Thứ bảy, 27/04/2024 | 15:59

Thứ bảy, 27/04/2024 | 15:59

Tin tổng hợp

Cập nhật 01:38 ngày 11/03/2024

Sơn La: Giải pháp phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030

Trong Kế hoạch triển khai Đề án “Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh, tỉnh Sơn La đã xác định rõ  05 nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, phát triển khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp sinh học ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh. Trong đó, với lĩnh vực công nghiệp nhẹ cần triển khai nghiên cứu, tiếp nhận, giải mã công nghệ mới từ các nước có nền công nghiệp sinh học tiên tiến trên thế giới để làm chủ, ứng dụng và phát triển các công nghệ sinh học trong lĩnh vực ngành Công Thương ở quy mô công nghiệp, tập trung vào các công nghệ theo chuỗi công nghệ khép kín, sản xuất tuần hoàn đối với từng nhóm nguyên liệu chủ yếu trong nước (các sản phẩm nông sản; thủy sản; nấm ăn, nấm dược liệu, cây dược liệu, cây chè; thịt,...) tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đối với lĩnh vực thương mại, triển khai các nghiên cứu về hoàn thiện hệ thống phân phối nội địa, xuất khẩu đối với các sản phẩm được tạo ra từ Đề án trên nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; các mô hình điểm, cung cấp các giải pháp chính sách, kỹ thuật sản xuất tiên tiến mang tầm khu vực và quốc tế trong nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, mẫu mã công nghiệp, sản xuất và kinh doanh theo chuỗi giá trị, bền vững, tuần hoàn, thân thiện với môi trường tiếp cận nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Vùng trồng chè sạch, ứng dụng công nghệ cao tại xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La (Ảnh: sonla.gov.vn)
Hai là, xây dựng, phát triển tiềm lực công nghiệp sinh học ngành Công Thương thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực với nguồn kinh phí và nội dung triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Đề án và tranh thủ hợp tác quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp sinh học trong chế biến. Đồng thời, xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị máy móc phục vụ nghiên cứu, dịch vụ phân tích, đánh giá, hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển công nghiệp sinh học.
Ba là, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tăng cường rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ, từng bước hình thành công nghiệp sinh học ngành Công Thương; Đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích nghiên cứu phát triển, làm chủ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến ngành Công Thương.
Bên cạnh đó, tạo lập thị trường thông thoáng, thuận lợi, phát triển thêm các ngành công nghiệp phụ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành công nghiệp sinh học, hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến; Hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp sinh học trong việc sở hữu trí tuệ, xây dựng hình ảnh, tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại.
Bốn là, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp sinh học ngành Công Thương bao gồm: hợp tác song phương và đa phương với doanh nghiệp, đơn vị đào tạo, nghiên cứu của các nước có nền công nghiệp sinh học chế biến tiên tiến trong khu vực và trên thế giới để đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, thu hút đầu tư, tranh thủ sự giúp đỡ nhằm phát triển nhanh, mạnh và vững chắc công nghiệp sinh học chế biến của tỉnh; Hợp tác với các tổ chức quốc tế để khai thác kinh nghiệm, nguồn kinh phí thông qua các nhiệm vụ khoa học công nghệ; Triển khai thực hiện các dự án FDI nhằm nâng cao hiệu quả phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương và khai thác hiệu quả năng lực, kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Năm là, xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu và tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về công nghiệp sinh học ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh. Tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức về công nghiệp sinh học ngành Công Thương thông qua các phương tiện truyền thông khác nhau nhằm phổ biến công nghệ, sản phẩm, các kiến thức về kỹ thuật, giải pháp hữu ích, thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất về công nghiệp sinh học.
Trong việc thực hiện các giải pháp trên, UBND tỉnh Sơn La giao Sở Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và đơn vị có liên quan triển khai các nội dung. Đồng thời, tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại các sản phẩm hàng hóa được tạo ra từ các doanh nghiệp công nghiệp sinh học trên địa bàn tỉnh; Sở Công Thương tỉnh Sơn La cũng chịu trách nhiệm khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp công nghiệp sinh học ngành Công Thương tích cực tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tổng hợp các khó khăn vướng mắc nếu có và báo cáo UBND tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Kế hoạch khi cần thiết.
Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm định hướng nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền đặt hàng thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp sinh học; Tổ chức quản lý, triển khai hiệu quả các chương trình, đề án hỗ trợ ứng dụng kết quả nghiên cứu công nghệ sinh học hiện đại trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghiệp sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, hỗ trợ chuyển giao, nhập khẩu công nghệ và bí quyết công nghệ, phát triển thị trường công nghệ tại địa phương khi có hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tố Uyên

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 7
  • 6
  • 0
  • 4
  • 9
lên đầu trang