Thứ hai, 29/04/2024 | 11:00

Thứ hai, 29/04/2024 | 11:00

Tin tổng hợp

Cập nhật 08:52 ngày 19/12/2023

Công nghệ sản xuất cao định chuẩn và chế phẩm cao lỏng từ tam thất chế hỗ trợ điều trị ung thư

Nhằm hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, ngày 05/12/2023, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (CESTI) phối hợp với Trung tâm Khoa học và Công nghệ Dược Sài Gòn sẽ tổ chức sự kiện Hợp tác công nghệ với chủ đề “Quy trình công nghệ sản xuất cao định chuẩn và chế phẩm Cao lỏng từ Tam thất chế hỗ trợ điều trị ung thư” 
Sự kiện nhằm giới thiệu các giải pháp công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ đến các đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh thành trên cả nước. Hội thảo mong muốn tìm kiếm cơ hội để các đơn vị triển khai hợp tác nghiên cứu, hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ.
Sự kiện được tổ chức trên nền tảng trực tuyến kết hợp trực tiếp với sự tham dự của TS Lê Thị Hồng Vân - Chủ nhiệm đề tài, Trung tâm Khoa học Dược Sài Gòn, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh; ông Võ Ngọc Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh; cùng đông đảo đại diện các Sở, Ban ngành; các thầy cô đến từ các trường đại học; các trung tâm nghiên cứu và các doanh nghiệp trên toàn quốc.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Võ Ngọc Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh cho biết: Theo khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp tại Việt Nam, việc sản xuất tam thất hỗ trợ điều trị ung thư được bào chế từ tam thất chế dạng hồng sâm còn khá hạn chế. Đa số các sản phẩm được bào chế từ tam thất ở dạng bột, dạng viên nén, viên nang mà chưa có dạng cao lỏng – đây là dạng bào chế cho hiệu quả hấp thụ tốt hơn so với các dạng bào chế viên nén, viên nang.
Ông Võ Ngọc Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh khẳng định vai trò dạng cao lỏng trong điều chế tam thất (Ảnh chụp màn hìn)
Tại sự kiện, TS Lê Thị Hồng Vân đã trình bày chi tiết nội dung của đề tài “Quy trình công nghệ sản xuất cao định chuẩn và chế phẩm Cao lỏng từ Tam thất chế hỗ trợ điều trị ung thư”. Theo đó, các mục tiêu cụ thể của đề tài bao gồm: nghiên cứu điều kiện chế biến tam thất chế; Tối ưu hoá quy trình chiết cao định chuẩn; Xây dựng quy trình chiết cao định chuẩn và cao đặc tam thất chế; Nghiên cứu quy trình bào chế sản phẩm cao lỏng tam thất chế; Đánh giá hoạt độc tế bào, độc tính cấp, độc tính bán trường diễn và tác dụng chống huyết khối, chống y in vivo; Nghiên cứu độ ổn định của các chiết định chuẩn, cao đặc và thành phẩm cao lỏng tam thất chế.
Sau quá trình nghiên cứu, đề tài đã phân lập và tinh chế ít nhất 5 chất chuẩn làm việc từ tam thất. Đồng thời, đánh giá và phân tích nguồn nguyên liệu tam thất. Trong đó, xác định quy trình định lượng saponin trong dược liệu tam thất và đánh giá được nguồn nguyên liệu tam thất đầu vào.
Trên cơ sở đó, đề tài đã xây dựng tiêu chuẩn kiểm nghiệm đầu vào cho dược liệu Tam thất. Bên cạnh đó, nghiên cứu chế biến Tam thất theo định hướng tác dụng ức chế tế bào ung thư; Xây dựng tiêu chuẩn cho dược liệu tam thất chế với định lượng: Dược liệu phải không chứa ít hơn 3,0% (mg/100 mg) tổng hàm lượng ginsenosidRg1, ginsenosid-Rb1, 20R-ginsenosid-Rh1, ginsenosid-Rd và 20S-ginsenosid-Rg3, tính theo dược liệu khô kiệt.
"Các tiêu chuẩn này đã được thẩm định bởi cơ quan độc lập là Viện kiểm nghiệm thuốc TP.HCM. Đặc biệt, tiêu chuẩn cơ sở của nguyên liệu Tam thất đầu vào được lựa chọn, so sánh và đối chiếu với 31 mẫu dược liệu tươi, khô có nguồn từ Trung Quốc và cả Việt Nam. Nguyên liệu có hàm lượng ginsenosid tổng (G-Rb1 + G-Rg1 + G-Rd + G-Re và NR1) lớn hơn 8%, cao hơn gần 1,5 lần so với tiêu chuẩn hiện hành của Dược điển Việt Nam. Đặc biệt, tiêu chuẩn hàm lượng kim loại nặng đã được đưa vào cho tất cả TCCS của nguyên liệu, bán thành phẩm và thành phẩm.", TS Lê Thị Hồng Vân cho biết.
Sản phẩm cao lỏng tam thất chế của Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Tài liệu sự kiện)
Sau khi thử nghiệm dược lý kháng khối u, cao chiết tam thất thể hiện tác động làm hoại tử tế bào ung thư của các khối u phổi, trong đó cao đặc thể hiện tác động hoại tử tế bào ung thư phổi tốt hơn cao lỏng và tác động này tăng lên khi phối hợp giữa cao đặc tam thất với paclitaxel. Đối với khả năng chống khối huyết, cao đặc tam thất liều 450 mg/kg và cao lỏng tam thất liều 10ml/kg thể hiện khả năng chống huyết khối trên mô hình gây huyết khối ở đuôi chuột bằng κ-carrageenan, tác động này thể hiện chậm hơn so với đối chứng aspirin 20 mg/kg.
Với những thành công bước đầu, nhóm thực hiện đề tài mong muốn tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất sản phẩm ở quy mô sản phẩm và tiến hành thử nghiệm lâm sàng sản phẩm các bệnh nhân ung thư, để hỗ trợ giảm tác dụng phụ của các thuốc điều trị ung thư, nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.
Trong khuôn khổ sự kiện cũng đã diễn ra lễ kế kết hợp tác giữa đơn vị nghiên cứu và một số doanh nghiệp có nhu cầu. (Ảnh chụp màn hình)
Tam thất có nhiều tác dụng dược lý đặc trưng của chi Panax như tăng lực, chống trầm cảm, tăng sinh thích nghi, tác dụng chống oxy hóa. Trong các nghiên cứu tác dụng điều hòa miễn dịch in vitro và  in vivo, Tam thất có tác dụng kích thích miễn dịch, rút ngắn thời gian đông máu. Ngoài ra, Tam thất còn có tác dụng kích thích chức năng nội tiết sinh dục nữ, giãn mạch ngoại biên. Trong y học cổ  truyền, Tam thất được sử dụng để chữa trị chứng thổ huyết, chảy máu cam, băng huyết, rong kinh, có tinh hoạt huyết, chữa thiếu máu, mệt mỏi, chóng mặt.
Mặt khác, Tam thất còn có tác dụng chống ung thư, cụ thể là có tác dụng làm giảm kích thước khối u trên chuột nhắt gây ung thư bằng cách cấy vào tế bào ung thư ác tính. Trong các nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học đã chứng minh rằng Tam thất còn làm hạn chế sự di căn của tế bào ung thư và kéo dài thời gian sống ở chuột bị ung thư.
Minh Khuê


Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 9
  • 0
  • 5
  • 9
  • 3
lên đầu trang