Thứ ba, 23/04/2024 | 19:55

Thứ ba, 23/04/2024 | 19:55

Tin tổng hợp

Cập nhật 08:38 ngày 26/01/2022

Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm cá bằng enzyme

Để bổ sung dinh dưỡng cho đất, giúp cây trồng phát triển và cho năng suất cao, từ lâu, nhiều hộ nông dân trồng trọt vẫn thường ngâm ủ phụ phẩm từ cá để thối rữa rồi đem tưới cho cây trồng. Việc làm này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do quá trình ngâm ủ sản sinh ra Hydro sulfua (H2S) – một loại khí độc có mùi trứng thối. Trong khi đó, bánh dầu – một loại phụ phẩm của ngành sản xuất dầu ăn, và bã đậu nành - phụ phẩm của quá trình sản xuất đậu phụ và sữa đậu nành, lại chứa hàm lượng đạm thực vật cao cùng các axit amin cần thiết cho sự phát triển của cây trồng. Tuy nhiên, quá trình ủ bánh dầu, bã đậu nành làm phân bón theo phương pháp truyền thống phải mất tới 2-3 tháng trong khi khả năng phân giải phụ phẩm từ cá thành axit amin là không nhiều.
Do đó, bằng việc sử dụng bánh dầu hoặc bã đậu nành kết hợp enzyme, các cán bộ của Công ty TNHH Công nghệ Sinh học YERSIN đã sản xuất thành công phân bón hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm cá. Quy trình công nghệ không chỉ đơn giản, thời gian ủ ngắn, cho hàm lượng các axit amin sau thuỷ phân cao và đặc biệt hạn chế mùi hôi phát sinh, giúp giảm ô nhiễm môi trường.
Bánh dầu chứa hàm lượng đạm hữu cơ cao, làm phân bón rất tốt. (Ảnh: https://clv.vn/)
Cụ thể, quy trình ủ phụ phẩm từ cá để làm phân bón hữu cơ vi sinh bắt đầu bằng việc pha trộn enzyme vào nguyên liệu. Đầu tiên, nhóm thực hiện cho enzyme vào nước sạch, thêm mật rỉ đường và tiến hành khuấy đều, tạo thành dung dịch. Enzyme sử dụng trong quy trình là chế phẩm sinh học có thành phần chính gồm các loại enzyme như enzyme Protease, Lipase, Cellulase, beta Glucacnace cùng vi sinh ức chế mùi. Protease và Cellulosa là những enzyme có tác dụng xúc tác cho phản ứng phân giải protein. Trong khi đó, Protease là các enzyme có khả năng thủy phân các liên kết peptid của chuỗi peptid, protein thành các đoạn peptid ngắn hơn và các acid amin.
Các phế phẩm từ cá tươi như: đầu cá, vi cá, ruột cá, mang cá,… có thể được dùng để làm phân bón (Ảnh: https://vinong.net/)
Tiếp theo, nhóm thực hiện trộn bánh dầu hoặc bã đậu nành vào dung dịch đã pha chế rồi cho vào thùng thủy phân. Dung dịch này có tác dụng khử mùi hôi phát sinh trong quá trình ủ và sử dụng. Sau đó, đậy kín và để ngoài nắng. Để enzyme xúc tác phân huỷ đạm thành các acid amin và sản phẩm không tạo mùi hôi, nhóm tiến hành đảo trộn đều thùng thủy phân mỗi ngày 1 lần. Qúa trình thủy phân kết thúc sau 15 – 20 ngày, cho sản phẩm là phân hữu cơ vi sinh.
Quy trình công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm cá bằng bánh dầu, bã đậu nành kết hợp enzyme.
Đại diện Công ty TNHH Công nghệ Sinh học YERSIN cho biết, thành phẩm sau khi thủy phân có thể sử dụng ngay để bón cho đất với tỷ lệ pha loãng với nước sạch là 1/50-100. Đáng chú ý, giải pháp dùng enzyme thủy phân bánh dầu, bã đậu nành để xử lý phụ phẩm từ cá, sản xuất phân hữu cơ vi sinh bón cho cây vô cùng đơn giản và dễ thực hiện. “Với quy trình công nghệ này, người nông dân hoàn toàn có thể chủ động ứng dụng ngay mà không cần sự hướng dẫn, tư vấn của chuyên gia” – Đại diện Công ty TNHH Công nghệ Sinh học YERSIN cho hay.
Việt Nam có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên để sản xuất phân bón sinh học, trong đó có có nguồn “tài nguyên” dồi dào là phụ phẩm của các ngành công nghiệp chế biến. Do đó, nếu tận dụng được nguồn tài nguyên này vào trong trồng trọt không chỉ giúp người nông dân tiết kiệm chi phí canh tác, bảo vệ sức khỏe mà còn giúp bảo vệ môi trường, góp phần phát triển sản xuất hữu cơ sinh học để dần thay thế phương pháp sản xuất sử dụng phân bón hóa học truyền thống.
Việc sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm vi sinh trong canh tác cây trồng là xu hướng tất yếu, góp phần phát triển ngành nông nghiệp “xanh” hơn, bền vững hơn. 
Bích Phương

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 4
  • 1
  • 3
  • 5
  • 8
lên đầu trang