Thứ sáu, 26/04/2024 | 06:06

Thứ sáu, 26/04/2024 | 06:06

Tin tổng hợp

Cập nhật 08:03 ngày 24/12/2020

Lai Châu: Hiệu quả ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi và trồng trọt

Thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 4/3/2005 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, thời gian qua, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố Lai Châu đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Xác định CNSH là hoạt động mang lại năng suất và thu nhập cao đối với lĩnh vực nông nghiệp, sau 15 năm triển khai thực hiện, thành phố Lai Châu đã tạo nên sự chuyển biến rõ nét về năng suất cây trồng, chất lượng vật nuôi, công tác xử lý môi trường. Chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, hiệu quả kinh tế cao, đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật phù hợp với địa phương vào sản xuất. Nhờ đó, tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản năm 2019 đạt 345 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên 1 đơn vị diện tích ước đạt 115 triệu đồng/ha/năm.
Trên cơ sở các giống lúa, ngô do Trung ương, tỉnh tạo ra có năng suất, chất lượng đưa vào sản xuất. UBND thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu, lựa chọn các giống cây, con phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng để đưa vào thử nghiệm và nhân rộng trong sản xuất. Theo đó, thành phố đã nghiên cứu, chọn các giống lúa chất lượng cao: nghi hương 2308, nam ưu 603, Hương thơm số 1 PC6, lúa thuần (tẻ râu), giống ngô lai (CP989, 333, ngô nếp MX6...) để sản xuất đại trà với tổng diện tích trên 340ha, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lúa, ngô hằng năm.
Bên cạnh đó, thành phố tập trung chuyển đổi diện tích đất trồng cây hàng năm hiệu quả thấp sang trồng cây có giá trị kinh tế cao như: chè, cây ăn quả, hoa gắn với liên doanh, liên kết và tiêu thụ sản phẩm; qua đó đã trồng mới 101,2ha cây ăn quả, 214,63ha chè chất lượng cao, 260,4ha mắc ca (trong đó trồng thuần 80,4ha). Ứng dụng quy trình công nghệ sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo; áp dụng dây chuyền sản xuất chè ô long và công nghệ tách màu chế biến chè Shan thành chè ô long; sử dụng công nghệ Nhật Bản theo quy trình khép kín chế biến chè tươi nhằm nâng giá thành chè khô góp phần nâng cao giá trị hàng xuất khẩu của địa phương.
Hầu hết các mô hình trồng hoa trên địa bàn thành phố Lai Châu đều được áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. (Trong ảnh: Người dân xã San Thàng chăm sóc hoa hồng)
Ngoài ra, thành phố đã triển khai thực hiện mô hình trồng cà chua trong nhà màng; mô hình trồng rau, rau trái vụ, trồng hoa trong nhà lưới nhằm điều tiết khí hậu, thời tiết, mưa nắng đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho hiệu quả. Nhờ vậy, trên địa bàn thành phố đã có nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư nhà lưới sử dụng trong công nghệ trồng hoa, trồng cà chua, gieo ươm cây giống rau trồng trong mùa mưa và mùa đông cho hiệu quả kinh tế cao.
Việc ứng dụng CNSH trong phát triển chăn nuôi cũng đã đem lại hiệu quả rõ nét. Phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, xây dựng các mô hình chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường; ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi như: Ứng dụng công nghệ sinh học trong việc nuôi ấp gà con, vịt con bằng điện; công nghệ ủ thức ăn cho gia súc trong mùa đông nhằm tận dụng rơm rạ, chủ động về nguồn thức ăn thô, thức ăn tinh đáp ứng nhu cầu nguồn thức ăn dự trữ cho trâu, bò trong mùa đông giá lạnh. Thực hiện có hiệu quả cải tạo đàn lợn bằng công tác thụ tinh nhân tạo; chương trình nạc hóa đàn lợn, rút ngắn chu kỳ nuôi từ 6-7 tháng xuống 3-4 tháng, tăng năng suất và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người chăn nuôi; đồng thời, chuyển giao và ứng dụng có hiệu quả nhiều giống gia cầm có năng suất chất lượng tốt vào thực tiễn sản xuất như: Gà Lương Phượng; gà lai chọi; vịt siêu trứng, siêu thịt...
Đối với nuôi trồng thủy sản việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học đã kích thích sinh trưởng, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh thủy sản. Trên địa bàn thành phố hiện có 10 mô hình thủy sản có năng suất, chất lượng cao như: Tôm càng xanh, cá chép diêu hồng; cá rô phi đơn tính...
Chị Dương Thị Nhài - Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Lai Châu cho biết: Ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp được coi là giải pháp đột phá, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Vì vậy, thời gian qua ngành Nông nghiệp của thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách về đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNSH trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt. Qua đó, từng bước đưa các giống cây trồng, vật nuôi có ưu thế vào sản xuất, nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi; bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Để CNSH thực sự phát triển, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian tới, địa phương cần có sự phối hợp của các cấp, ngành và doanh nghiệp trong triển khai các chương trình, mô hình, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất. Tăng cường cho người dân tiếp xúc với các thành quả của CNSH để người dân biết và từng bước ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đời sống. Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, triển khai các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lấy doanh nghiệp làm hạt nhân để hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ từ sản xuất đến tiêu thụ thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Theo Báo Lai Châu
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 6
  • 3
  • 2
  • 4
  • 7
lên đầu trang