Thứ hai, 06/05/2024 | 13:11

Thứ hai, 06/05/2024 | 13:11

Tin tổng hợp

Cập nhật 01:42 ngày 12/04/2023

Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong đổi mới mô hình tăng trưởng

Với phương châm lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, dịch vụ du lịch là mũi nhọn và coi nông nghiệp, phát triển nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, cơ chế, chính sách để từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn. Trong đó, việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong đổi mới mô hình tăng trưởng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển KT- XH nhanh và bền vững.
Ứng dụng công nghệ sinh học, lựa chọn các giống lúa chất lượng, đưa vào cơ cấu gieo trồng, giúp năng suất lúa của tỉnh liên tục duy trì ở tốp đầu các tỉnh đồng bằng Sông Hồng. Ảnh: Chu Kiều
Để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng KT- XH mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra, Vĩnh Phúc đã và đang thực hiện rốt ráo 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá.
Một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm là “Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; chuyển mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo hướng tăng năng suất lao động trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo".
Để tạo đột phá trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, môi trường, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, tỉnh đã thành lập Hội đồng tư vấn khởi nghiệp và phát động các cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp”; tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, hội nghị khởi nghiệp với mục đích chia sẻ thông tin, kiến thức, cơ chế chính sách về khởi nghiệp…; tạo lập môi trường, thúc đẩy, hỗ trợ và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp.
Các phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khuyến khích tăng năng suất lao động, nâng cao hàm lượng khoa học và công nghệ; tăng năng lực quản trị… lan tỏa rộng rãi.
Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp (DN), địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, dần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và đem lại hiệu quả KT- XH.
Nổi bật, nhiều đề tài được ứng dụng trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc miền núi thông qua các mô hình nông nghiệp công nghệ cao như nghiên cứu và ứng dụng CNSH trong tuyển chọn, sản xuất các giống cây trồng có năng suất, chất lượng đưa vào cơ cấu giống của tỉnh.
Nhân giống, bảo tồn các loài cây, con dược liệu và sản xuất các dược chất, các sản phẩm thứ cấp có giá trị; duy trì lưu giữ gen các giống hoa lan, cây lô hội, các loại dược liệu quý như sâm ngọc linh, ba kích, trà hoa vàng…; mô hình nuôi cấy mô, kỹ thuật thuỷ canh, khí canh, canh tác trên giá thể không đất áp dụng trong trồng rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính, trồng hoa lan, cây cảnh, cây lâm nghiệp; công nghệ nuôi trồng, phát triển thị trường cho các sản phẩm của các đề tài, dự án nhằm nâng cao giá trị, giá thành của sản phẩm, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, thị trường ổn định, tạo thành chuỗi khép kín...
Trong công nghiệp, dịch vụ, tập trung đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng, phát triển theo hướng bền vững; thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp hiện có; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển các DN nhỏ và vừa, DN công nghiệp hỗ trợ, tạo ra một mạng lưới các công ty vệ tinh sản xuất và xuất khẩu cho các công ty lớn.
Công nghệ sinh học giúp Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo (Bình Xuyên) tạo ra các sản phẩm mật ong chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Ảnh: Chu Kiều
Thu hút đầu tư, phát triển ngành dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, dịch vụ giáo dục, logistic, tài chính - kinh doanh, du lịch, vận tải, dịch vụ khoa học và công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, du lịch.
Chú trọng phát triển năng lực đổi mới sáng tạo của DN; nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ mới, tham gia các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị gia tăng cao, nhất là DN nhỏ và vừa.
Từ cơ chế, chính sách khuyến khích các DN đổi mới công nghệ, không ít DN đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất, thương mại hóa sản phẩm CNSH trên một số lĩnh vực, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, CNSH của nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng chưa tương xứng với tiềm năng; năng lực CNSH chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT- XH; công tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực công nghệ sinh học còn nhiều hạn chế…
Một trong những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này là nhận thức của không ít cấp ủy, chính quyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của CNSH chưa đầy đủ, dẫn đến cơ chế chính sách chưa phù hợp để thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển và ứng dụng CNSH; mối liên kết giữa các nhà khoa học với DN trong phát triển và ứng dụng CNSH chưa chặt chẽ, hiệu quả…
Để phát triển CNSH trở thành động lực quan trọng trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành văn bản số 1831 về quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.
Trong đó, yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung của Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị.
Giao nhiệm vụ cụ thể đối với các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, MTTQ, các cơ quan truyền thông trên địa bàn, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, đề ra các giải pháp phát triển, ứng dụng hiệu quả CNSH trong sản xuất và đời sống.
Thống nhất nhận thức về phát triển CNSH trong tình hình mới; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng CNSH cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế về CNSH, với mục tiêu phát triển CNSH thành ngành kinh tế- kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Báo Vĩnh Phúc
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 7
  • 7
  • 1
  • 9
  • 6
  • 1
lên đầu trang