Thứ năm, 02/05/2024 | 11:37

Thứ năm, 02/05/2024 | 11:37

Kiến thức khoa học

Cập nhật 11:49 ngày 04/04/2023

Biến chất thải nhà máy sữa thành phân bón hữu cơ vi sinh

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm đất và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông nghiệp đang là vấn đề được nhiều người quan tâm do việc sử dụng quá nhiều phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Từ thực tế này, nhóm nghiên cứu do tác giả Lê Minh Dương dẫn đầu đã tạo ra một loại phân hữu cơ mới, vừa bảo vệ môi trường mà vẫn giữ được hiệu quả kinh tế: Phân hữu cơ vi sinh Plantex. 
Ở Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng, trong những năm qua, việc lạm dụng phân hóa học trong sản xuất nông nghiệp đã làm cho cấu tạo đất bị phá hủy, đất trở nên bạc màu, chai cứng hoặc rời rạc, dẫn đến việc giảm lượng vi sinh vật có ích và tích lũy nhiều chất độc hại. Những diện tích này ngày càng lớn và rất cần thiết trả lại sự màu mỡ, phì nhiêu cho đất bằng cách áp dụng các biện pháp thâm canh liên hoàn, trong đó phân hữu cơ đóng vai trò hết sức quan trọng.
Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón hữu cơ còn có tác dụng làm tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cây trồng từ 30 – 60% tổng lượng phân hoá học bón cho đất, từ đó làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm được hàng triệu tấn phân hoá học thất thoát hàng năm.
Nhận thấy tầm quan trọng của phân bón hữu cơ, nhóm nghiên cứu do tác giả Lê Minh Dương (Đồng Nai) dẫn đầu đã tiến hành thực hiện đề tài “Sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải nhà máy sữa kết hợp với men enzyme bồ hòn (gọi tắt là phân bón hữu cơ vi sinh Plantex)”.
Sản phẩm được làm từ bùn thải của Nhà máy sữa Dielac Đồng Nai với hàm lượng chất hữu cơ lên tới 50,22%, kết hợp cùng với men enzyme bồ hòn, xơ dừa và nấm Trichoderma.
Sản phẩm được phát triển trong khoảng thời gian từ 1-3 năm. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Biến chất thải thành chế phẩm sinh học hữu ích
Theo đại diện Nhà máy sữa Dielac Đồng Nai, mỗi tháng, nhà máy thải ra khoảng 17 tấn bã bùn sữa. Đây là bã cặn còn lại của quá trình loại bỏ các vi sinh vật già yếu trong quy trình sản xuất sữa. Lượng bùn thải này có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao do có mùi hôi, khối lượng lớn, khó xử lý hoàn toàn. Tuy nhiên, trong thành phần bùn thải này chứa rất nhiều chất hữu cơ và các chất dinh dưỡng. 
Theo phân tích của nhóm, thành phần các kim loại nặng trong bã bùn sữa đều thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn chất thải nguy hại theo TCVN ISO/IEC 17025:2017. Do đó, bùn thải của nhà máy sữa có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ sinh học hoặc phân bón hữu cơ vi sinh. Tuy nhiên, do độ ẩm trong bùn cao (86,3 %) và có mùi khó chịu nên cần phối hợp với nguyên liệu khác để sản xuất phân hữu cơ vi sinh hiệu quả. 
Bên cạnh đó, Việt Nam có diện tích trồng dừa lớn nên nguyên liệu mạt dừa (xơ dừa) cũng rất dồi dào. Mỗi ngày, chỉ tính riêng Bến Tre đã có khoảng 500 tấn mạt dừa phế thải. Việc tận dụng nguồn mạt dừa này để làm phân bón vừa giải quyết vấn đề xử lý phế thải mạt dừa, vừa tận dụng được tính năng của chế phẩm làm phân bón hữu cơ. 
Theo đại diện nhóm nghiên cứu, do nhu cầu “sống xanh”, hiện nay rất nhiều người đã sử dụng enzyme bồ hòn thay cho các loại hóa chất sử dụng trong đời sống hàng ngày. Sản phẩm sau khi ủ bồ hòn là enzyme bồ hòn và men enzyme bồ hòn. Thông thường, enzyme bồ hòn được sử dụng nhiều còn men enzyme bồ hòn chỉ được dùng để làm men cái cho lần ủ sau. Tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu, nhóm nhận thấy men enzyme bồ hòn chứa rất nhiều vi sinh vật có lợi cho việc ủ phân vi sinh phân giải lipid và vi sinh vật phân giải protein đạt tiêu chuẩn, đặc biệt là nhóm vi sinh vật cố định nitơ - một nhóm vi sinh vật cực kỳ tốt cho nông nghiệp. 
Tận dụng nguồn chất hữu cơ dồi dào từ lượng lớn men enzyme bồ hòn bỏ đi ngay tại địa phương sẽ giúp tránh gây lãng phí. (Ảnh: bachhoaxanh.com/)
Đối với thành phần nấm Trichoderma, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, đây là loại nấm có nhu cầu dinh dưỡng thấp và khả năng phát triển nhanh. Chúng có thể sinh tổng hợp được nhiều loại enzyme ngoại bào như chitinase, glucanase, xylase, lipase, pectinase, protenase cùng nhiều chất khác để phân hủy nguồn xác bã thực vật và vách tế bào nấm bệnh trong đời sống hoại sinh và ký sinh của chúng. 
Việc kết hợp các thành phần này thành phân bón hữu cơ và phối trộn theo tỉ lệ: 50% bùn sữa + 25% men bồ hòn + 25% mạt dừa + Trichoderma đã tạo ra thành phẩm phân hữu cơ vi sinh Plantex và mang lại được nhiều lợi ích. 
Hướng tới nông nghiệp "xanh"
Hiện tại, phân bón hữu cơ vi sinh Plantex đang được một số hộ dân vùng chuyên canh trồng rau ở khu vực phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai sử dụng. Rau được trồng bằng phân hữu cơ vi sinh Plantex được đánh giá là nguồn rau hữu cơ sạch, đạt chuẩn VietGap.
Trưởng nhóm nghiên cứu Lê Minh Dương cho hay: "Sau khi áp dụng vào thực tiễn, chúng tôi nhận thấy tỷ suất lợi nhuận của việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh Plantex (4.12 đ/đ vốn) cao hơn nhiều so với phương pháp bón phân thông thường của người nông dân (1.86 đ/đ vốn). Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân, đồng thời bảo vệ và cải tạo được môi trường đất đang bị ô nhiễm nặng nề."
Bên cạnh đó, việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh Plantex trong trồng trọt sẽ tạo ra được nguồn sản phẩm hữu cơ sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm hơn, có chất lượng tốt hơn, giúp bán được giá cao hơn, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân trong xã hội hiện đại ngày nay.
Với những tính hiệu quả và khả năng cải tạo môi trường đất, phân hữu cơ vi sinh Plantex được đánh giá là có tiềm năng thu hút đầu tư để phát triển kỹ thuật sản xuất và mở rộng quy mô. 
Phân hữu cơ vi sinh Plantex là loại phân hữu cơ vi sinh đầu tiên ở Việt Nam được làm từ bùn thải nhà máy sữa và men enzyme bồ hòn. Việc sản xuất thành công loại phân bón này mở ra nhiều hướng đi hơn nữa trong việc sử dụng các loại phụ phẩm trong quá trình sản xuất thực phẩm để làm phân hữu cơ.
Phương Loan
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 7
  • 2
  • 6
  • 6
  • 7
  • 7
lên đầu trang