Thứ sáu, 26/04/2024 | 21:37

Thứ sáu, 26/04/2024 | 21:37

Tin tổng hợp

Cập nhật 10:21 ngày 18/04/2022

Ninh Bình: Sản xuất thành công tảo xoắn

Kết quả thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ hoàn thiện quy trình nhân giống, nuôi trồng, thu sinh khối, chế biến táo xoắn Spirulina tại thành phố Tam Điệp” của nhóm nghiên cứu thuộc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Tảo Việt là đã sản xuất thành công tảo xoắn trên chính mảnh đất quê hương Ninh Bình, góp phần tạo thêm một sản phẩm hàng hóa mới của địa phương, có giá trị kinh tế cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Giá trị dinh dưỡng của tảo xoắn
Tảo xoắn (tên khoa học là tảo Spirulina) do TS Clement người Pháp phát hiện vào năm 1960 trong một chuyến đi đến hồ Tchad ở Trung Phi. Tảo xoắn sinh trưởng tự nhiên chủ yếu trong đại dương và các hồ nước mặn ở khu vực khí hậu cận nhiệt đới. Ngoài môi trường nước mặn thì chúng cũng có thể sống trong môi trường nước ngọt. Bên cạnh thành phần chủ yếu là đạm thực vật giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, tảo xoắn còn chứa nhiều Vitamin E và các khoáng chất, không chứa đường, chất béo nên được xem là thực phẩm tối ưu giúp chống oxy hóa, tăng cường sức mạnh cơ bắp, ngăn ngừa các bệnh tim mạch và phòng chống ung thư cùng nhiều bệnh khác.
Chống oxy hóa và chống viêm: trong thành phần tảo xoắn chứa rất nhiều phycocyanin (chất chống ung thư, thúc đẩy tái tạo tế bào) có khả năng chống lại các gốc tự do và ức chế các phân tử truyền tín hiệu gây viêm nhiễm, nhờ đó mà có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm hiệu quả.
Hạ huyết áp và ngăn ngừa đột quỵ: huyết áp cao là một trong các yếu tố chính dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm gồm các cơn đau tim, đột quỵ và bệnh thận mạn tính. Tảo xoắn giúp giảm huyết áp của những người có huyết áp bình thường do trong tảo làm tăng hàm lượng oxit nitric, một phân tử tín hiệu giúp mạch máu giãn ra.
Ngăn ngừa bệnh thiếu máu: thiếu máu có nhiều dạng khác nhau, tuy nhiên dạng phổ biến nhất là giảm hemoglobin hay các tế bào hồng cầu, việc  bổ sung tảo xoắn giúp tăng hàm lượng hemoglobin trong hồng cầu, đồng thời cải thiện các chức năng miễn dịch khác.
Thương mại hóa sản phẩm tảo xoắn từ kết quả của dự án
Từ những giá trị quan trọng mà tảo xoắn mang lại cho sức khỏe, dẫn đến nhu cầu sử dụng sản phẩm này ngày càng tăng cao. Thực tế hiện nay, hầu hết các sản phẩm từ tảo xoắn tại Việt Nam đều chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài, do nuôi trồng tảo trong nước chưa đáp ứng được các mục tiêu đặt ra, vì vậy, việc nuôi trồng, phát triển và thương mại hóa các sản phẩm tảo xoắn là một hướng đi phù hợp.
Tại thị xã Đông Sơn, TP Tam Điệp (Ninh Bình) nổi tiếng với nghề truyền thống trồng đào phai từ những năm 80 của thế kỷ XX. Ở đây, đất có chỉ số pH axit thấp vì các nguyên tố dinh dưỡng này bị ion hidro (H+) thay thế trên bề mặt keo đất và khi ở dạng tự do thì dễ bị rửa trôi. Với chất lượng đất này, việc chăn nuôi, tổ chức sản xuất tảo xoắn trên địa bàn được xác định sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân…
