Thứ sáu, 26/04/2024 | 15:37

Thứ sáu, 26/04/2024 | 15:37

Tin tổng hợp

Cập nhật 02:39 ngày 01/09/2021

Hoà Bình: Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ sinh học phát triển kinh tế

Những năm qua, tỉnh Hoà Bình luôn quan tâm đến hoạt động ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học. Bằng những chính sách và chương trình hỗ trợ phát triển, đến nay, thành tựu từ ứng dụng công nghệ sinh học đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, y dược, bảo vệ môi trường.  
Ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học đã được sử dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống.
Để ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vị trí, tầm quan trọng của công nghệ sinh học đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thông qua đội ngũ công tác viên, tuyên truyền viên, cơ quan thông tấn báo chí, những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới đã được truyền tải mạnh mẽ đến mọi tầng lớp Nhân dân. Qua đó, đã nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân đối với khoa học-công nghệ nói chung và công nghê sinh học nói riêng.
Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh đã ban hành văn bản triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, sử dụng các sản phẩm công nghệ sinh học, phát triển và nhân rộng các mô hình nghiên cứu đem lại hiệu quả cao. Thực hiện Quyết định số 3030/QĐ-UBND, ngày 23/12/2013 về việc phê duyệt dự án Quy hoạch tổng thể vùng và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hòa Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, đến nay, tỉnh ta đã xác định 3 vùng và 11 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; một số địa phương như: Kim Bôi, Yên Thủy, Cao Phong, Lạc Thủy,… đã hình thành mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao. Hằng năm, các Đoàn công tác cấp tỉnh, cấp huyện tiến hành kiểm tra, đôn đốc thực hiện công nghệ sinh học tại cơ sở, thông qua việc lồng ghép với việc kiểm tra tình hình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội.
Ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, tỉnh đã đa dạng hóa các nguồn lực cho phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Trong giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh đã có 20 tổ chức khoa học và công nghệ đầu tư vào lĩnh vực. Trong đó, có 9 tổ chức công lập và 11 tổ chức ngoài công lập. Cũng trong giai đoạn này, toàn tỉnh đã triển khai 7 đề tài, dự án về công nghệ sinh học cấp tỉnh vào lĩnh vực nông nghiệp và 3 đề án vào lĩnh vực y dược, với kinh phí 15,2 tỷ đồng.
Bằng những nghiên cứu khoa học, những mô hình thí nghiệm hiệu quả, đến nay việc ứng dụng công nghệ sinh học đã được sử dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội. Cụ thể, trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ sinh học đã tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh và có khả năng thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu. Đồng thời, nghiên cứu, sản xuất thành công chế phẩm bảo vệ, chăm sóc, chế biến nông sản phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững.Hiện nay một số doanh nghiệp đã đầu tư máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym trong bảo quản, chế biến sản phẩm. Đối với lĩnh vực y dược, nhiều thành tựu công nghệ sinh học đã phục vụ đặc lực trong công tác chẩn đoán và điều trị bệnh. Các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc điều hòa, ức chế miễn dịch được ưu tiên trong điều trị cho bệnh nhân. Đưa vào sử dụng một số thiết bị như: Máy cấy máu, máy cấy và định danh kháng sinh đồ tự động để chẩn đoán một số loài vi khuẩn gây bệnh; máy đếm tế bào CD4, theo dõi điều trị HIV. Đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, tỉnh ta đã sớm áp dụng các công nghệ xử lý sinh học trong xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải. Các chế phẩm vi sinh phát huy hiệu quả trong làm sạch môi trường và ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đưa ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế. Nguyên nhân do cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ sinh học còn thiếu, đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ còn thiếu. Do đó, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút, bồi dưỡng, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ sinh học; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân trong ứng dụng công nghệ vào cuộc sống; tăng cường hợp tác với các địa phương trong cả nước và hợp tác quốc tế để tiếp nhận và làm chủ một số lĩnh vực công nghệ sinh học, cũng như đa dạng hóa các nguồn vốn, đảm bảo thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ sinh học vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Theo Báo Tri thức và Cuộc sống
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 6
  • 7
  • 9
  • 4
  • 6
lên đầu trang