Thứ bảy, 27/04/2024 | 17:11

Thứ bảy, 27/04/2024 | 17:11

Tin tổng hợp

Cập nhật 08:20 ngày 08/01/2024

Nghiên cứu xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ công nghệ nano tại Quảng Ninh

Nhằm nâng cao chất lượng lúa gạo, rau, cây ăn quả, chè, gia tăng giá trị sản phẩm trên địa bàn, Sở KH&CN tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn triển khai nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh​: “Nghiên cứu xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ công nghệ nano trong sản xuất lúa, rau, cây ăn quả, chè an toàn tại tỉnh Quảng Ninh; đề xuất các giải pháp duy trì nhân rộng mô hình”.
Công nghệ nano giúp cây trồng hạn chế sâu bệnh hại, cho chất lượng, năng suất cao. Ảnh: Nguyễn Thành.
Mục tiêu chính của đề tài là đánh giá thực trạng tình hình sử dụng các sản phẩm phân bón công nghệ nano trong sản xuất lúa, rau, cây ăn quả và cây chè tại Quảng Ninh; Nghiên cứu thử nghiệm về phương pháp sử dụng phân bón hữu cơ công nghệ nano trong sản xuất lúa, rau ăn lá (rau cải), cây ăn quả (cây na), cây chè trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Xây dựng các mô hình thử nghiệm phân bón hữu cơ công nghệ nano trong sản xuất lúa, rau ăn lá (rau cải), cây ăn quả (cây na), cây chè trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhằm giúp tăng năng suất tối thiểu 10% tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất và đề xuất được giải pháp duy trì nhân rộng mô hình.
Nhiệm vụ tập trung nghiên cứu 05 nội dung và 06 phương nghiên cứu thử nghiệm và phương pháp sử dụng phân bón hữu cơ công nghệ nano trong sản xuất lúa, rau, cây ăn quả (na) và chè trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Trong hơn hai năm triển khai, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã điều tra thực trạng và sử dụng 03 loại phân bón hữu cơ công nghệ nano đến sinh trưởng, phát triển trong sản xuất lúa, rau, cây ăn quả (na) và chè trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là: Phân hữu cơ công nghệ nano UPLML, phân hữu cơ công nghệ nano Organic Phoenix, phân hữu cơ công nghệ nano Organic Phoenix Hc1.
Từ kết quả thí nghiệm cho thấy, sử dụng phân hữu cơ nano UPLML là thích hợp nhất cho sự sinh trưởng, phát triển và tạo năng suất của cây rau cải xanh; Sử dụng phân hữu cơ nano UPLML theo mức bón công thức CT1 tốc độ sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây rau cải xanh đạt tối ưu nhất; Sử dụng phân hữu cơ nano theo mức bón công thức CT1 và CT2 chất lượng rau cải xanh đạt giá trị cao nhất; Sử dụng phân hữu cơ nano UPLML theo mức bón công thức CT2 thì hiệu quả kinh tế trồng rau cải xanh là lớn nhất.
Theo đại diện Viện Nghiên cứu Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn, không riêng cây lúa, việc sử dụng phân bón hữu cơ công nghệ nano đối với diện tích chè, rau, na đã đạt được những kết quả tích cực với năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, giá trị dinh dưỡng tăng. Kết quả nghiên cứu của Đề tài đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh lúa gạo, rau, quả, chè trực tiếp sử dụng, đưa vào sản xuất đại trà, nâng cao giá trị diện tích sản xuất, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời giúp cho Sở NN&PTNT và địa phương chỉ đạo sản xuất lúa, rau, na, chè đạt kết quả tốt hơn, đáp ứng yêu cầu sản xuất hữu cơ tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đại diện Viện Nghiên cứu Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn trình bày kết quả tại buổi nghiệm thu (Nguồn ảnh: www.quangninh.gov.vn/)
Với các kết quả đạt được, ngày 28/12/2023, Sở KH&CN Quảng Ninh đã tổ chức Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu chính thức nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh: “Nghiên cứu xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ công nghệ nano trong sản xuất lúa, rau, cây ăn quả, chè an toàn tại tỉnh Quảng Ninh; đề xuất các giải pháp duy trì nhân rộng mô hình” và xếp loại Đạt.
Phương Linh

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 7
  • 6
  • 2
  • 5
  • 4
lên đầu trang