/doanh nghiệp có trình độ công nghệ sinh học phát triển.
Theo https://ninhbinh.gov.vn/
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 8
  • 0
  • 1
  • 4
  • 5
lên đầu trang