Trước thực trạng này, với kinh nghiệm nuôi trồng, sản xuất tảo xoắn quy mô nhỏ trước đây, nhóm nghiên cứu đã đề xuất và được Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình phê duyệt thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ hoàn thiện quy trình nhân giống, nuôi trồng, thu sinh khối, chế biến táo xoắn Spirulina tại thành phố Tam Điệp” hướng đến tạo ra sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là: xây dựng khu nhân giống, nuôi trồng và thu hoạch theo công nghệ nhân giống cấp 2; hoàn thiện xây chuyền đóng gói sản phẩm thương phẩm dạng bột khô, ép viên và đóng gói sản phẩm tươi theo công nghệ tự động hóa.
Trải qua hơn 12 tháng thực hiện dự án (12/2020-12/2021), Với diện tích 1.000 m2 HTX nông nghiệp công nghệ cao Tảo Việt đã thiết kế, xây dựng khu nhân giống cấp 1, 2, khu nuôi trồng phù hợp với kiều kiện khí hậu tự nhiên tại tỉnh Ninh Bình, khắc phục các yếu tố thời tiết bất lợi như nắng nóng, cường độ sáng, độ ẩm…, góp phần tạo môi trường thuận lợi để tảo phát triển tốt nhất, từ đó giúp cho quá trình thu sinh khối tảo đạt năng suất và chất lượng cao.
HTX đã tiến hành khoan mạch nước ngầm, đầu tư hệ thống xử lý nước theo công nghệ RO; quy trình sản xuất theo hệ thống: nuôi tảo ngoài trời bằng nhà kính, mái che tự động bằng công nghệ của Israel, xung quanh quây bằng lưới, quạt thông gió, hệ thống sục khí, đồng thời gắn cảm biến nhiệt độ kết nối với hệ thống phun nước làm mát tự động để phù hợp với điều kiện sinh trưởng của tảo xoắn. Ngoài ra, các thành viên nhóm nghiên cứu cũng tăng cường kiểm tra phân tích hóa nghiệm tỷ lệ nồng độ các loại muối dinh dưỡng, vi lượng để xử lý điều chỉnh, đảm bảo nguồn ánh sáng cho tảo quang hợp và sục khí tạo dòng chảy trong bể.
Khi thu hoạch, tảo sẽ được hút lên bằng các máy bơm với công suất phù hợp, sau đó đi qua lưới lọc có mắt lưới rất nhỏ khoảng 100 micromes để tách nước, lúc này tảo sẽ thu được ở dạng bột nhão. Phần nước thừa sẽ được đưa quay lại vào bể nuôi tảo. Toàn bộ hệ thống thu hoạch này là chu trình khép kín, tấm lưới làm bằng thép không rỉ đảm bảo vệ sinh an toàn cũng như chất lượng sản phẩm tảo. Tảo dưới dạng bột nhão được đưa vào máy quay ly tâm để tách nước trong vài phút, trước khi đưa vào buồng sấy lạnh để làm bay hơi nước và tạo thành bột khô, bột này được đưa ra phòng đóng gói. Quá trình này phải dùng máy sấy lạnh để sấy khô tảo nhằm giữ gìn, bảo tồn nguyên vẹn các chất dinh dưỡng nhạy cảm với nhiệt độ cao, sắc tố và các enzym có trong tảo mà không dùng chất bảo quản.
Các sản phẩm từ tảo xoắn do HTX nông nghiệp công nghệ cao Tảo Việt sản xuất.
Các sản phẩm từ tảo xoắn hiện đã được HTX sản xuất gồm: tảo tươi nguyên chất, tảo bột khô, tảo khô ép viên. Đến nay, HTX  đã sản xuất được 1.200 kg tảo tươi (tương ứng 228 kg tảo khô), dự tính đóng được 1.140 lọ bột tảo khô (100 g/lọ) và 1.140 lọ viên nén (200 viên/100 g/lọ). Sản phẩm từ tảo xoắn của HTX cũng đã được Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia chứng nhận.
Việc ứng dụng thành công dự án sản xuất, chế biến tảo xoắn tại thị xã Đông Sơn, TP Tam Điệp (Ninh Bình) có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Ngành Nông nghiệp tỉnh Ninh Bình có thêm một sản phẩm hàng hóa mới, đặc trưng riêng và có giá trị kinh tế cao. Góp phần nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm tảo xoắn với các địa phương trong cả nước. Đồng thời, tạo công ăn việc làm, tăng nguồn thu nhập, cải thiện đời sống cho chính người dân địa phương.
Theo https://vjst.vn/
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 7
  • 0
  • 1
  • 5
  • 2
lên đầu trang