Thứ năm, 25/04/2024 | 20:18

Thứ năm, 25/04/2024 | 20:18

Tin tổng hợp

Cập nhật 04:39 ngày 10/03/2023

Đột phá trong phát triển công nghệ sinh học

Thời gian qua, Việt Nam đã chú trọng đến việc phát triển công nghệ sinh học trong nhiều lĩnh vực, mang lại hiệu quả thiết thực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Công nghệ sinh học là một lĩnh vực sáng tạo, mang tính liên ngành và có tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm nông nghiệp, công nghiệp, y học, môi trường, quốc phòng... Lĩnh vực này đã và đang dần trở thành một trong những lĩnh vực công nghệ dẫn đầu cho quá trình chuyển đổi, phát triển xã hội theo xu hướng giảm phát thải Carbon và giải quyết các thách thức quan trọng trong đời sống xã hội.
Phát triển công nghệ sinh học được coi là xu thế của thế giới, là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân.
Nghị quyết của Bộ Chính trị về công nghệ sinh học
Công nghệ sinh học là công nghệ sử dụng các quá trình sinh học, các cơ thể sống hay các hệ thống sinh học để tạo ra các sản phẩm phục vụ việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam.
Nhận định tầm quan trọng của công nghệ sinh học, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới (Ảnh minh họa)
Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu tập trung xây dựng công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết đặt mục tiêu nền công nghệ sinh học nước ta đến năm 2023 đạt trình độ tiên tiến thế giới, là một trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học; đóng góp 7% vào GDP; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học có giá trị cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, quốc phòng, an ninh; xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu có uy tín đạt trình độ quốc tế trong lĩnh vực công nghệ sinh học; tăng cường hợp tác quốc tế.
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2045, Việt Nam sẽ là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; công nghiệp sinh học đóng góp 10 - 15% vào GDP.
Quốc gia đầu tiên nghiên cứu và sản xuất thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi
Sau hơn 100 năm kể từ khi được phát hiện đến nay, hơn 4.000 công trình nghiên cứu liên quan đến virus dịch tả lợn châu Phi và phát triển vaccine của các nhà khoa học đã được công bố. Tuy nhiên, thế giới vẫn chưa có vaccine thương mại và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Và tín hiệu khả quan bắt đầu le lói khi nhóm các nhà khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố thành công việc nghiên cứu chủng virus DTLCP nhược độc đã được cắt bỏ đoạn gen Delta I177L vào tháng 11/2019, sau hơn 10 năm nghiên cứu công phu, bài bản.
Ngay sau công bố của các nhà khoa học của Hoa Kỳ , Cục Thú y đã cử người sang Hoa Kỳ dự họp, gặp trực tiếp với các chuyên gia Hoa Kỳ để bàn phối hợp nghiên cứu, sản xuất vaccine DTLCP.
Từ tháng 7/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Thú y và 3 doanh nghiệp có tiềm năng - nguồn lực - kinh nghiệm phối hợp với các nhà khoa học của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tổ chức tiếp nhận con giống virus, công nghệ và phối hợp nghiên cứu, sản xuất, đăng ký lưu hành vaccine dịch tả lợn châu Phi.
Sau hơn 2 năm triển khai quyết liệt, tháng 6/2022, Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi và cấp phép lưu hành thương mại.
Việt Nam đã hoàn tất công tác nghiên cứu, thử nghiệm vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi và có thể sản xuất thương mại
Theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm này, ngành chăn nuôi đã tiêm được khoảng 650.000 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi cho trên 40 tỉnh thành, đáp ứng miễn dịch trên 93%.
Từ cơ sở này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến sẽ xem xét cho lưu hành vaccine thương mại rộng rãi trong tháng 2 này.
Cùng với xu hướng phát triển chung về công nghệ sinh học và việc ứng dụng công nghệ sinh học trong các lĩnh vực khác nhau trên thế giới, Việt Nam đã chủ động xây dựng các chiến lược tổng thể để tiếp cận, đi trước đón đầu, đồng thời tự chủ trong quá trình nghiên cứu, phát triển công nghệ sinh học.
Câu chuyện về hoa Tulip
Không nhiều người biết rằng, những bông hoa Tulip sặc sỡ lại không có nguồn gốc từ Hà Lan mà bắt nguồn từ vùng Tây Á.
Cách đây 5 thế kỷ, loài hoa này được mang sang trồng tại Hà Lan, sau đó, nhờ công nghệ sinh học mà nhà sinh vật học Closius (Giám đốc vườn thực vật Hà Lan) đã lai tạo ra loài hoa nhiều màu sắc bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Dù không có nguồn gốc từ Hà Lan nhưng những bông hoa Tulip đã trở thành nét đặc trưng của quốc gia này (Ảnh: Reuters)
Giờ đây, mỗi năm, hoa Tulip mang về cho đất nước Hà Lan không dưới 3 tỷ USD. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ cho thấy công nghệ sinh học nếu được ứng dụng hiệu quả thì nguồn lợi mang về lớn như thế nào.
Mục tiêu mà Bộ Chính trị đặt ra để phát triển công nghệ sinh học là lớn và nhiều thách thức phía trước. Tuy nhiên, đây là mục tiêu có thể thực hiện được nếu chúng ta làm tốt 3 đột phá về: cơ chế chính sách, thu hút nhân lực chất lượng cao và tận dụng được nguồn lực xã hội.
Anh Thư
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 5
  • 9
  • 4
  • 9
  • 0
lên đầu trang